Thứ Bảy, 25/01/2025 04:09 SA
Quốc hội tập trung giải quyết kiến nghị của cử tri từ cơ sở
Thứ Ba, 15/05/2018 17:24 CH

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu - Ảnh: TTXVN

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 24 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, sáng 15/5, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4; về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội. 

 

Tăng cường kiểm tra việc giải quyết kiến nghị của cử tri 

 

Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho biết thông qua 1.383 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, 63 đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố đã tiếp nhận, tổng hợp được 2.099 kiến nghị của cử tri. Các kiến nghị này đã được Ban Dân nguyện chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, giải quyết (giảm 357 kiến nghị so với kỳ họp trước). 

 

Theo báo cáo, trong tổng số 1.993 kiến nghị mà cử tri gửi tới Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ có 1.474 kiến nghị (chiếm 73,96%) được trả lời bằng việc cung cấp thông tin cho cử tri; 162 kiến nghị (chiếm 8,13%) đã được tiếp thu, giải quyết xong; còn 357 kiến nghị (chiếm 17,91%) đang được nghiên cứu để giải quyết. 

 

Báo cáo đánh giá, với sự nỗ lực cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành trong giải quyết các kiến nghị, phản ánh của của cử tri về công tác điều hành của Chính phủ, từ đó đã tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc mà người dân, các doanh nghiệp, nhà đầu tư đang gặp phải, tạo môi trường thông thoáng hơn trong sản xuất, đầu tư và kinh doanh; góp phần tích cực vào những kết quả chung trong tăng trưởng kinh tế - xã hội thời gian qua.

 

Cụ thể, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1 tăng trưởng vượt trội, đạt 7,38% (cao nhất trong 10 năm) trong đó khu vực công nghiệp tăng 10,08%, là mức tăng trưởng hai chữ số lần đầu tiên sau rất nhiều năm.

 

Các đại biểu cho rằng đã có sự thay đổi, chuyển biến rõ rệt về chất lượng giải quyết những vấn đề mà cử tri phản ánh; nội dung, số lượng các văn bản trả lời bảo đảm kịp thời, đầy đủ.

 

Một số bộ trưởng đã dành nhiều thời gian để trực tiếp chỉ đạo, giải quyết và ký tất cả các văn bản trả lời gửi tới cử tri nên chất lượng trả lời, số lượng các vấn đề được giải quyết dứt điểm khá nhiều, được cử tri đồng tình.

 

Tại kỳ họp này, một điểm nhấn trong công tác giải quyết kiến nghị cử tri của các bộ, ngành đó là 83,5% các kiến nghị chưa thể giải quyết được ngay đều đã được các bộ, ngành xây dựng lộ trình để giải quyết. Đây là nỗ lực lớn, rất đáng ghi nhận, thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ, các bộ, ngành trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi hơn cho người dân trong đời sống, sản xuất, kinh doanh... thể hiện Chính phủ phục vụ, Chính phủ hành động. 

 

Về 570 kiến nghị tồn đọng qua một số kỳ họp, các bộ, ngành đã tích cực rà soát, trong đó có một số vấn đề mà cử tri kiến nghị từ Quốc hội khóa XIII, đến nay cũng đã được xem xét giải quyết dứt điểm như quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm trật tự an toàn giao thông; quy định về cơ chế quản lý giá đất... 

 

Báo cáo của Ban Dân nguyện cũng chỉ rõ mặc dù trả lời kiến nghị của cử tri đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn hiện tượng một số bộ, ngành chưa thực sự nỗ lực, quyết tâm trong giải quyết các vấn đề cụ thể mà cử tri nêu.

 

Đối với một số kiến nghị rất cần các bộ, ngành nghiên cứu tìm các biện pháp tháo gỡ để giải quyết ngay các vướng mắc, hoặc xây dựng lộ trình để giải quyết dứt điểm thì chỉ được các bộ, ngành trả lời bằng việc cung cấp thông tin, chỉ dẫn một số văn bản hiện hành có liên quan, hoặc trả lời “đang nghiên cứu...,” “sẽ giải quyết...” nên chưa đáp ứng đúng mong muốn của cử tri.

