Thứ Hai, 20/01/2025 01:02 SA
Dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi):
Hành lang pháp lý còn có những vướng mắc
Thứ Sáu, 15/06/2018 09:24 SA

LTS: Họp phiên thảo luận tại kỳ họp Quốc hội mới đây, ĐBQH Nguyễn Hồng Vân, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên đã có ý kiến tham gia phát biểu. Báo Phú Yên trích đăng ý kiến thảo luận này.

 

ĐBQH Nguyễn Hồng Vân tại phiên thảo luận - Ảnh: NGUYỄN TUẤN

Tôi thống nhất cơ bản với dự thảo luật sửa đổi và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp. Đây là dự án luật hết sức quan trọng được cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước quan tâm. Những kết quả của công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua đạt được những kết quả tích cực được nhân dân đồng tình và đánh giá cao. Tuy nhiên, hành lang pháp lý vẫn còn có những vướng mắc và chúng ta cần phải sửa đổi tích cực hơn. Để hoàn chỉnh dự án luật, tôi xin tham gia một số ý kiến cụ thể như sau:

 

Thứ nhất, về phạm vi mở rộng dự thảo luật ra khu vực ngoài nhà nước, bản thân tôi đồng và không phân tích thêm.

 

Thứ hai, về thẩm quyền kiểm soát tài sản thu nhập Điều 32, tôi lựa chọn phương 2 với lí do là chúng ta biết công tác cán bộ là công tác của Đảng và có phân cấp, phân quyền cụ thể, đảm bảo tính ổn định (như một số đại biểu đãphân tích).

 

Thứ ba, về đối tượng kê khai tài sản thu nhập Điều 37, bản thân tôi thấy có một số vấn đề sau:

 

Tại khoản 1 Điều 37 quy định "Đối tượng kê khai tài sản là cán bộ, công chức", tôi thấy như vậy chưa thật sự hợp lý và dễ gây quá tải cho công tác quản lý, vì theo khoản 1 Điều 3 giải thích từ ngữ quy định "Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn, đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”. Chúng ta biết rằng cần có cơ sở dữ liệu và công tác phòng ngừa từ trước, nhưng tôi thấy nó chưa thật sự hợp lý như: chúng ta có thể thấy một sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường khoảng 23 tuổi thi vào làm công chức thì đa số còn độc thân và phụ thuộc vào gia đình thì không có gì để kê khai.

 

Vấn đề nữa, đối với những trường hợp khác là cán bộ, công chức đã có gia đình riêng, vợ hoặc chồng nhưng sống chung với gia đình, “tam, tứ đại đồng đường” thì họ cũng chỉ kê khai phần thu nhập là lương, còn lại tài sản thu nhập tăng thêm thì họ cũng không kê khai và chúng ta cũng không kiểm soát được. Theo đó, để đảm bảo tính quản lý cho phù hợp, tôi thấy cần phải khoanh đối tượng là cán bộ, công chức khi bắt đầu được đề bạt từ chức vụ thấp nhất, bắt đầu hưởng hệ số phụ cấp chức vụ thì phải kê khai tài sản. Ngoài ra, chúng ta tăng cường công tác kiểm soát thu nhập và thực hiện đẩy mạnh việc thực hiện thanh toán qua tài khoản đối với mọi thành viên trong xã hội và tăng cường công tác giám sát của các cơ quan chức năng và toàn xã hội thì chúng ta mới quản lý được vấn đề này.

 

Thứ tư, tôi quan tâm Điều 38 về tài sản thu nhập phải kê khai, tại khoản 2 quy định về kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và các loại động sản khác mà mỗi tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên phải kê khai, tôi thấy dùng từ "động sản khác" là định tính và khó thực hiện và chúng ta cần phải quy định cụ thể hơn, vì như đại biểu Đức đã phân tích, có một số tài sản quy định nhưng dân mình chưa quen việc mua, bán phải có hóa đơn để chứng minh. Thực tế trong xã hội hiện nay thì giao dịch ngầm, giao dịch không hóa đơn rất nhiều.

 

Còn động sản khác có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên thì rất trừu tượng, ví dụ sim điện thoại, mặc dù được đăng ký chính chủ, một người được đăng ký 3, 4 sim, nếu sim số đẹp thì giao dịch ngầm không cần hóa đơn vẫn có thể lên đến hàng mấy trăm triệu. Có những loại tài sản pháp luật của chúng ta chưa quy định là phải đăng kýchính chủ, ví dụ cây cảnh có thể người ta mua lên đến hàng tỉ đồng nhưng không cần hóa đơn và giá trị của nó là hoàn toàn giao dịch thỏa thuận chứ không thông qua đấu giá chính chủ; hoặc đồ mỹ nghệ, những tác phẩm nghệ thuật... Chính vì không xác định được như vậy nên cần phải có quy định cụ thể hơn. Vấn đề này liên quan đến Điều 59 về xử lý tài sản thu nhập kê khai không trung thực, tài sản thu nhập tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý. Vấn đề ở đây là chúng ta quan tâm đến 2 từ "hợp lý". Hợp lý hay không là phụ thuộc vào cơ quan chức năng đánh giá, thực tế các chế tài, quy định cụ thể để xác định tính hợp lý của nó thì chưa rõ. Chúng ta thấy tài sản tăng thêm kê khai không hợp lý, chỉ có thể biết chính xác khi đối tượng đó bị kê biên tài sản.

 

Muốn kê biên tài sản để đối chiếu với bản kê khai thì phải có quyết định của một cơ quan chức năng, lúc đó mới biết tài sản nào thừa, tài sản nào không. Như tôi phân tích ở Điều 38 là các giao dịch chưa quy định tài sản phải chính chủ, vì vậy dẫn đến việc khi họ bị kê biên tài sản thì họ vẫn có thể chỉ cho dòng họ, gia đình cho mượn hoặc vấn đề này, vấn đề khác. Trước đây có tình trạng một người làm quan, cả họ được nhờ, bây giờ một người bị kê biên thì cả họ nhận tài sản. Tôi cho rằng đây là một vấn đề mới, khó, phức tạp, cần được cân nhắc rất thận trọng và có bước đi phù hợp để đáp ứng yêu cầu phòng, chống tham nhũng, vừa bảo đảm quyền cơ bản của công dân như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp.

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek