Sáng 4/6, tại phiên chất vấn đầu tiên của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về tình trạng xe quá khổ, quá tải, vấn đề tai nạn giao thông diễn biến phức tạp.
Tìm giải pháp cho vấn đề xe quá khổ, quá tải
Đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) chất vấn Chính phủ bỏ ra nhiều tiền duy tu cầu đường nhưng xe quá tải liên tục phá nát đường dân sinh, không những vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất cao. Vấn đề này chưa được xử lý triệt để. Trách nhiệm này thuộc về cơ quan, tổ chức, cá nhân nào?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết: Nhà nước đã bỏ ra kinh phí lớn nhằm đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông. Việc tổ chức, quản lý vận tải và bảo dưỡng con đường là trách nhiệm rất lớn của ngành giao thông và nhiều đơn vị.
Vừa qua, lực lượng chức năng đã tổ chức nhiều đợt tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý xe quá khổ, quá tải hoạt động ở các tuyến đường. Trước năm 2011-2012, tỉ lệ xe quá khổ quá tải rất phổ biến. Sau một quá trình triển khai xử lý quyết liệt, hiện nay theo thống kê của Tổng cục Đường bộ chỉ còn khoảng 10% xe quá khổ, quá tải và các xe này hoạt động trên phạm vi hẹp, ít đi tuyến xuyên qua các tỉnh vì công tác tuần tra kiểm soát rất kỹ.
Bộ trưởng tiếp thu ý kiến của đại biểu và sẽ chỉ đạo Tổng cục Đường bộ phối hợp với cơ quan chức năng như Cảnh sát giao thông để tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý tận gốc tình trạng này, bảo vệ các con đường Nhà nước đầu tư cho nhân dân.
Cùng nội dung chất vấn về xe quá khổ quá tải, đại biểu Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) nêu tình trạng phương tiện giao thông không đủ điều kiện vẫn được lưu hành, ví dụ ô tô đi đăng kiểm còn mượn thùng bệ và nhiều phụ tùng khác sau đó về thay đổi hết. Bộ trưởng khẳng định có hiện tượng này. Bộ đã cùng với Cục Đăng kiểm triển khai các giải pháp.
Theo đó, giải pháp căn cơ hiện nay là trong giấy phép lưu hành các phương tiện, nhất là xe tải, cơ quan chức năng đã ghi lại hình ảnh, kích thước chiều cao, chiều dài, bề rộng của các thùng xe. Khi các cơ quan chức năng xem xét, kiểm tra xe sẽ căn cứ vào kích thước ghi trong giấy phép. Nếu kích thước bên ngoài không phù hợp có thể xử lý để tránh tình trạng khi đi đăng kiểm sử dụng thùng xe nhỏ nhưng khi lưu hành thì sử dụng thùng xe lớn.
“Về công tác xử phạt, việc vi phạm Luật Giao thông đường bộ tương đối phổ biến. Mức độ xử phạt như đại biểu phản ánh từ 15-20%, bản thân tôi không xác định được. Khi xử phạt có cả thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông, chính quyền địa phương. Do đó, tôi không bình luận về con số này”, bộ trưởng nói.
Tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, đại biểu Nguyễn Sĩ Cương nêu ý kiến: “Có giải pháp về đăng kiểm, có hình ảnh nhưng sao các phương tiện quá khổ, quá tải vẫn lộng hành? Liệu đây đã là giải pháp triệt để? Liệu có cần phải thu hồi giấy chứng nhận đăng kiểm đó hay không?”
Về vấn đề này, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, việc dùng hình ảnh, kích thước để quản lý hiện do Bộ GTVT đang triển khai. Theo bộ trưởng, để xử lý triệt để cũng có những chế tài; nếu các chủ phương tiện không thực hiện nghiêm, lực lượng chức năng có thể thu hồi giấy phép hoặc xử lý hành chính. Nếu cả hệ thống chính trị quyết tâm vào cuộc, không riêng ngành giao thông vận tải, mà tăng cường kiểm tra ở quốc lộ, huyện lộ, tỉnh lộ cũng như khu dân cư thì sẽ giải quyết triệt để được hiện tượng này.
Giải quyết tình trạng tai nạn giao thông diễn biến phức tạp
Chất vấn về tình trạng tai nạn giao thông gia tăng, đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu (Khánh Hòa) chất vấn, theo báo cáo của Bộ GTVT, tai nạn giao thông mỗi năm đã cướp đi 8-10 nghìn sinh mạng, trên 20 nghìn người rơi vào cảnh tàn phế. Như vậy, trung bình mỗi ngày cả nước có khoảng 25 người chết và 50 người bị tàn phế.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, thời gian qua, số người chết do tai nạn giao thông đã giảm song vẫn còn ở mức cao. Cụ thể, năm 2017 cả nước có khoảng 8.700 người chết vì tai nạn giao thông, trong khi đó giai đoạn 2011-2012 có khoảng 11.500 người chết.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, bộ trưởng cho biết bộ sẽ cùng với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tăng cường các biện pháp kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; bày tỏ mong muốn người dân cả nước khi tham gia giao thông cần quan tâm chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ.
Cùng bàn vấn đề tai nạn giao thông, đại biểu Mai Sĩ Diến (Thanh Hóa) cho biết, theo báo cáo của Bộ GTVT về tai nạn giao thông, năm 2017 vẫn còn 13 tỉnh, thành phố có tai nạn giao thông tăng từ 1- 3 tiêu chí.
