Thứ Tư, 23/10/2024 08:35 SA
Chất vấn và trả lời chất vấn:
“Nóng” lĩnh vực tài nguyên - môi trường, bạo hành trong học đường
Thứ Bảy, 14/07/2018 07:00 SA

Sáng ngày làm việc thứ hai (13/7), Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa VII tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Các đại biểu chất vấn Giám đốc Sở TN-MT bốn vấn đề về môi trường, quản lý đất đai ven biển, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), công tác quản lý khai thác khoáng sản; chất vấn Giám đốc Sở GD-ĐT về vấn đề giáo dục hiện nay; chất vấn Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa về ảnh hưởng từ bãi rác Thọ Vức.

 

* Các đại biểu HĐND tỉnh Lê Thị Hồng Lưu, Nguyễn Lê Vi Phúc, Trần Văn Hạt chất vấn Giám đốc Sở TN-MT về hiện tượng giá đất ở các vùng ven biển tăng đột biến trong thời gian gần đây; tiến độ cấp GCNQSDĐ; công tác quản lý khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và tình trạng ô nhiễm môi trường tại KCN An Phú?

 

- Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Như Thức:

 

Đại biểu Lê Thị Hồng Lưu chất vấn. Ông Nguyễn Như Thức trả lời chất vấn - Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN

 

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh, lượng giao dịch về đất đai tăng cao. 6 tháng đầu năm 2018 có 5.885 hồ sơ đăng ký giao dịch mua bán của người dân và giá đất cũng tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2016, đặc biệt là khu vực ven biển. Việc giá đất ở Phú Yên tăng cao vừa qua là theo thị trường bất động sản chung của cả nước. Mặt khác, ở Phú Yên thời gian gần đây có nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn đang đầu tư các dự án du lịch, khu nghỉ dưỡng, nhất là ở khu vực trọng tâm, khu vực ven biển của tỉnh cũng là yếu tố làm giá đất tăng cao. Qua theo dõi, Sở TN-MT chưa phát hiện hồ sơ người nước ngoài (thông qua người Việt Nam) mua đất và nhà trên địa bàn tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm 2018, có khoảng 20 người ngoài tỉnh đến mua đất ven biển ở Phú Yên, chiếm khoảng 3% trong tổng số hồ sơ chuyển nhượng đã giải quyết. Sở TN-MT khuyến cáo người dân có nhu cầu mua, đầu tư đất thì nên thận trọng, cân nhắc trước khi quyết định giao dịch, phải đảm bảo đúng thủ tục về pháp luật đất đai.

 

Về tiến độ cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2018, đã tiếp nhận gần 30.000 hồ sơ. Đến nay trên địa bàn tỉnh đã cấp lần đầu được 553.600 GCNQSDĐ với diện tích hơn 361.011ha, đạt gần 97% so với diện tích đủ điều kiện. Ngoài ra, Văn phòng Đăng ký đất đai đã giải quyết 248.310 hồ sơ cấp đổi, cấp lại và đăng ký biến động theo nhu cầu của công dân. Tuy nhiên, hiện nay công tác cấp GCNQSDĐ vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu của người dân, còn chậm trễ, sai sót; một số hồ sơ chuyển đi chuyển lại nhiều lần làm phiền hà người dân. Hiện nay, hồ sơ đề nghị cấp GCNQSDĐ lần đầu còn tồn đọng tại các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai khoảng 1.255 hồ sơ. Nguyên nhân là đa phần nguồn gốc sử dụng đất phức tạp như giấy tờ, mua bán, chuyển nhượng không rõ ràng, chuyển mục đích trái phép từ đất nông nghiệp, lấn chiếm đất công và hành lang công trình nên UBND cấp xã gặp khó khăn trong việc xác nhận nguồn gốc sử dụng đất và thời điểm sử dụng đất. Qua đây, Sở TN-MT nhận trách nhiệm của mình trong việc tồn tại nói trên và đang nỗ lực khắc phục.

 

Trong quá trình triển khai thực hiện các quy hoạch khoáng sản, Sở TN-MT cũng đã nhận thấy một số nhược điểm như chưa chú ý nhiều đến việc khơi thông dòng chảy, quy hoạch chưa tính đến khả năng và điều kiện khai thác, chưa tính đến điều kiện hạ tầng, đường vận chuyển phục vụ công tác khai thác nên một số mỏ sau khi cấp giấy phép gặp khó khăn trong triển khai thực hiện. Vừa qua, Sở TN-MT cùng các sở, ngành, địa phương đã rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh, loại bỏ các điểm mỏ chưa hợp lý, đảm bảo việc quy hoạch, cấp phép khai thác cát phù hợp với thực tế. Theo quy hoạch khoáng sản được duyệt, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 215 mỏ khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường (VLXDTT), trong đó có 67 mỏ đất san lấp, nhưng đến nay chỉ mới cấp phép được 2 mỏ đất san lấp vì số hồ sơ xin phép rất ít. Qua kiểm tra, Sở TN-MT phát hiện một số mỏ cát làm VLXDTT có phương án khai thác chưa gắn kết chặt chẽ với bảo vệ môi trường và khơi thông dòng chảy; một số chủ mỏ sử dụng phế thải trong xây dựng (xà bần) để làm đường tạm gây cản trở dòng chảy, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Ngoài ra, có trường hợp người dân lén đổ xà bần dọc đường đến mỏ làm mất mỹ quan khu vực và ảnh hưởng môi trường. Sở TN-MT đã phối hợp với địa phương kiểm tra và yêu cầu các đơn vị khai thác khoáng sản chủ động tháo dỡ, vận chuyển vật liệu thải để gia cố đường tạm đến nơi đổ thải theo quy định. Việc kiểm soát trữ lượng khoáng sản đã khai thác rất khó thực hiện, vì hầu hết các mỏ chưa thực hiện lắp đặt trạm cân. Đối với nội dung đấu thầu quyền khai thác khoáng sản làm VLXDTT, tỉnh đã có kế hoạch đấu giá quyền khai thác với 2 điểm mỏ. Tuy nhiên, khi tổ chức các bước tiếp theo thì không có tổ chức, cá nhân nào nộp hồ sơ nên không đủ điều kiện để mở phiên đấu giá theo quy định. Hiện nay, Sở TN-MT đang rà soát các khu vực mỏ trong quy hoạch, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác và tổ chức đấu giá trong năm 2018 và các năm tiếp theo.

