Sáng 29/5, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật An ninh mạng.
Tạo chuyển biến tích cực trong hệ thống giáo dục
Tờ trình của Chính phủ về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục do Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trình bày nêu rõ: Qua 12 năm thi hành, Luật Giáo dục đã góp phần quan trọng vào quá trình phát triển giáo dục, đào tạo Việt Nam thời kỳ hội nhập quốc tế, tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong hệ thống giáo dục quốc dân. Tuy nhiên, đến nay Luật đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, trở thành những điểm nghẽn, là nút thắt trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Việc xây dựng dự án luật nhằm phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, bất cập về điều chỉnh pháp luật đối với giáo dục, đào tạo thời gian qua để giải quyết những vấn đề mới phát sinh trong phát triển giáo dục, đào tạo, góp phần nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế.
Dự án luật sửa đổi, bổ sung 36 điều; bổ sung 3 điều mới; bãi bỏ 10 điều, phù hợp với Nghị quyết số 34/2017/QH14 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội và tình hình thực tiễn hiện nay.
Dự án luật tập trung vào một số nội dung như: Chính sách học phí học sinh, sinh viên sư phạm; trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đối với nhà giáo; về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận văn bằng nước ngoài; đầu tư và nguồn lực tài chính cho giáo dục; trách nhiệm của gia đình, nhà trường, xã hội...
Tán thành sự cần thiết và mục tiêu sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh việc nghiên cứu sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục nhằm thực hiện mục tiêu tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để phát triển giáo dục phù hợp với các nghị quyết của Đảng, Hiến pháp 2013 và yêu cầu của thực tiễn; khắc phục những hạn chế, tồn tại nêu trong Tờ trình; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan.
Đồng thời, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, tổng kết, đánh giá việc thực hiện các chính sách; nghiên cứu, lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động, các cơ quan quản lý liên quan để xây dựng các chính sách, quy định của Luật Giáo dục phù hợp, khả thi.
Phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ đe dọa an ninh mạng
Cho ý kiến về dự án Luật An ninh mạng, đa số các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành luật, bởi nhiều sự kiện trong thời gian gần đây liên quan đến an ninh mạng không chỉ gây ảnh hưởng nhỏ lẻ đến một vài cơ quan, tổ chức, cá nhân, mà còn ảnh hưởng đến kinh tế, chính trị của đất nước; nhiều vụ việc xâm phạm đến quyền và lợi ích của cá nhân, lợi ích quốc gia...
Đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) phân tích thực trạng, tình hình diễn ra trên không gian mạng đã đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với công tác an ninh mạng trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Vì vậy, cùng với quá trình hội nhập quốc tế, phát triển công nghệ thông tin, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghệ 4.0, việc ban hành Luật An ninh mạng sẽ góp phần phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ đe dọa an ninh mạng; khắc phục tồn tại, hạn chế liên quan đến bảo vệ an ninh mạng.
Đại biểu Bùi Mậu Quân (Hải Dương) dẫn chứng thực tiễn cho thấy trong những năm gần đây đã xuất hiện ngày càng nhiều hoạt động vi phạm pháp luật trong không gian mạng, gây bức xúc trong xã hội. Đó là các hoạt động lợi dụng không gian mạng để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội như hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc, vu cáo chống Nhà nước, hoạt động gián điệp mạng đánh cắp bí mật nhà nước, xâm phạm lợi ích kinh tế, trật tự an toàn xã hội, trong đó, nổi lên là các hoạt động lừa đảo, trộm cắp, đánh bạc, cá độ, mại dâm qua mạng; đánh cắp thông tin cá nhân, vu khống, làm nhục người khác qua mạng và cao hơn nữa là tấn công qua mạng, chiếm quyền điều khiển, khủng bố mạng, chiến tranh mạng...
Những vấn đề nêu trên là thực trạng hết sức bức xúc, nhức nhối đã và đang diễn ra, nhưng việc xử lý rất bị động, lúng túng, hiệu quả không cao vì hệ thống pháp luật của nước ta chưa có một hành lang pháp lý đầy đủ quy định cụ thể, rõ ràng về các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Bên cạnh đó, việc ban hành luật cũng góp phần đấu tranh ngăn chặn và chế tài xử lý một cách có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, cũng như vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên không gian mạng.
Đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) đồng tình với việc bổ sung các chính sách về an ninh mạng như: chính sách bảo vệ cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia; bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; xây dựng lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng; ưu tiên đầu tư, bố trí kinh phí.
Việc xây dựng lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng là hết sức cần thiết và đặc biệt quan trọng nhằm ngăn chặn, bảo vệ không gian mạng trước các nguy cơ tấn công có chủ đích.
Đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn tuyển chọn người vào lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng; nhiệm vụ cụ thể của lực lượng an ninh mạng nhằm quản lý chặt chẽ, tránh việc sử dụng chuyên môn, nghiệp vụ vào các hoạt động xâm phạm lợi ích, an ninh trật tự của Nhà nước; hạn chế thấp nhất việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn và trình độ chuyên môn nghiệp vụ để vi phạm như vụ việc sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền tại tỉnh Phú Thọ và một số tỉnh, thành phố đang được thụ lý.
Bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng
Đối với quy định về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, đại biểu Nguyễn Thành Công (Ninh Bình) cho rằng dự án luật nên bỏ quy định tại Điều 30 về nội dung này, bởi về cơ bản các nội dung này đã được quy định rõ trong Luật Trẻ em năm 2016 (Điều 33 quy định về quyền được tiếp cận thông tin; Điều 54 quy định về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng).
Nội dung này cũng không thực sự liên quan nhiều đến chủ đề an ninh mạng mà dự án luật điều chỉnh. Việc giữ quy định tại Điều 30 của dự án luật sẽ tạo ra sự chồng chéo về phạm vi điều chỉnh, gây chồng lấn về thẩm quyền quản lý nhà nước giữa các bộ, ngành có liên quan đối với việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Các đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu), Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) lại cho rằng cần có quy định cụ thể về việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng trong dự án luật.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) cho rằng dự án Luật cần quy định về quyền bảo vệ trẻ em; trách nhiệm của gia đình, người chăm sóc tham gia bảo vệ trẻ em; trách nhiệm của nhà trường, cơ sở giáo dục, cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ về an ninh mạng trên mạng; tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên mạng, cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan bảo vệ an ninh mạng; đồng thời cần có quy định về bổn phận của trẻ em khi tham gia trên không gian mạng.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nhận định việc trẻ em sử dụng Internet luôn là nỗi lo của mỗi gia đình, nhà trường và xã hội. Hiện tại, hầu hết việc truy cập internet trong gia đình, tại các cơ sở kinh doanh Internet không có sự phân biệt là người lớn hay trẻ em.
Việc để trẻ em tự do tham gia môi trường mạng, trao đổi thông tin với các đối tượng mà các em không biết, vào các trang web đen, gameonline với nội dung không phù hợp lứa tuổi, không có sự giám sát của gia đình, thầy cô, sẽ ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ, hành động của các em. Không kiểm soát được sự tham gia môi trường mạng của trẻ em không khác gì để các em có một cuộc sống ảo, lệch lạc, dẫn đến một bộ phận trẻ em có lối sống trái với truyền thống đạo đức, văn hóa của dân tộc. Việc sử dụng không gian mạng được xem là có thêm một con đường để đạt mục tiêu phát triển.
Tuy nhiên, người lớn có khả năng sử dụng nội dung phù hợp và tự chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình, còn trẻ em dù có ở ngoài đời thực hay trong môi trường mạng cũng cần có sự hướng dẫn, bảo vệ của Nhà nước, nhà trường, gia đình. Vì vậy, dự án luật cần có một nội dung cụ thể về bảo vệ trẻ em trong không gian mạng, để các em có môi trường an toàn, vui chơi phù hợp với lứa tuổi.
"Nếu Quốc hội đồng tình đưa nội dung này vào dự án luật, điều luật này sẽ bổ sung quy định các bộ: Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu để phát triển một cổng thông tin điện tử tích hợp dành riêng cho trẻ em sử dụng tại các gia đình, trường học, các cơ sở cung cấp dịch vụ Internet để các em có thể tiếp thu các thông tin đã được xây dựng một cách có chọn lọc, được liên kết với các nguồn thông tin phục vụ cho việc học tập, vui chơi, giáo dục giới tính, kỹ năng sống phù hợp với lứa tuổi, để có một thế hệ trẻ em phát triển toàn diện trí - thể - mỹ", đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề xuất.
Nâng cao việc giáo dục, bồi dưỡng kiến thức về an ninh mạng
Liên quan đến quy định về giáo dục, bồi dưỡng kiến thức về an ninh mạng, đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) cho rằng quy định ''giáo dục an ninh mạng được đưa vào môn học chính khóa về giáo dục quốc phòng, an ninh trong nhà trường; bồi dưỡng kiến thức về an ninh mạng được đưa vào chương trình khung bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Giáo dục quốc phòng, an ninh'' là chưa phù hợp, cần cân nhắc. Bởi, không nên quy định "cứng" giáo dục an ninh mạng trong môn học chính khóa của nhà trường, vì có thể gây khó khăn cho chủ trương giảm tải chương trình trong trường học phổ thông hiện nay.
Việc bổ sung này sẽ tác động trực tiếp tới việc sắp xếp, bố trí đội ngũ giáo viên, khó có thể bảo đảm được công tác giảng dạy nội dung này, tạo sức ép về nguồn nhân lực, về tài chính cho các nhà trường.
Trong dự án luật do Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, chỉ giới hạn đào tạo về an ninh mạng là một bộ phận trong chương trình giáo dục đào tạo tại Đại học, Cao đẳng và tương đương. Chính phủ chưa có đánh giá tác động về chính sách này, vì vậy nếu cần thiết, chỉ nên quy định ''giáo dục an ninh mạng là nội dung trong chương trình giáo dục quốc phòng, an ninh'' - đại biểu Trần Thị Dung nói.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thành Công (Ninh Bình) nêu rõ quy định về giáo dục, bồi dưỡng kiến thức về an ninh mạng chưa hoàn toàn đồng bộ với quy định tại điều 10, 11, 12 của Luật Giáo dục quốc phòng, an ninh năm 2013.
Theo đó, không phải tất cả các trường đều có môn học chính khóa về giáo dục quốc phòng, an ninh, chỉ các trường từ cấp Trung học phổ thông trở lên, Trung cấp, Cao đẳng, Đại học mới có môn học chính khóa về giáo dục quốc phòng, an ninh.
Theo đại biểu, để bảo đảm sự đồng bộ với quy định của Luật Giáo dục quốc phòng an ninh, khoản 1 điều 34 nên chỉnh lại như sau: "Giáo dục an ninh mạng được đưa vào môn học chính khóa về giáo dục quốc phòng trong trường trung cấp, cao đẳng, đại học và trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội.'
Không đồng tình, đại biểu Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) khẳng định việc giáo dục an ninh mạng là hết sức cần thiết bởi xu hướng phát triển của xã hội ngày càng mạnh, công nghệ thông tin ngày càng ưu việt, nhiều trẻ em sử dụng thiết bị thông minh smartphone, tivi thông minh... Vì vậy giáo dục kiến thức an ninh mạng để cảnh giác là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, ban soạn thảo cần có quy định rõ về liều lượng, phương pháp phù hợp với từng đối tượng. Ngoài ra, cần có chương trình cập nhật kiến thức cho các đối tượng là cán bộ, công chức để nâng cao cảnh giác về sử dụng an ninh mạng.
Cũng trong phiên thảo luận sáng 29/5, các đại biểu Quốc hội đã dành nhiều thời gian trao đổi về hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; về xử lý các hành vi sử dụng không gian mạng xâm phạm chủ quyền, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; về bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng đối với doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam...
Theo TTXVN/Vietnam+