(Trích phát biểu của đồng chí Hoàng Văn Trà, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV diễn ra ngày 25/5)
Với những kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay và đặc biệt kết quả ấn tượng trong quý I năm 2018 không phải chỉ chúng ta mà các tổ chức tài chính uy tín quốc tế đều đánh giá cao những thành tựu kết quả phát triển tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian qua; đồng thời có những dự báo khả quan trong thời gian tới. Kết quả trên tạo tiền đề quan trọng cho thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và những năm tiếp theo.
Tôi thống nhất với nhận định về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước thời gian qua với những chuyển biến tích cực và đạt kết quả quan trọng toàn diện trên các lĩnh vực. Có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước.
Cụ thể như không có vùng cấm, nhiều vụ án tham nhũng lớn được đưa ra xét xử, nhiều cán bộ công chức, nhất là cán bộ cao cấp có tham nhũng tiêu cực, vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước bị xem xét và xử lý nghiêm minh đã tạo niềm tin lớn trong Đảng và nhân dân; tạo hiệu ứng tích cực lan tỏa trong toàn xã hội. Qua đó góp phần quan trọng tạo môi trường đầu tư minh bạch, có tính cạnh tranh cao thu hút được nhiều nhà đầu tư với số lượng dự án, vốn lớn. Hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển mạnh, hiệu quả số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng nhanh, số vốn đăng ký lớn, hoạt động khởi nghiệp sôi động rộng khắp.
Tôi thống nhất với đánh giá về hạn chế, khó khăn, thách thức được nêu trong các báo cáo. Tuy nhiên, tôi thấy báo cáo cần phân tích sâu hơn về nguyên nhân hạn chế tồn tại, nhất là nguyên nhân chủ quan để từ đó đề ra được các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới cho phù hợp, khả thi hơn, nhất là những vấn đề được đề cập nhiều, kéo dài, chậm được khắc phục, như: tốc độ giải ngân vốn đầu tư thấp; nhà đầu tư, các dự án và số vốn đăng ký lớn nhưng không triển khai được (Hội nghị xúc tiến đầu tư của các địa phương có số vốn đăng ký đầu tư lớn nhưng hấp thụ và thực hiện đang thấp). Đồng thời nêu rõ những khó khăn, thách thức đang gặp phải, như phòng chống tham nhũng lãng phí, tái cơ cấu nông nghiệp, quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, phòng chống tội phạm... nhằm cảnh báo để chúng ta tránh tâm lý chủ quan, thỏa mãn với những thành tích đã đạt được.
Kính thưa Quốc hội, cử tri Phú Yên cũng như cử tri cả nước đã có nhiều ý kiến, kiến nghị thể hiện tâm tư, nguyện vọng lên Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và đã được tổng hợp thể hiện trong các báo cáo trình Quốc hội.
Trong phạm vi thời gian thảo luận hôm nay, tôi có một vấn đề như sau, đó là:
Cần quan tâm nhiều hơn đến cấp cơ sở. Một yếu tố, điều kiện rất quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là việc triển khai các công trình dự án trên địa bàn. Trong thời gian qua, chúng ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp động viên, phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, ở cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn, thôn, buôn, khu phố) chưa được quan tâm, động viên đánh giá và phát huy đúng mức.
Thực tế nhiều chương trình, công trình dự án triển khai chậm hoặc không triển khai được, không giải phóng được mặt bằng để thi công. Vốn đầu tư không giải ngân được, môi trường đầu tư bị ảnh hưởng, thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách khó khăn. Dự án đăng ký nhiều, vốn đầu tư đăng ký lớn nhưng không triển khai được, không “hấp thụ”, giải ngân được vốn đầu tư; không giữ chân được nhà đầu tư ở lại với địa bàn, nhiều nơi còn xảy ra tình trạng tranh chấp đất đai, khiếu kiện kéo dài, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn không được đảm bảo.
Có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó có một nguyên nhân chủ quan, đó là chưa có sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền, địa phương, cán bộ ở cơ sở. Từ đó dẫn đến người dân nhiều nơi chưa được tuyên truyền, vận động cung cấp thông tin đúng, đầy đủ về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương liên quan đến các dự án đầu tư trên địa bàn. Để tạo sự ủng hộ đồng thuận của người dân trong vùng dự án, nhất là người dân có liên quan trực tiếp đến đất đai phải giải phóng đền bù, tái định cư..., chúng ta cần quan tâm hơn đến cấp cơ sở, cán bộ cơ sở, trong đó có cán bộ không chuyên trách.
Một là, phải có giải pháp để nâng cao ý thức và kiến thức, hiểu biết về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tinh thần trách nhiệm của các tổ chức và cán bộ cơ sở từ chi bộ, chính quyền, ban công tác mặt trận và các đoàn thể ở thôn, buôn, khu phố.
Hai là, cần quan tâm đến chính sách, chế độ và thu nhập của cán bộ cơ sở, tương xứng với công việc, nhiệm vụ được giao cùng những yêu cầu của trình độ đào tạo theo quy định. Qua tiếp xúc cử tri có cán bộ không chuyên trách ở xã đã phản ánh là hai vợ chồng đều là cán bộ không chuyên trách, hưởng mức phụ cấp hàng tháng từ 1,17 cho đến 1,3 mức lương cơ sở, tùy thuộc vào chức danh. Với mức phụ cấp này lại phải nuôi thêm con nhỏ và cha mẹ già thì đối chiếu với tiêu chí hộ nghèo, gia đình cán bộ này rơi vào diện hộ nghèo. Trong khi đó, họ lại được phân công giao nhiệm vụ đi tuyên truyền, vận động để xóa đói, giảm nghèo, khiến họ gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đây là vấn đề rất khó giải quyết, nhất là đối với các địa phương khó khăn, chưa cân đối được thu chi, còn phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ của Trung ương.
Ba là, cần quan tâm đến công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng và có cơ chế chính sách tạo cơ hội tốt hơn cho sự phát triển cũng như cơ hội để khẳng định, cống hiến, đồng thời nâng cao đời sống thu nhập của cán bộ cơ sở.