 

KCN An Phú (TP Tuy Hòa) hiện có 28 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó hoạt động chế biến thủy sản có phát sinh nước thải nhiều, thời điểm cao vụ có khoảng 200m3/ngày đêm. Toàn bộ nước thải được xử lý sơ bộ trước khi đấu nối vào trạm xử lý nước thải tập trung của KCN để tiếp tục xử lý đạt chuẩn, sau đó thải ra khu vực Bàu Sen thuộc xã Bình Kiến. Khoảng tháng 4/2017, xảy ra tình trạng phát sinh mùi hôi từ KCN An Phú, làm ảnh hưởng đến các khu dân cư xung quanh. Nguyên nhân là đơn vị vận hành tiếp nhận nước thải thô từ một số doanh nghiệp chế biến thủy sản, dẫn đến trạm xử lý quá tải. Tình trạng này đã được khắc phục từ tháng 7/2017. Mới đây (tháng 5/2018 đến nay), Sở TN-MT có nhận được phản ánh của người dân về vấn đề phát sinh mùi hôi tại KCN An Phú. Qua kiểm tra, nguyên nhân gây mùi hôi chủ yếu từ khu vực tập trung nguyên liệu, khu phế phẩm sau sơ chế, từ hố thu gom nước thải và khu chứa bùn thải của các cơ sở chế biến thủy sản trong KCN này. Sở TN-MT đã yêu cầu Ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên thường xuyên kiểm tra, lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, đảm bảo việc thu gom và xử lý toàn bộ nước thải tại KCN này.

 

* Các đại biểu HĐND tỉnh Trần Thị Nguyệt, Đặng Thị Hồng Nga chất vấn Giám đốc Sở GD-ĐT về vấn đề bạo hành trong học đường, nhất là đối với trẻ mầm non và mẫu giáo tại các trường tư thục?

 

- Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Văn Cường:

 

Đại biểu Trần Thị Nguyệt chất vấn. Ông Phạm Văn Cường trả lời chất vấn - Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN

 

Thời gian qua, tại một số cơ sở giáo dục mầm non trong cả nước liên tục xảy ra các vụ xâm hại, bạo hành trẻ en, gây bức xúc trong dư luận. Riêng ở Phú Yên, chưa xảy ra vụ việc nào. Tuy nhiên, để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng trên, Sở GD-ĐT đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đồng thời yêu cầu các phòng GD-ĐT triển khai 6 giải pháp. Thứ nhất, tập trung quán triệt đến tất cả cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường mầm non, nhóm mầm non tư thục nâng cao ý thức, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp. Thứ hai, nghiêm cấm các hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể của trẻ dưới mọi hình thức. Hiệu trưởng, chủ nhóm lớp mầm non tư thục chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý nhà nước và cha mẹ trẻ trong việc đảm bảo an toàn trong thời gian trẻ được gởi tại cơ sở. Thứ ba, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thường xuyên kiểm tra và thông tin trên các phương tiện đại chúng đối với những cơ sở chưa được cấp phép để người dân biết và cùng tham gia giám sát. Thứ tư, các phòng GD-ĐT cần phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan tăng cường thanh kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở này để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Thứ năm, các địa phương cần xây dựng đường dây nóng để tiếp nhận các thông tin phản ánh từ người dân để kịp thời xử lý những hành vi không đúng chuẩn mực sư phạm của đội ngũ cán bộ, giáo viên ở các cơ sở giáo dục mầm non. Thứ sáu, Sở GD-ĐT khuyến khích các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục lắp đặt camera nhằm ngăn chặn việc bạo hành trẻ em.

 

* Đại biểu HĐND tỉnh Võ Minh Thức và nhiều đại biểu thuộc các đơn vị bầu cử số 6 và số 7 chất vấn Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa về việc di dời các hộ dân ở xóm Chùa, xóm Mỹ (thôn Thọ Vức, xã Hòa Kiến) và thôn Phú Liên (xã An Phú) bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường từ bãi rác và nghĩa trang Thọ Vức?

 

- Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa Võ Ngọc Kha:

 

Việc ô nhiễm môi trường từ bãi rác và nghĩa trang Thọ Vức đã ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của người dân ở gần các khu vực này. Hiện tại khu vực xóm Chùa và xóm Mỹ có 71 hộ dân đang sinh sống. UBND TP Tuy Hòa đã xây dựng khu tái định cư tại xã An Phú với quy mô rộng 3,1ha, bố trí khoảng 85 lô đất, với tổng kinh phí hơn 14 tỉ đồng. UBND TP Tuy Hòa đang tập trung chỉ đạo các nguồn lực xây dựng hoàn thành khu tái định cư này để bố trí tất cả các hộ dân bị ảnh hưởng ổn định cuộc sống, dự kiến đến tháng 9/2018 sẽ sắp xếp, bố trí các hộ dân vào khu tái định cư. Đối với vấn đề nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho khu tái định cư này, UBND TP Tuy Hòa kiến nghị tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư công trình nước sạch cho người dân sử dụng nhằm ổn định đời sống người dân.

 

ANH NGỌC (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek