Thứ Sáu, 24/01/2025 16:38 CH
Nguyện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người (*)
Thứ Sáu, 18/05/2018 07:58 SA

(Diễn văn của đồng chí Huỳnh Tấn Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại lễ kỷ niệm 128 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh)

 

- Thưa các đồng chí lãnh đạo tỉnh và nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ,

- Thưa các vị đại biểu,

- Thưa đồng bào, đồng chí,

 

Hôm nay, ngày 17/5, tại khu di tích Nhà thờ Bác Hồ (xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 128 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2018) để tưởng nhớ người cha già vĩ đại của dân tộc. Trong giờ phút thiêng liêng đầy xúc động này, chúng ta thành kính tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đến Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, lãnh tụ kính yêu của giai cấp công nhân và của cả dân tộc Việt Nam, người cha thân yêu của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, là anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, Người đã suốt đời phấn đấu, hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Trước khi đi xa, Người đã để lại cho Đảng ta, nhân dân ta một di sản tinh thần vô giá, đó là tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin sẽ mãi mãi tỏa sáng, là kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng của toàn Đảng, toàn dân ta.

 

Đồng chí Huỳnh Tấn Việt phát biểu tại lễ kỷ niệm - Ảnh: TRUNG HIẾU

 

Thưa đồng bào, đồng chí,

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ngày 19/5/1890 tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Người sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho thanh bạch, yêu nước nên sớm được hun đúc lòng yêu nước, thương dân. Từ giữa thế kỷ XIX, sau khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược và đô hộ nước ta, dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu yêu nước lúc bấy giờ, đã có nhiều cuộc khởi nghĩa, phong trào yêu nước nổ ra như phong trào Cần Vương do Phan Đình Phùng lãnh đạo, phong trào Đông Du do Phan Bội Châu lãnh đạo, cuộc vận động cải cách do Phan Chu Trinh khởi xướng, cuộc khởi nghĩa của nông dân Yên Thế (tỉnh Bắc Giang) do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo… Mặc dù các phong trào yêu nước chống Pháp liên tục diễn ra, người trước ngã, người sau đứng lên, nhưng tất cả các phong trào, các cuộc nổi dậy ấy đều lần lượt thất bại. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu một đường lối cứu nước đúng đắn, mà thực chất là thiếu một giai cấp tiên tiến lãnh đạo cách mạng.

 

Chứng kiến cảnh nhân dân sống lầm than, cực khổ dưới ách thống trị của thực dân tàn bạo và sự thất bại của các sĩ phu yêu nước tiền bối, năm 1911, người thanh niên ưu tú Nguyễn Tất Thành quyết chí ra đi tìm đường cứu nước. Với hành trang là lòng yêu nước, thương dân, khát vọng độc lập, tự do, Người đã chọn con đường không giống như những con đường mà các bậc cách mạng tiền bối đã chọn. Bằng đôi bàn tay trắng và sức lao động sáng tạo của mình, Người đã đến nhiều nước trên thế giới, đặt chân đến những trung tâm văn minh của thế giới thời đó và những nơi bần cùng, khốn khổ bậc nhất trên trái đất này. Người đã tiếp xúc với nhiều lớp người, nhiều dân tộc khác nhau. Khi đến các nước tư bản phát triển ở châu Âu và Bắc Mỹ, Người nhìn thấy cảnh giai cấp công nhân bị áp bức, bóc lột thậm tệ. Ở các nước châu Á, châu Mỹ và Mỹ Latinh, Người đã tận mắt chứng kiến ách thống trị hết sức hà khắc, dã man của bọn thực dân. Đồng thời, Người cũng đã thấy rõ ý chí quật cường, bất khuất của các dân tộc bị áp bức, tinh thần đấu tranh của giai cấp công nhân, những người lao động cùng khổ ở khắp mọi nơi, kể cả nhân dân lao động ở chính nước Pháp. Và Người đi đến kết luận “Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: “tình hữu ái vô sản”. Từ lòng yêu nước, thương dân, đến sự nhận thức bản chất thực tế đời sống xã hội, ở Nguyễn Ái Quốc đã có sự chuyển biến về tư tưởng sâu sắc, hình thành ý thức giai cấp rõ rệt khiến Người đến với chủ nghĩa Mác - Lênin một cách tự nhiên, như một tất yếu lịch sử.

 

Những năm hoạt động trong phong trào cộng sản, phong trào công nhân và phong trào giải phóng dân tộc, đồng thời được nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, học tập kinh nghiệm của các Đảng Cộng sản, của đất nước Liên Xô, đặc biệt là qua Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, Người đã tích lũy được những kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn vô cùng phong phú, hình thành dần đường lối cứu nước đúng đắn. Người đi đến khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.

 

Mùa xuân năm 1930, theo chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, Người đã chủ trì Hội nghị thống nhất ba tổ chức cộng sản ở Đông Dương, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/2/1930. Chính Người trực tiếp soạn thảo các văn kiện của hội nghị như: Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam, trên cơ sở vận dụng sáng tạo lý luận Mác - Lênin, đường lối của Quốc tế Cộng sản vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Đó là “chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”, gắn mục tiêu độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội ngay từ những ngày đầu của cách mạng Việt Nam. Từ đó, đường lối cách mạng Việt Nam cơ bản được hình thành, quyết định sự phát triển lâu dài của phong trào cách mạng trong cả nước.

 

Thưa đồng bào và đồng chí,

 

Ngày 3/2/1930 đánh dấu một mốc son chói lọi, một bước ngoặt lịch sử của cách mạng nước ta với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam mà người sáng lập là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Từ đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta chuyển từ đấu tranh tự phát sang tự giác, với phương hướng rõ ràng và bước đi vững chắc, vượt mọi thác ghềnh, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo, gắn kết dân tộc, huy động được lòng yêu nước vô bờ bến của toàn dân Việt Nam vùng lên làm nên thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lịch sử. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á.

 

Tuy nhiên, khi vừa mới ra đời, chính quyền cách mạng non trẻ đã đứng trước nhiều gian nan, thách thức, cùng lúc phải đấu tranh chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Trong hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng với Trung ương Đảng sáng suốt lãnh đạo đất nước vượt qua mọi hiểm nghèo, giành thắng lợi sau 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và hơn 20 năm chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong suốt hai cuộc kháng chiến thần thánh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khơi dậy khí phách anh hùng bất khuất của cả dân tộc bằng những lời kêu gọi vang dậy núi sông: “Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”; “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng quyết tâm giành lại độc lập dân tộc, thống nhất cho Tổ quốc”; “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”…

Thực hiện Di chúc của Người “Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”, từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đảng ta đã luôn kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giành được những thắng lợi to lớn. Có thể khẳng định, sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện và có ý nghĩa lịch sử. Những thành tựu đó chứng tỏ đường lối đổi mới do Đảng ta đề ra là đúng đắn, sáng tạo và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta do Bác Hồ, Đảng ta và nhân dân ta lựa chọn là phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam.

 

Thưa đồng bào, đồng chí,

 

Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, hưởng thọ 79 tuổi. Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Lễ truy điệu Hồ Chủ tịch ngày 9/9/1969 nêu rõ: “Hồ Chủ tịch đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta và nhân dân thế giới. Người đã trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ. Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, nhưng đã để lại cho chúng ta những di sản tinh thần vô giá, đó là tư tưởng và tấm gương đạo đức của Người. Quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định vai trò, ý nghĩa to lớn của đường lối chính trị, tư tưởng, đạo đức, phương pháp, phong cách Hồ Chí Minh. Đại hội toàn quốc lần thứ VII, Đảng ta đã trân trọng ghi vào Cương lĩnh và Điều lệ của mình: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động”.

 

Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân ta làm nên những thành tựu hết sức kỳ diệu, đó là: thực hiện thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước ta trở thành một nước độc lập, thống nhất, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội; xây dựng được một Đảng Cộng sản kiên định, mang bản chất giai cấp công nhân, đại diện cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của toàn dân tộc Việt Nam; một Nhà nước của dân, do dân, vì dân với nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; xây dựng được lực lượng vũ trang cách mạng, trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội; một Mặt trận dân tộc thống nhất tiêu biểu cho sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. “Việt Nam - Hồ Chí Minh” thật sự đã trở thành biểu tượng của niềm tin, ý chí, lương tâm và phẩm giá của dân tộc Việt Nam và nhân loại trên toàn thế giới.

