Vậy mà đã mười năm tròn kể từ ngày 11/6/2008 - ngày mà Thủ tướng Võ Văn Kiệt đi xa về cõi vĩnh hằng. Tôi ghi lại một số ký ức sâu lắng về ông, xin được xem đó là những nén nhang thành kính tưởng nhớ đến ông.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước chụp hình lưu niệm với Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên tại Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa VIII (4/1992). Trong đó, đồng chí Võ Văn Kiệt đứng thứ 2 từ trái sang - Ảnh do tác giả cung cấp |
Nhớ lại thời điểm trước và sau giải phóng Sài Gòn, lúc ấy tôi được tham gia nhiều công việc do tổ chức giao phó: từ việc làm tổ trưởng tổ công tác nổi dậy khu vực Đại học xá Minh Mạng tại quận 5, rồi là thành viên đội 3 trong Chiến dịch X1 tại phường Xóm Chiếu quận 4 truy quét địch và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, sau đó về lại Trường đại học Nông nghiệp tham gia Ban Chấp hành Đoàn trường cùng tập hợp sinh viên tổ chức khai hoang ở Đồng Phú, Long Khánh để xây dựng vùng giãn dân đón dân nghèo lên theo chủ trương của thành phố...
Hồi đó công việc dồn dập lắm, làm ngày làm đêm mà không có gì ăn, chỉ có một ít cơm, rau luộc và khoai lang nấu loãng với muối làm thức ăn, nhưng với sức trẻ và hào khí sau chiến thắng nên ban ngày lao động dọn đất, làm nhà rồi ban đêm họp rút kinh nghiệm và văn nghệ đến 10, 11 giờ đêm mà mọi người vẫn rất hào hứng quên mọi khó khăn gian khổ. Đến gần cuối tháng 10/1975 lại rút quân về trường để chuẩn bị năm học mới, tôi và các đồng chí trong Ban Chấp hành phải tập trung lo ổn định ăn ở và học tập chính trị cho sinh viên. Khó khăn lớn nhất lúc bấy giờ là tìm đủ gạo ăn cho những sinh viên quê ở xa đang phải nhờ sự giúp đỡ của Đoàn trường.
Cũng tại thời điểm cuối năm đó, tôi được Thành Đoàn triệu tập dự Đại hội Thanh niên tiên tiến toàn thành phố lần thứ nhất, tổ chức tại rạp REX, gần trụ sở UBND thành phố hiện nay. Lần đầu tiên tôi được gặp và nghe đồng chí Võ Văn Kiệt nói chuyện là tại đại hội này. Lúc đó, ông là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy đặc biệt của Ủy ban Quân quản thành phố (đang do đồng chí Trần Văn Trà làm Chủ tịch). Đồng chí Võ Văn Kiệt lúc này hơi gầy, tóc pha muối tiêu, mặc bộ đồ ka ki giản dị, giọng Nam Bộ ấm áp rất lôi cuốn người nghe.
Cho đến thời điểm đó, tôi chưa bao giờ được trực tiếp nghe một cán bộ cách mạng cao cấp nói chuyện và cũng chưa từng nghe ai nói hấp dẫn như thế. Mở đầu bài nói của ông là một lời chào rất bất ngờ: “Kính chào các em, kính chào thế hệ thứ tư của thành phố”. Thật là ngỡ ngàng và xúc động khi được nghe hai chữ “kính chào” và cụm từ “thế hệ thứ tư”, cả hội trường bỗng lặng đi và sau đó là tiếng vỗ tay ầm ĩ, phấn khích.
Ông dẫn dắt bài nói chuyện hầu như không cần giấy tờ, từ việc biểu dương các đại biểu thanh niên trong đại hội đã xông xáo hoàn thành các công tác được giao trong hơn nửa năm qua góp phần cùng thành phố vượt qua muôn vàn khó khăn của thời kỳ đầu sau giải phóng, đưa dần vào thế ổn định. Rồi ông phân tích các thành quả chung làm được sau giải phóng cũng như các khó khăn thách thức đang đặt ra trước mắt phải giải quyết, từ đó xác định nhiệm vụ cho thanh niên thành phố.
Tôi nhớ ông nhắc đến các thế hệ thanh niên Sài Gòn - Gia Định trước đây mà đại diện là Lý Tự Trọng, Trần Văn Ơn, Nguyễn Văn Trỗi... đã dùng máu của mình để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong giai đoạn cứu nước và kêu gọi thế hệ thanh niên thứ tư hãy dùng trí tuệ và mồ hôi của mình để làm cho thành phố đi đầu cả nước xứng đáng là thành phố đang được đề nghị mang tên Bác Hồ vĩ đại.