Nguyên nhân theo bộ trưởng là do công tác chỉ đạo điều hành của một số địa phương còn hạn chế, công tác xử lý vi phạm chưa triệt để, ý thức chấp hành của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao. Khi liên tục xảy ra các vụ tai nạn giao thông đường sắt vừa qua, Bộ trưởng hoàn toàn nhận trách nhiệm cá nhân. Đại biểu thấy thiếu trách nhiệm của Bộ GTVT trong các vụ tai nạn giao thông năm 2017 vừa qua.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, trong nhiều cuộc họp về an toàn giao thông, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đều nghiêm khắc phê bình các địa phương để xảy ra tai nạn giao thông tăng từ 1-3 tiêu chí. Phó Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các địa phương có báo cáo, giải trình cũng như đưa ra giải pháp kiềm chế tai nạn.
“Tuy nhiên, tai nạn giao thông vẫn xảy ra thì chúng ta cũng cần kiểm điểm để xem trách nhiệm của Ban an toàn giao thông các địa phương, của Bộ GTVT, của Bộ Công an như thế nào”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.
Phía Bộ GTVT nghiêm túc tiếp thu, chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông, chỉ đạo Tổng cục Đường bộ tăng cường tuần tra, kiểm soát, cố gắng chỉ đạo đúng ý kiến chỉ đạo của Chính phủ là giảm 5-10% số vụ, số người chết và số người bị thương vì tai nạn giao thông.
Một số nơi trạm BOT còn dày
Băn khoăn về việc hiện quốc lộ 1 đi qua Bình Định với khoảng 200km song có tới 3 trạm thu phí, đại biểu Lý Tiết Hạnh đặt vấn đề có nhiều quá không?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giải thích việc này bám sát theo Thông tư 159 của Bộ Tài chính, quy định khoảng cách bình thường giữa 2 trạm BOT là 70km, còn dưới 70km thì có thỏa thuận với địa phương. Vấn đề này đã có sự đồng ý của UBND tỉnh Bình Định.
“Tuy nhiên tôi cũng đánh giá là một số nơi trạm BOT còn dày, bà con cũng khó khăn. Tôi kính mong đồng bào cử tri, nhất là tỉnh Bình Định thông cảm. Trong các phương án xử lý, chúng tôi đã đặt việc giảm giá lên trên rút ngắn thời gian thu phí, để chi phí xã hội thấp nhất”, Bộ trưởng thẳng thắn.
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (An Giang) chất vấn “người dân chỉ tham gia giao thông vài trăm mét tại trạm BOT T2 ở Lộ Tẻ (Kiên Giang) nhưng phải trả tiền cả tuyến. Vậy có công bằng?”
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, một dự án BOT chỉ bố trí 1 trạm thu phí. Tuy nhiên, với dự án quốc lộ 91 qua trạm T2, có nhiều bất cập liên quan đến đi lại của người dân, có thể đi gần qua trạm nhưng phải trả phí, đường giao cắt ngang xuyên qua trạm cự ly ngắn vẫn phải trả phí, đây là hình thức bất khả kháng vì đường có dân sinh sống nên với mật độ dân cư và đường giao thông dày thì không thể tổ chức thu phí kín, không thể đền bù giải phóng mặt bằng. Do đó, theo chỉ đạo của Chính phủ, hiện nay Bộ GTVT tổ chức thu phí kín toàn bộ. Bộ GTVT làm đường song hành với đường hiện hữu và vận hành dự án này như một đường cao tốc. Toàn bộ việc thu phí là thu phí kín.
Hiện nay thu phí hở bất cập nên cũng rất mong chính quyền địa phương và bà con thông cảm. Về miễn giảm, đã thực hiện miễn giảm trạm T2 rất lớn, toàn bộ bà con sống trong khu vực được xem xét miễn giảm. Thời gian qua, Bộ GTVT đã làm việc với UBND các cấp của tỉnh An Giang rất nhiều lần, xin tiếp thu ý kiến của đại biểu, sau kỳ họp này sẽ giao Tổng cục Đường bộ phối hợp với chính quyền địa phương rà soát một cách kỹ lưỡng tất cả các phương án để đưa ra phương án hợp lý, bộ trưởng nói.
Giải trình về việc chuyển vốn vay thành vốn Chính phủ sẽ cấp phát
Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã tham gia giải trình thêm ý kiến của đại biểu về việc GTVT đề nghị chuyển vốn vay 22.000 tỉ đồng đầu tư cho các dự án của Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) thành vốn Chính phủ sẽ cấp phát.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Nghị quyết số 07-NQ/TW về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, đã quy định về việc không chuyển nguồn vốn vay lại bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp ngân sách. Luật Quản lý nợ công đã thể chế nguyên tắc trên và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018. Đối với dự án của VEC có 5 dự án được triển khai từ năm 2008, vay ODA Chính phủ vay theo cơ chế vay về cho vay lại.
Trong quá trình triển khai từ 2008-2016 đến nay, các khoản giải ngân đã ghi tăng vào nợ công. Đến năm 2013, Thủ tướng đã có Quyết định số 2072 cho phép chuyển từ cơ chế vay về cho vay lại sang cơ chế Nhà nước đầu tư trực tiếp, vì khó khăn trong quá trình hoàn vốn. Trong kế hoạch đầu tư công 2016-2020, Quốc hội đã bố trí dự toán cho 5 dự án này là 22.000 tỉ đồng. Thực tế từ giai đoạn 2008-2016 đã giải ngân 26.000 tỉ đồng.
Trong báo cáo của Chính phủ với Quốc hội đã đề cập vấn đề này và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần có đánh giá tổng thể về triển khai 5 dự án cũng như cơ chế quản lý vốn vay thành vốn cấp phát. Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị về nội dung này trước khi báo cáo Quốc hội. Vừa qua, Chính phủ đã giao Bộ KH-ĐT tổng hợp để báo cáo, Bộ KH-ĐT đang chuẩn bị báo cáo này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.
L.H (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)