Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, sáng 22/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018, thảo luận báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016.
Tại tổ, các ĐBQH đã nêu nhiều ý kiến về các vấn đề còn gây bức xúc trong xã hội nhằm đưa ra những giải pháp căn bản đối với các vấn đề an sinh xã hội. Trong phiên thảo luận tại tổ số 12 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: An Giang, Phú Yên, Quảng Trị, Lào Cai.
Tham gia thảo luận, đa số ý kiến các ĐBQH nhất trí với nội dung báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018. Nhiều đại biểu nêu rõ, các giải pháp điều hành chính sách kinh tế vĩ mô đã được Chính phủ kiên trì thực hiện đúng định hướng, phù hợp diễn biến thị trường.
Năm 2017, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế đạt mức 6,81%, cao nhất từ năm 2011 đến nay, cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đều có sự tăng trưởng. Cơ cấu kinh tế dịch chuyển tích cực. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội được củng cố.
Các đại biểu cho rằng cần làm tốt hơn nữa công tác quản lý vĩ mô, xác định được lĩnh vực nào là mũi nhọn để có những ưu tiên và kế hoạch dài hạn, ngắn hạn phù hợp, đem lại lợi ích tốt nhất. Bên cạnh đó, làm tốt công tác dự báo; đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm chi phí hành chính. Đồng thời quản lý chặt chẽ tài sản công, thường xuyên có báo cáo xác thực, kịp thời vấn đề thu và chi, đặc biệt là vấn đề chi. Trong vấn đề an sinh xã hội, cần tránh tình trạng khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, tránh lãng phí thời gian của người dân và lực lượng chức năng…
Tuy nhiên, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ rõ, việc thực hiện nội dung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế một cách thực chất còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra trong việc giải quyết những tồn tại, yếu kém của một số doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Tình hình tội phạm tham nhũng diễn biến phức tạp, số vụ án tham nhũng và số bị can bị khởi tố tăng so với năm 2016...
Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên đã có 3 ý kiến phát biểu. Đại biểu Hoàng Văn Trà, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, cho rằng: Cả hệ thống chính trị vào cuộc, chúng ta làm tốt công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng tạo ra sự hiệu triệu lớn trong toàn Đảng, toàn dân. Đại biểu đánh giá cao vai trò của người đứng đầu hết sức quan trọng; Thủ tướng, Phó Thủ tướng, bộ trưởng xuất hiện nhiều ở các sự kiện quan trọng có ý nghĩa rất lớn cho các địa phương, doanh nghiệp và người dân tự tin vào cuộc để đẩy mạnh phát triển. Về hạn chế, trong báo cáo nêu đầy đủ nhưng cần phân tích sâu, quan trọng là phải giải quyết dứt điểm hạn chế, khuyết điểm; giải pháp đưa ra phải gắn với giải quyết nguyên nhân, khuyết điểm, cần phân tích một cách căn cơ để tạo ra bứt phá mới; Đề nghị cần phân tích sâu hơn, sát hơn, giải pháp phải thực sự thiết thực, quyết liệt hơn để cấp dưới hiến kế, tham mưu mạnh dạn tạo ra một không khí đầu tư phát triển đồng bộ.
Toàn cảnh phiên họp - Ảnh: Chinhphu.vn |
Đại biểu Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Phú Yên nêu ý kiến: Năm 2017, tuy gặp nhiều khó khăn nhưng Chính phủ đã có nhiều giải pháp quyết liệt, đột phá; xây dựng kịch bản triển khai đạt hiệu quả trên từng quý, từng tháng; quyết liệt trong cải cách hành chính. Với 8 giải pháp Chính phủ đưa ra, tin tưởng rằng sẽ đạt được mục tiêu. Ví dụ: Cải cách hành chính tiếp tục mở cửa thị trường, tăng vốn đầu tư FDI. Về quyết toán ngân sách, đại biểu đồng tình với quyết toán ngân sách nhà nước 2016. Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần làm rõ một số hạn chế còn tồn tại như: hiện nay tổng chi ngân sách thường xuyên mục tiêu là giảm dần nhưng thực tế là tăng lên; vấn đề nợ công sau năm 2014 đang phát sinh và có xu hướng nở rộ ở các địa phương. Đây là vi phạm pháp luật về đầu tư công chứ không phải là sử dụng sai cần phải xử lý như thế nào; ở một số địa phương, HĐND khi thông qua quyết toán ngân sách nhà nước rất hời hợt, ít có sự thảo luận hoặc thảo luận một cách đơn giản… Đề nghị cần phải có giải pháp cụ thể hơn để tháo gỡ những tồn tại này.
Đại biểu Nguyễn Thái Học, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, cơ bản đồng tình cao với báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quyết toán ngân sách nhà nước... Cho thấy nội lực phát huy tốt, quan hệ đối ngoại được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành Chính phủ được nâng cao. Khi người dân tin, đồng hành cùng Chính phủ thì hình ảnh Chính phủ hành động ngày càng rõ nét (siết chặt quản lý, điều hành tại địa phương). Tuy nhiên, trong báo cáo nêu: vẫn có tồn tại hạn chế, khó khăn... Đại biểu cho rằng báo cáo nêu còn chung chung, nhiều mặt cần phải được phân tích rõ hơn.
Báo cáo nêu: kỷ luật tài chính ngân sách có nơi chưa nghiêm, đại biểu cho rằng đánh giá như vậy là chưa đầy đủ. Trong báo cáo của Tổng Kiểm toán Nhà nước cho thấy nhiều vấn đề, cần xem xét xử lý trách nhiệm cá nhân của những nơi vi phạm, nhưng chưa được chú trọng đúng mức. Quản lý tài sản công còn lỏng lẻo, thất thoát lãng phí, vấn đề liên quan đến đất đai rất nóng; vấn đề tham nhũng diễn biến phức tạp, lực lượng phòng chống tội phạm lại bảo kê tiếp tay cho tội phạm. Quản lý, sử dụng tài sản công chưa chặt chẽ, còn thất thoát lớn cần phải làm rõ, phải xử lý trách nhiệm hình sự cả cán bộ ở cơ quan địa phương và Trung ương.
Chiều cùng ngày, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội nghe tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường về dự án Luật Trồng trọt; nghe tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư Pháp về dự án Luật Đặc xá (sửa đổi).
MINH HỘI - BTV