Lời của ông rất rành mạch, cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ nhưng rất tự tin, sinh động, truyền cảm, lôi cuốn làm cho đám thanh niên chúng tôi say sưa tiếp thu với nhiệt huyết dâng tràn. Ai cũng muốn vươn lên ra sức cống hiến cho thành phố, cho Tổ quốc, cho Đảng kính yêu. Ấn tượng về một Võ Văn Kiệt - chú Sáu Dân “giản dị, gần gũi, đầy trí tuệ, có tính thuyết phục cao” trong lần được gặp đầu tiên ấy đã khắc sâu trong tôi suốt cả đời.
Thời đồng chí Võ Văn Kiệt làm Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, tôi được nghe và được biết nhiều giai thoại truyền kỳ về ông. Từ việc ông cho lập tổ tư vấn gồm nhiều nhà quản lý, chuyên gia tên tuổi, trong đó có nhiều quan chức cao cấp chế độ cũ được đào tạo từ các nước phương Tây, hàng tuần được ông mời đến nhà riêng uống trà và góp ý cho ông về các giải pháp tháo gỡ khó khăn đưa thành phố đi lên. Đến việc ông gặp gỡ và thuyết phục được một số nghệ sĩ - nghe nói trong đó có cả nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - đi nghiên cứu thực tế ở một số đơn vị thanh niên xung phong đang phục vụ bảo vệ biên giới và lao động ở các nông trường, cũng như đi thăm một số cơ sở phục hồi nhân phẩm... để có thêm cảm hứng nhân văn trong quá trình sáng tác.
Tôi có người bạn tên là Điền, cùng học một lớp tại Đại học Nông nghiệp Sài Gòn trước đây, sau khi tốt nghiệp kỹ sư anh không nhận công việc được bố trí ở một cơ quan nhà nước mà tình nguyện về huyện Củ Chi đang hết sức khó khăn sau giải phóng để góp phần xây dựng HTX nông nghiệp theo chủ trương của Trung ương lúc đó. Anh được huyện phân công về xã Bình Mỹ để vận động xây dựng HTX điểm ở đây, sau đó trực tiếp làm Chủ nhiệm HTX này, rất lăn lộn với phong trào. Bà con ở đây rất quý Điền, nhưng cũng có lúc rất bực mình vì kỹ sư Điền hay bày ra việc này việc nọ để các xã viên làm như: phân chuồng, phân xanh, giống mới..., đến nỗi có người đặt ra biệt danh cho anh là “Điền đô”. Đô ở đây không phải là đô con, mà “Điền đô” gọi lái lại thành “đồ điên”.
Vào giữa năm 1979, Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt có thăm huyện Củ Chi, trong đó có nội dung nghe HTX điểm Bình Mỹ báo cáo về tình hình làm ăn cũng như về quy hoạch phát triển HTX trong tương lai. Sau khi nghe Chủ nhiệm Điền báo cáo, ông có hỏi Bí thư Huyện ủy về Điền và được biết anh là kỹ sư nông nghiệp tình nguyện về cơ sở, đang làm Chủ nhiệm HTX mà chưa được kết nạp Đảng vì lý do gia đình Điền có người đi lính cho chế độ cũ và nhà ở xa nên đi thẩm tra khó khăn.
Nghe nói là sau khi được biết như thế thì ông không hài lòng và sau đó lúc nói chuyện với đội ngũ cán bộ huyện, ông nhắc nhở phải quan tâm phát triển Đảng trong đội ngũ trí thức và chính việc đó sẽ nâng tầm trí tuệ cho Đảng bộ. Có lẽ nhờ ông nhắc nhở, nên dịp 3/2 năm sau chủ nhiệm Điền được kết nạp vào Đảng, sau đó vài năm còn được tham gia vào Huyện ủy, rút lên huyện, rồi được giới thiệu bầu làm ĐBQH khóa VII và khóa VIII.
Lần đầu tiên tôi được trực tiếp gặp đồng chí Võ Văn Kiệt là tại nhà công vụ của ông ở Hà Nội vào thời điểm trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa VIII, khoảng tháng 6/1989. Trong kỳ họp thứ 5 này có nội dung Quốc hội thông qua Nghị quyết chia tách 3 tỉnh, trong đó có chia tỉnh Phú Khánh thành 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Lúc đó đang nổi lên vấn đề khu vực Vũng Rô tại ranh giới 2 tỉnh, ý kiến cử tri phía Phú Yên rất căng thẳng, hầu như mọi điểm tiếp xúc cử tri đều có phát biểu về việc này và kiến nghị Trung ương, Quốc hội phân chia khu vực này về tỉnh Phú Yên.
Tôi hồi đó là Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Hòa và là ĐBQH khóa VIII, nên nhận nhiều bản kiến nghị của cử tri với hàng vạn chữ ký, có kiến nghị nói rất gay gắt. Gần đến kỳ họp Quốc hội, các đồng chí Bốn Thuật, Bốn Quang từ Nha Trang ra làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Tuy Hòa và cá nhân tôi, đề nghị tôi ra Hà Nội sớm để trực tiếp đưa kiến nghị về vấn đề Vũng Rô đến tận tay các đồng chí lãnh đạo cao cấp ở Trung ương, trong đó có đồng chí Đỗ Mười (lúc đó là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng), đồng chí Võ Văn Kiệt (lúc đó là Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng), Đoàn Khuê (lúc đó là Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam)...
Cùng với tôi có đồng chí Nho, một người rất tháo vát và quen biết nhiều ở Hà Nội. Cũng nhờ đồng chí Nho liên hệ, sắp xếp, tôi được đồng chí Võ Văn Kiệt cho gặp mặt khoảng 45 phút tại nhà công vụ nơi ông ở. Mái tóc bạc, vầng trán cao, cái nhìn ấm áp và nụ cười hiền hậu của ông làm tăng sự dũng cảm của tôi khi trình bày kiến nghị của cử tri Phú Yên. Tôi nhớ là đã báo cáo với ông tóm tắt về lịch sử vùng đất Vũng Rô, về việc Tỉnh ủy Phú Yên tổ chức tiếp nhận vũ khí từ những con tàu Không số đến từ hậu phương lớn miền Bắc trong những năm 1964-1965 ở đây, về việc tỉnh Phú Khánh quy hoạch đưa Vũng Rô vào xã Đại Lãnh mà không lấy ý kiến của huyện Tuy Hòa dẫn đến diễn biến phức tạp cho dân cư ở đây, về yêu cầu xây dựng cảng biển và bảo vệ an ninh quốc phòng cho vùng biển Phú Yên trong tương lai, về diễn biến tư tưởng của cán bộ và nhân dân hiện nay...
Ông nghe rất chăm chú, thỉnh thoảng hỏi lại một số điều cần biết, sau đó trầm ngâm khá lâu, rồi nói lại với tôi khoảng 20 phút. Ông nói ranh giới giữa các địa phương trong nước khác với biên giới giữa hai quốc gia, tùy theo yêu cầu phát triển của từng giai đoạn mà nhà cầm quyền có sự phân chia cho phù hợp. Như ở Nam Bộ trong chiến tranh, có lúc là tỉnh Long Châu Sa, có lúc đổi là tỉnh Long Châu Hà để phù hợp với yêu cầu chiến tranh cách mạng, nên không thể nói phải đưa Sa Đéc hay Hà Tiên về thuộc tỉnh An Giang ngày nay.
Nhưng rồi ông lại nói: “Tuy vậy trong việc phân ranh giới cụ thể của Phú Yên và Khánh Hòa sắp đến, Trung ương sẽ cân nhắc từ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng thì tỉnh nào sẽ cần khu vực Vũng Rô hơn, đồng thời cũng phải xem xét yếu tố lòng dân, thuận cho dân an cư lạc nghiệp nữa. Sau khi chia tách Phú Khánh thì tỉnh Phú Yên chắc chắn sẽ khó khăn hơn Khánh Hòa, nhất định Trung ương sẽ phải quan tâm tạo điều kiện cho Phú Yên thôi”.
Ông còn nói việc này Chính phủ sẽ trình Bộ Chính trị xem xét cho ý kiến trước khi đưa ra Quốc hội quyết định, nhưng chắc phải là ở một kỳ họp sau chứ kỳ họp này không kịp. Lúc đó từ thái độ kiên nghị và tình cảm chân thành ở đôi mắt ông, tôi hoàn toàn bị ông thuyết phục. Và rõ ràng sau này, Bộ Chính trị và Quốc hội đã cân nhắc quyết định giao khu vực Vũng Rô bao gồm cả Hòn Nưa cho Phú Yên để thuận lợi trong việc phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ đất nước lâu dài.
Đồng chí Võ Văn Kiệt (thứ 3 từ trái sang) gặp các ĐBQH tỉnh Phú Yên tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa VIII (12/1989) - Ảnh do tác giả cung cấp |
Tôi còn nhớ thời điểm vào nửa cuối năm 1991, việc xây dựng đường dây điện cao áp 500kV Bắc - Nam được công luận hết sức quan tâm, ý kiến của nhiều chuyên gia và lãnh đạo bộ, ngành còn rất khác nhau. Người không ủng hộ thì đưa ra các quan điểm: rằng chiều dài tuyến đường dây này tương đương với 1/4 bước sóng điện nên bị dao động lớn do hiệu ứng bụng sóng, rằng trên thế giới hiếm có nơi làm đường dây có điện áp 500kV, rằng nước ta đang khó khăn không bảo đảm tài chính và lao động kỹ thuật để triển khai dự án... Đồng chí Võ Văn Kiệt lúc đó là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ông rất lắng nghe ý kiến của các chuyên gia hàng đầu và thể hiện thái độ quyết đoán trong việc ủng hộ dự án này.
Có lần trong cuộc họp tại Hội đồng Bộ trưởng để chuẩn bị trình dự án này cho Bộ Chính trị và Quốc hội, có ý kiến yêu cầu Ủy ban Kế hoạch Nhà nước làm rõ tính khả thi của dự án và tính cần thiết có nên triển khai dự án trong giai đoạn hiện nay hay không, thì đồng chí Võ Văn Kiệt cứng rắn cắt ngang phát biểu. Ông nói rõ hiện nay Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu Ủy ban Kế hoạch Nhà nước báo cáo về việc sắp xếp các nguồn vốn để có thể triển khai được dự án, không cần phải phát biểu về việc dự án có nên làm hay không và tính khả thi của dự án, việc này Hội đồng Bộ trưởng và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chịu trách nhiệm.
Tại Kỳ họp thứ 10 (12/1991) của Quốc hội khóa VIII, dự án Đường điện cao thế 500kV Bắc - Nam được trình ra Quốc hội để thảo luận và quyết định. Một số ĐBQH nêu nghi ngờ về vấn đề kỹ thuật, về nguồn vốn, về hiệu quả dự án... Thậm chí tôi còn nhớ rõ có ý kiến cho rằng trong kinh tế thị trường thì nơi nào sản xuất hàng hóa nhiều sẽ bán giá rẻ hơn cho người tiêu dùng, miền Nam thiếu điện thì phải chịu giá điện đắt hơn (???).
Cuối phiên thảo luận đó, đồng chí Võ Văn Kiệt có phát biểu trước Quốc hội, ông phân tích rất sâu sắc và cảm động để thuyết phục Quốc hội. Ông nói đến nghĩa tình Bắc - Nam của đất nước trong kháng chiến chống Mỹ, trong bảo vệ biên giới phía Bắc. Ông phân tích miền Bắc thiếu lương thực thì miền Nam phải đáp ứng, ngược lại miền Nam đang thiếu điện mà miền Bắc đang sản xuất thừa thì phải đưa vào để cùng phát triển đất nước.
Ông hỏi Quốc hội: “Có nước nào trên thế giới mà vùng nào sản xuất điện nhiều hơn thì giá điện rẻ hơn?”. Về vấn đề kỹ thuật đường dây 500kV, ông nêu nhiều chuyên gia hàng đầu ngành Điện khẳng định hoàn toàn có thể khắc phục “hiệu ứng bụng sóng” và ông tin tưởng vào đội ngũ kỹ sư, công nhân Việt Nam sẽ giải quyết tốt các vấn đề kỹ thuật của dự án cũng như tổ chức tốt việc thi công dự án. Tôi nhớ rõ ông có nói đến một ý là: “Bây giờ chúng ta nghĩ đường dây 500kV chỉ đưa điện từ Bắc vào Nam chứ biết đâu sau này có lúc đường dây này sẽ đưa điện từ Nam ra Bắc”. (Nhiều năm sau nhìn lại, đây thực sự là
một tiên đoán thần kỳ của ông, sau khi các cụm điện khí Phú Mỹ, Cà Mau được đầu tư đưa vào hoạt động đã có hơn 2 lần đường dây này chuyển điện từ Nam ra Bắc đang thiếu điện do thời tiết khô hạn thiếu nước làm giảm công suất phát điện các thủy điện lớn ở miền Bắc chúng ta). Trước khi kết thúc phát biểu tại phiên họp đó, ông có nói: Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ông xin chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân, trước Quốc hội về dự án này.
Lần đó, Quốc hội khóa VIII đã biểu quyết chấp thuận dự án với sự đồng tình cao. Và thực tế đã chứng minh hiệu quả của dự án này, sau này đất nước ta không chỉ có một tuyến đường dây 500kV, mà đã đầu tư tuyến thứ 2, tuyến thứ 3 để bảo đảm an toàn điện cho cả nước. Và cũng không chỉ tuyến đường dây điện 500kV Bắc - Nam, mà tinh thần quyết liệt, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân của ông khi quyết định dự án Đường Hồ Chí Minh (mà ông nhiều lần nói đất nước cần “đường dọc thứ 2”), dự án Kênh T1 (mà sau này được đặt tên là kênh Võ Văn Kiệt) ở miền Tây Nam Bộ đưa nước ngọt về tứ giác Long Xuyên - Kiên Giang, góp phần làm tăng đột biến sản lượng lương thực của nước ta.
Lần cuối cùng tôi được gặp đồng chí Võ Văn Kiệt là khoảng cuối năm 2007. Hình như là ông đã có dự cảm không tốt về sức khỏe của mình, nên năm đó ông đi thăm nhiều tỉnh dưới nội dung làm việc là tìm hiểu về tác động của biến đổi khí hậu đến các địa phương. Năm đó ở Phú Yên có xảy ra lũ lụt và mấy đợt triều cường tác động xấu đến vùng dân cư ven biển ở Xuân Hải, An Ninh Đông, An Hòa, An Phú, phường Phú Đông...
Ông ở Phú Yên một ngày, tôi trực tiếp đưa ông đi thăm một số khu vực bị triều cường xâm thực. Lúc đó, ông đã hơn 85 tuổi, mái tóc bạc trắng, nước da đã không còn hồng hào như trước, nhưng trí tuệ vẫn rất minh mẫn, giọng nói vẫn ấm áp, đôn hậu như ngày nào. Ông gặp gỡ hỏi thăm người dân, rồi đặt cho tôi nhiều câu hỏi để làm rõ thêm vấn đề mà ông quan tâm. Ông nói biến đổi khí hậu tác động đến nước ta rất lớn, rất nhanh nhất là ở vùng ven biển, sẽ ảnh hưởng sâu sắc việc phát triển kinh tế - xã hội và đời sống dân cư.
Ông muốn Trung ương, Chính phủ xem đây là một trong những vấn đề lớn nhất của đất nước sắp đến và phải có chương trình hành động rất cụ thể để ứng phó. Ông nhắc tôi phải đặc biệt quan tâm vấn đề này, đưa nó vào thành một nội dung hàng đầu trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trên đường đi, ông có hỏi tôi: “Cái bệnh viện tỉnh không ra bệnh viện mà lúc mới chia tỉnh mình được đưa đến thăm, bây giờ ra sao rồi?”.
Lúc đó, dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh mới đang trong quá trình xây dựng, khối nhà 8 tầng đang mọc lên. Tôi đưa ông đến công trường xây dựng bệnh viện và báo cáo với ông về dự án bệnh viện 500 giường trên khu đất 5ha ở gần giao điểm 2 tuyến đường lớn nhất TP Tuy Hòa. Ông xem qua phối cảnh dự án và vui vẻ nói với tôi: “Tỉnh nghèo mà ra sức đầu tư một bệnh viện khang trang, bề thế như vậy là rất tốt. Mình nghèo nên cứ bình tĩnh làm, làm cái gì ra cái ấy, đừng đầu tư lắt nhắt dễ lạc hậu...
Nhưng bệnh viện không phải là một cái tòa nhà lớn, mà vấn đề là phải có thiết bị tốt và thu hút được bác sĩ giỏi, có tinh thần trách nhiệm cao. Muốn vậy thì lãnh đạo tỉnh phải đề ra chính sách thật tốt để anh chị em yên tâm làm. Sau này, tỉnh có thể sẽ có nhiều bệnh viện tư, thậm chí là bệnh viện cao cấp do nước ngoài đầu tư nữa, nhưng cháu phải nhớ bệnh viện công chính là bệnh viện của Đảng chăm lo dân nghèo. Đa số dân mình nhiều năm nữa còn nghèo vẫn phải dựa vào bệnh viện của Đảng thôi, chưa có tiền để nằm bệnh viện tư đâu”.
Lời của ông xuất phát từ một trái tim nhân hậu, một tấm lòng thương dân sâu sắc. Ông còn dặn tôi: “Cháu nên bàn trong lãnh đạo tỉnh cố gắng đầu tư một khu nhà trọ cho người nhà bệnh nhân ở gần khu vực bệnh viện. Có thể kêu gọi đầu tư theo kiểu xã hội hóa. Khu nhà trọ này có phòng ở được trang bị tốt cho người có tiền thuê, nhưng cũng có những phòng có nhiều giường với trang bị tối thiểu cho người nghèo thuê với mức vài chục nghìn đồng một ngày đủ tiền điện nước, vệ sinh thôi. Ai nghèo quá thì xét cho trọ miễn phí. Nếu không ráng đầu tư nhà ở trọ này, thì người nhà bệnh nhân sẽ nằm lê la khắp các hành lang trong bệnh viện thôi, vừa mất trật tự vừa thiếu vệ sinh...”. Điều tâm huyết này của ông, tôi có đem bàn lại trong lãnh đạo tỉnh, nhưng đến lúc tôi nghỉ hưu vẫn chưa thực hiện được, xem như vẫn còn nợ ông.
Tôi nhớ trưa hôm đó, sau khi ăn cơm xong, mấy chú cháu tiếp tục hàn huyên tại Khu du lịch Sao Việt. Trong lúc nói chuyện vui, tôi có hỏi ông: “Cháu nhiều lần được tham gia bầu chú vào các chức vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Quốc hội khóa VIII và tại Đại hội 7 toàn quốc của Đảng, nên được biết tiểu sử của chú. Thấy trong lý lịch chú chỉ ghi là học đến cấp 2, trong khi được biết chú có 2 bằng tiến sĩ danh dự về kinh tế do 2 trường đại học lớn ở nước ngoài cấp mà không thấy chú ghi vào?”.
Ông cười rất hiền hậu và nói với tôi: “Mấy cái bằng đó mà tính làm cái gì cháu? Đó chỉ là “bằng cấp ngoại giao” thôi. Chú lúc nhỏ gia đình nghèo, không được đi học tử tế, rồi tham gia cách mạng sớm, được mấy chú mấy anh dạy thêm ít nhiều, so bây giờ chỉ lớp 6, lớp 7 thôi. Sau đó theo công việc cách mạng, chú học hỏi ở đồng chí, đồng bào, qua các tổng kết, qua các chuyên gia, qua lắng nghe ý kiến cấp dưới, qua sự rèn luyện giáo dục của Đảng... mà tích lũy dần kiến thức để có thể phục vụ tốt hơn cho Đảng, cho dân”. Ông còn nói thêm: “Điều quan trọng không phải là việc tích lũy kiến thức, mà là vận dụng nó vào công việc mình làm, dám nghĩ dám làm, miễn là việc làm đó ích nước, lợi dân...”.
Tôi rất xúc động khi nghe ông nói về những kinh nghiệm thực của chính cuộc đời ông. Từ một người con trong gia đình nông dân nghèo ở Vũng Liêm, Vĩnh Long, sớm được giác ngộ cách mạng từ tuổi thiếu niên, rồi xông pha trong mọi công việc của cách mạng trên nhiều cương vị, hơn 30 tuổi đã là Bí thư Tỉnh ủy, 33 tuổi được cử vào Xứ ủy, 38 tuổi được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, nhiều năm gắn bó với Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh cả trước và sau giải phóng, 54 tuổi tham gia Bộ Chính trị, rồi làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ. Ông có đóng góp rất lớn cho Đảng, cho đất nước, được xem là một nhà thiết kế của công cuộc đổi mới với một tầm trí tuệ cao, một tinh thần dũng cảm, một tấm lòng yêu nước thương dân.
Đã tròn 10 năm Thủ tướng Võ Văn Kiệt đi xa, nhưng trong lòng tôi và thế hệ đồng lứa vẫn mãi mãi còn đó chú Sáu Dân - một tầm cao, một tấm lòng.
ĐÀO TẤN LỘC
Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, XI,
Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên khóa XIV, XV