 

Thưa đồng bào và đồng chí,

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ để lại những di sản vô giá cho Đảng ta, nhân dân ta, mà còn để lại cho nhân dân thế giới, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế tinh thần dân tộc và tinh hoa văn hóa của thời đại mang tính nhân văn sâu sắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa truyền thống văn hoá cổ - kim, Đông - Tây, đặc biệt là tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, đỉnh cao tư tưởng nhân văn của nhân loại, nhờ đó đã kết tinh ở Người những giá trị văn hóa vừa dân tộc, vừa hiện đại, vừa nhân văn. Là chiến sĩ tiên phong của nền văn học - nghệ thuật, báo chí cách mạng, đấu tranh cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, cho công bằng, tình thương và lẽ phải trên thế giới. Toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của Người được tỏa sáng trong từng việc làm, từng cử chỉ, từng mối quan hệ với đồng chí, đồng bào và bạn bè quốc tế. Điểm cốt lõi trong tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh là lòng yêu nước, thương dân, thương yêu con người và niềm tin đối với con người hết sức bao la, sâu sắc, tất cả vì con người, tất cả do con người. Đó là một nhân sinh quan, một triết lý sống rất nhân văn, là đạo đức cách mạng của người Cộng sản. Người quan niệm: “Nghĩ cho cùng… mọi vấn đề là vấn đề ở đời và làm người. Ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại…”. Chính vì vậy, suốt cuộc đời, Người đã đấu tranh chống áp bức, bất công, đem lại cuộc sống tự do, hạnh phúc cho nhân dân, cho dân tộc, cho nhân loại. Như vậy, Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà tư tưởng lỗi lạc, mà còn là một nhà hoạt động thực tiễn đầy tài năng; không chỉ là một nhà chính trị vĩ đại, mà còn là một nhà văn hóa kiệt xuất.

 

Với những cống hiến xuất sắc cho dân tộc và nhân loại, Đại Hội đồng UNESCO (tháng 11/1987) đã thông qua Nghị quyết về kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”.

 

Nghị quyết nêu rõ: “Chủ tịch Hồ Chí Minh, một biểu tượng xuất sắc về sự tự khẳng định dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội…”; “những đóng góp quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật chính là sự kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam; và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc mong muốn được khẳng định bản sắc văn hóa của mình và mong muốn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau của các dân tộc”. Đây chính là sự ghi nhận của một tổ chức quốc tế lớn thuộc Liên Hợp Quốc về những đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc đấu tranh chung của dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; đồng thời là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam và của cả bạn bè quốc tế…

 

Thưa đồng bào, đồng chí,

 

Ở Phú Yên, từ tháng 10/1930 sau khi thành lập được Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên thì ảnh hưởng của Đảng đã lan rộng nhanh chóng trong toàn tỉnh. Tổ chức đảng không ngừng lớn mạnh và đã lãnh đạo giành chính quyền toàn tỉnh trong Cách mạng Tháng Tám và sau đó cùng cả nước tiến hành hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đầy hy sinh gian khổ. Đảng bộ và nhân dân Phú Yên đã một lòng đi theo ngọn cờ của Đảng và Bác Hồ, cùng với cả nước hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

 

Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, sự hỗ trợ, giúp đỡ của các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố bạn, Đảng bộ và nhân dân Phú Yên tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, tự lực tự cường, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, đẩy mạnh phát triển sản xuất, ổn định đời sống, từng bước vươn lên giành được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… Nền kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển ổn định và tăng trưởng khá; các kết cấu hạ tầng quan trọng ngày càng được quan tâm đầu tư xây dựng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Văn hóa - xã hội nhiều mặt phát triển, quốc phòng - an ninh ngày càng được củng cố và tăng cường, đời sống nhân dân được cải thiện, bộ mặt đô thị và nông thôn có nhiều đổi mới, khởi sắc hơn. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt nhiều tiến bộ.

 

Kỷ niệm 128 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là thời điểm tỉnh ta vừa tổ chức sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Kết quả qua triển khai thực hiện cho thấy, việc học tập và làm theo gương Bác đã trở thành công việc thường xuyên của tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân. Các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân đã có sự chuyển biến tích cực trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác. Nhiều mô hình, hoạt động, cách làm hay, thiết thực, sáng tạo, phong phú trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Chúng ta khẳng định rằng, thực hiện tốt việc học tập và làm theo gương Bác chính là sự thể hiện quyết tâm kế tục sự nghiệp và bày tỏ tấm lòng biết ơn của chúng ta đối với Bác Hồ kính yêu.

 

Thưa đồng bào và đồng chí,

 

Kỷ niệm 128 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là dịp để chúng ta thành kính tưởng nhớ Người, cùng nhau ôn lại thân thế và sự nghiệp của Người, nguyện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Trong niềm phấn khởi, tin tưởng trước những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Yên tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra, góp phần xây dựng và phát triển quê hương Phú Yên ngày càng văn minh, giàu đẹp.

 

Kính chúc các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh, các vị đại biểu, đồng bào, đồng chí sức khỏe, hạnh phúc, thành công.

 

- Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!

- Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm!

- Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!

 

-----------------

(*) Tựa đề do tòa soạn đặt

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek