Tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, ĐBQH tỉnh Phú Yên Phan Anh Khoa đã chất vấn Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà và đại biểu Nguyễn Hồng Vân chất vấn Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể.
Đại biểu Nguyễn Hồng Vân:
Sau dự án Nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 đoạn qua Phú Yên, hiện Phú Yên còn 1.789 hộ dân ngoài vùng giải phóng mặt bằng trên toàn tuyến chịu ảnh hưởng của dự án bị lún, nứt, ngập nước, hệ thống đèn chiếu sáng đi qua toàn tuyến của quốc lộ 1 cũ bị dỡ bỏ, chưa khôi phục. Xin Bộ trưởng cho biết chủ trương, giải pháp và thời gian nào khắc phục hậu quả nêu trên?
Vấn đề thứ hai, tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với tỉnh Phú Yên, từ đề xuất của tỉnh Phú Yên và Hãng hàng không Vietjet, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận thống nhất cho nghiên cứu mở rộng sân bay Tuy Hòa, từ nhà ga, đường lăn, bến đỗ theo hình thức xã hội hóa để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Yên, khu vực miền Trung, Tây Nguyên và nhất là phục vụ cho Đặc khu hành chính - kinh tế Bắc Vân Phong. Xin Bộ trưởng cho biết kế hoạch và lộ trình triển khai kết luận của Thủ tướng Chính phủ?
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể:
Đối với ý kiến của đại biểu Nguyễn Hồng Vân, xin báo cáo với ĐBQH là chúng ta nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 đoạn qua Phú Yên, đại biểu phản ánh 2 việc. Việc thứ nhất là hệ thống đèn chiếu sáng của đường cũ, sau khi tháo dỡ chưa được lắp lại. Việc này tôi chưa nắm rõ, tôi xin tiếp thu ý kiến của đại biểu. Chúng tôi sẽ chỉ đạo Ban Quản lý dự án phụ trách đoạn này tổng rà soát lại, nếu thực sự tài sản đó đã tháo dỡ thì chúng tôi bàn giao lại cho địa phương để địa phương triển khai ở những dự án khác. Hai là có nhu cầu thì chúng ta sử dụng lại, không thể tự nhiên mất các thiết bị này. Tôi xin tiếp thu ý kiến này.
Một số hộ dân nằm ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng bị ảnh hưởng, hiện nay chúng ta thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ do ảnh hưởng đến người dân thì có những hợp đồng bảo hiểm, các công ty bảo hiểm ký hợp đồng với nhà thầu, Ban quản lý dự án để thực hiện trách nhiệm bồi hoàn, nếu xảy ra các sự cố. Tôi nghĩ rằng với hệ thống bảo hiểm hiện nay thì các dự án bị ảnh hưởng sẽ được hỗ trợ và đền bù theo quy định. Đối với những công trình nằm ngoài phạm vi dự án, hiện nay về luật chúng ta chỉ yêu cầu rà soát để thực hiện trong phạm vi dự án, còn ngoài phạm vi dự án thì chúng ta sẽ xem xét để có đề xuất.
Vừa qua, Bộ GTVT đã tổng hợp, báo cáo và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cho Bộ GTVT rà soát lại và làm việc với nhà thầu, với các đơn vị có liên quan. Chúng tôi xin hứa với ĐBQH sẽ làm việc với các nhà thầu và Ban quản lý dự án ở khu vực Phú Yên để rà soát lại tình hình phản ánh của địa phương, cùng với địa phương đề ra các giải pháp để xử lý việc này.
Câu hỏi thứ ba, liên quan tới Công ty Vietjet Air nâng cấp sân bay Tuy Hòa, vừa qua chúng tôi đã làm việc với Vietjet Air và một số đơn vị khác. Hiện nay, mong muốn của địa phương, trong đó có Phú Yên và Khánh Hòa là cố gắng chọn nhà đầu tư chiến lược cho Đặc khu hành chính - kinh tế Bắc Vân Phong, nếu nhà đầu tư này mà khai thác luôn cả sân bay thì là một điều rất tốt, chúng tôi xin tiếp thu, lắng nghe và sẽ làm việc với các đơn vị để có giải pháp cụ thể.
Đại biểu Phan Anh Khoa:
Thời gian qua không ít khu công nghiệp mang yếu tố nước ngoài đã xả chất thải gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong nhân dân. Như vậy, trong thời gian tới để khắc phục tình trạng trên, đồng thời không làm cản trở việc tăng cường thu hút các nhà đầu tư nước ngoài thì trách nhiệm và giải pháp của Bộ trưởng TN-MT như thế nào?
Hiện nay, giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn, thường kéo dài dẫn đến chậm tiến độ các dự án đầu tư, nhất là các dự án lớn. Biết rằng việc giải phóng mặt bằng là của địa phương nhưng với trách nhiệm quản lý ngành, Bộ trưởng có ý kiến gì về vấn đề này để tạo điều kiện cho địa phương triển khai tốt nhiệm vụ này.
Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà:
Kỳ họp thứ 2, khi xảy ra sự cố Formosa, đấy là khu công nghiệp có yếu tố đầu tư nước ngoài. Cách thức chúng ta giải quyết, đương nhiên đây phải là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, xã hội, Trung ương, địa phương và các bộ, ngành. Đến nay bài học đó và cách làm đó, chúng ta đã từng bước thể chế để thay đổi cách thức quản lý của chúng ta hiện nay. Nếu hiện nay chúng ta làm tốt, nhận dạng được các loại hình công nghiệp ô nhiễm, chúng ta nên loại ra, trước khi đưa vào đầu tư. Từ khâu đánh giá tác động môi trường phải xác định trình độ công nghệ và loại hình.
Từ bài học này, chúng tôi cho rằng khâu đánh giá tác động môi trường cần phải làm thực chất để vừa đánh giá công nghệ sản xuất, xác định các công nghệ xử lý, kiểm soát và phòng ngừa sự cố. Nếu chúng ta làm được như vậy thì các nhà đầu tư không chỉ nước ngoài mà trong nước, với cách làm như vậy cũng đảm bảo kiểm soát được an toàn về môi trường và tạo ra làn sóng đầu tư với chất lượng cao hơn, công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường và hiệu quả cao hơn.
Câu hỏi thứ hai, liên quan đến vấn đề giải phóng mặt bằng thường kéo dài. Đây thực chất đã có những doanh nghiệp phản ánh giải phóng mặt bằng mất 10, 15 năm. Thực tế như vậy, tôi xin được báo cáo với các ĐBQH:
Thứ nhất, chúng ta không chủ động được quỹ đất sạch. Trên thực tế, Luật Đất đai 2013 đã quy định rất rõ về cơ chế như các trung tâm để phát triển quỹ đất, quỹ để phát triển quỹ đất. Như vậy quá trình này là một khâu, nếu chúng ta làm được thì mới có được quỹ đất sạch, qua đó việc tiếp cận đất đai của các doanh nghiệp mới nhanh.
Thứ hai, liên quan đến quá trình giải phóng mặt bằng chính là quá trình để xem xét lại hồ sơ đất đai, định giá đất đai. Trên thực tế hiện nay khiếu kiện về giá đất đai, quyền lợi của người dân chiếm khoảng 70% các khiếu kiện. Thực tế phương pháp xác định giá đất ở đây có lẽ có vấn đề bởi trên thực tế giá đất để đền bù thường thấp hơn rất nhiều so với giá đất thị trường, đặc biệt những khâu phải phối hợp hết sức đồng bộ, đó là khâu kiểm kê, trao đổi để thống nhất về giá, giải phóng mặt bằng cho đến khâu tái định cư. Có những khâu chúng ta phải làm đồng bộ, có những khâu chúng ta phải làm trước.
Trên thực tế, chúng ta chưa làm được như vậy, nhiều dự án khâu chuẩn bị tái định cư chưa chuẩn bị tốt về hạ tầng đúng như chủ trương, chính sách và trong Luật Đất đai đã nói. Thực tế, khi chuyển đến có nhiều nơi giá ở nơi tái định cư đất đai không đủ để mua một căn nhà để ở. Đây là những bất cập có lẽ dẫn đến vấn đề phát sinh các khiếu kiện cũng như làm quá trình giải phóng mặt bằng của chúng ta chậm. Bên cạnh đó, các thủ tục hành chính cũng là một nguyên nhân. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có yêu cầu cắt giảm các điều kiện và giám sát các thủ tục và chúng ta đã cắt được khoảng 50% các thủ tục hành chính, cũng như khoảng 50% thời gian.
Biện pháp trong thời gian sắp tới, có thể chúng ta tập trung vào mấy nguyên nhân, đó là:
Thứ nhất, xem lại phương pháp để định giá đất đai cho phù hợp và đúng với cơ chế thị trường hơn.
Thứ hai, chúng ta thực hiện đầy đủ thiết chế, đó là trung tâm phát triển quỹ đất, đó là quỹ về phát triển quỹ đất để chuẩn bị trước đất sạch. Chúng ta chuẩn bị trước hạ tầng cơ sở, đáp ứng được yêu cầu người dân, có sự trao đổi một cách dân chủ, minh bạch với người dân để khi thực hiện công tác giải phóng mặt bằng sẽ đạt được sự đồng thuận. Trên thực tế, chúng ta thực hiện được các mục tiêu giải phóng mặt bằng, tái định cư, bố trí để các doanh nghiệp đầu tư sản xuất và người dân cũng có cuộc sống tốt hơn. Đó là những giải pháp tôi muốn đề cập.
TUẤN NGUYỄN (ghi)