Sáng 30/5, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Chính phủ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018.
Chia sẻ ý kiến bên hành lang kỳ họp, các đại biểu cho rằng, để đảm bảo tính khoa học và hợp hiến, các dự án luật khi trình Quốc hội cần đúng quy trình và đảm bảo về mặt thời gian, cơ sở pháp lý, thực tiễn...
Nâng cao trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chủ trì soạn thảo
Các đại biểu Quốc hội cho rằng, các dự án luật khi được thông qua sẽ có tác động nhất định nhằm điều chỉnh để phát triển kinh tế, xã hội, an ninh - quốc phòng và các nhiệm vụ khác trên phạm vi cả nước.
Chính phủ đã chỉ đạo và phân công các cơ quan có liên quan tập trung nghiên cứu, thu thập những tài liệu có căn cứ pháp lý, thực tiễn để đưa vào Chương trình xây dựng luật đúng quy trình theo quy định ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trình Quốc hội thông qua nghị quyết.
Đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) nhận định, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 đã bám sát với thực tế, bảo đảm về mặt thời gian do cơ bản đã có sự chuẩn bị công phu.
Việc thông qua ý kiến có chất lượng giúp các đạo luật khi được thông qua và đi vào cuộc sống đảm bảo tính khả thi rất cao. Tuy nhiên, theo đại biểu, bên cạnh kết quả tích cực, những hạn chế còn tồn tại là một số dự án luật chưa chuẩn bị kỹ lưỡng, chưa tập trung các nguồn lực, trong khi các ngành chưa thể hiện được trách nhiệm của mình.
Điều này khiến các dự án luật khi trình ra Quốc hội chưa đảm bảo về mặt thời gian, chưa thể hiện tính ổn định và nghiêm túc. Ở khía cạnh khác, vẫn còn xảy ra việc điều chỉnh, rút lại một số dự án luật, hoặc lùi thời gian cho ý kiến vào một số dự án luật, pháp lệnh cũng được coi là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến tính ổn định và sự chủ động thực hiện chương trình xây dựng luật mà Quốc hội đã thông qua.
Cho ý kiến vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, đại biểu Trần Văn Mão cho rằng, về cơ bản đã phù hợp, đạt được nhu cầu đòi hỏi của thực tiễn. Tuy nhiên đại biểu cho rằng, số lượng các dự án luật dự kiến sẽ đưa vào trong hai kỳ họp trong năm 2019 là quá nhiều.
Các dự án cần được thực hiện một cách nghiêm túc và có chất lượng để khi luật trình Quốc hội đúng thời gian, quy trình và đảm bảo về mặt cơ sở pháp lý, thực tiễn...
"Đây là vấn đề đòi hỏi các ngành, các cấp cần nỗ lực, nâng cao trách nhiệm và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan tham gia, các đối tượng chịu tác động và các cơ quan thẩm tra...", đại biểu Trần Văn Mão nhấn mạnh.
Kiến nghị bổ sung Luật Giao thông đường bộ vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2019
Góp ý cụ thể vào việc điều chỉnh các dự án luật, đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa-Vũng Tàu) kiến nghị Quốc hội cần đưa Luật Giao thông đường bộ 2008 vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2019 vì đây là luật có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế - xã hội của người dân và doanh nghiệp.
Theo đại biểu, luật hiện hành thì đường bộ có 5 loại phương tiện kinh doanh vận tải gồm: xe khách liên tỉnh, xe khách, xe taxi, xe hợp đồng và xe du lịch. Nhưng thực tế đã xuất hiện những loại hình phương tiện vận tải đường bộ mới mà Luật Giao thông đường bộ hiện hành chưa kịp điều chỉnh. Ví dụ như xe buýt nhanh (BRT) đang được triển khai theo chủ trương của Chính phủ.
Theo đại biểu Tuấn, xe buýt nhanh đang hoạt động theo nguyên tắc dừng bên trái, trả khách bên trái và đón khách bên tay trái thay vì phải dừng bên phải theo Luật Giao thông Đường bộ hiện hành, rất dễ xảy ra tai nạn. Bên cạnh đó, Việt Nam đang tồn tại loại hình dịch vụ vận tải mới hoạt động dựa trên ứng dụng công nghệ là Grab.
Hiện cả nước có tới 50.000 xe đang hoạt động theo hình thức này, nhiều ý kiến của các chuyên gia tranh luận không biết gọi loại hình này là xe taxi hay xe hợp đồng. Đại biểu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, phải coi đây là loại hình kinh doanh mới cần phải điều chỉnh sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ.
Đại biểu Dương Minh Tuấn cũng phân tích phương tiện xe điện chạy trong các khu du lịch, các khu nghỉ dưỡng, resort, thành phố du lịch cũng chưa được xếp vào loại hình nào. Hiện tại Chính phủ mới cho thí điểm từng tỉnh, nhưng theo thống kê có khoảng 30 tỉnh thí điểm về xe điện. Loại hình xe điện đã được Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương nhưng về tuyến đường nào được chạy thì lại do Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
Trên thực tế, xe điện 4 bánh cũng được coi là xe ôtô, cũng lưu thông trên đường và có thể xảy tai nạn giao thông nhưng loại hình này chưa được quy định trong Luật Giao thông đường bộ.
“Xe điện, Grab đã được cho thí điểm trong thời gian khá dài, do đó đã đến lúc chúng ta phải luật hóa để điều chỉnh cho kịp thời, toàn diện vấn đề này. Có như vậy mới đảm bảo tính pháp lý cho những loại hình mới hoạt động một cách chính thức thay vì chỉ thực hiện thí điểm như hiện nay”, đại biểu Dương Minh Tuấn nêu quan điểm.
Theo TTXVN, Vietnam+