 

Ngoài ra, nhiều văn bản trả lời còn rất chung chung, diễn giải nhiều, lòng vòng, khó hiểu; một số kiến nghị đã được bộ, ngành trả lời nhưng chưa thỏa đáng, không rõ ràng, thậm chí không đúng với thực tế. Việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, sửa đổi các văn bản pháp luật không phù hợp thực tiễn theo ý kiến phản ánh của cử tri còn chậm, thậm chí rất chậm. 

 

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nhận định việc thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm đối với một số vấn đề mà cử tri phản ánh còn chưa được thực hiện kịp thời, hiệu quả. Theo Chủ nhiệm Lê Thị Nga, ngoài trả lời thì các bộ, ngành cần thanh tra, kiểm tra những nội dung mà cử tri nêu bởi nếu quan tâm hơn đến phản ánh, kiến nghị mang tính cảnh báo, hành động tích cực để chấn chỉnh vi phạm thì có thể hạn chế nhiều vụ việc cháy nổ, nhất là tại các nhà cao tầng, chung cư thời gian qua. 

 

Dẫn số liệu có tới 1.474/1.993 kiến nghị (chiếm gần 74%) về công tác điều hành của Chính phủ được trả lời bằng việc cung cấp thông tin cho cử tri, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến chỉ rõ người dân rất thiếu thông tin về đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước. Công tác tuyên truyền của các bộ, ngành, địa phương đưa thông tin đến cử tri và người dân còn hạn chế.

 

Chủ tịch Hà Ngọc Chiến đề nghị, Ban Dân nguyện cần làm rõ nội dung này trong báo cáo đồng thời các cấp, các ngành, địa phương cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền trong thời gian tới. 

 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đặt vấn đề về nguyên nhân những kiến nghị của người dân chưa được làm rõ. Đó là do pháp luật chưa hoàn thiện hay do công tác tổ chức thực hiện, cơ chế phối hợp chưa tốt... từ đó có phương án nhằm đưa thông tin cho người dân hiểu. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh các địa phương cần tập trung xử lý, giải quyết dứt điểm kiến nghị từ cơ sở. 

 

Qua thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị, Chính phủ cần tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá các bộ, ngành trong việc thực hiện trách nhiệm giải quyết kiến nghị của cử tri; có hình thức đánh giá, xử lý khi cá nhân, đơn vị thiếu trách nhiệm trong giải quyết trả lời kiến nghị cử tri. 

 

Hơn 3.000 ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội 

 

Tại phiên họp sáng 15/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. 

 

Trình bày dự thảo báo cáo, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hầu A Lềnh cho biết chuẩn bị kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 3.093 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội, trong đó có 763 ý kiến, kiến nghị của cử tri được phản ánh qua các đoàn đại biểu Quốc hội và 2.330 ý kiến, kiến nghị của nhân dân được phản ánh qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. 

 

Cử tri và nhân dân cả nước phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều giải pháp quyết liệt, sáng tạo trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2018 tiếp tục có chuyển biến tích cực, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; chính trị ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững, đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện. 

 

Cử tri và nhân dân tiếp tục thể hiện sự tin tưởng, kỳ vọng vào quyết tâm chính trị và hành động quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong lãnh đạo, chỉ đạo, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí với nhiều kết quả cụ thể, đáng ghi nhận. Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã được xử lý nghiêm minh, không có “vùng cấm”, kể cả đối với cán bộ lãnh đạo cao cấp, cán bộ đương chức và cán bộ đã nghỉ hưu. 

 

Tuy nhiên, dự thảo báo cáo chỉ rõ, nhiều vụ việc chỉ được quan tâm xử lý khi có sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư, của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương; còn nhiều ngành và địa phương vẫn chưa thực sự “vào cuộc”, có biểu hiện né tránh, kết quả thực hiện chưa rõ nét. Vì vậy, cử tri và nhân dân mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở các cấp, các ngành, các địa phương, cơ sở, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết của cả hệ thống chính trị. Người đứng đầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương xây dựng chương trình hành động cụ thể để thực hiện và thể hiện trách nhiệm “nêu gương” để cán bộ, công chức các cấp, các ngành, các địa phương cùng thực hiện. 

 

Về an ninh, trật tự, an toàn xã hội và quản lý đô thị, nhân dân đánh giá cao nỗ lực, sự quyết tâm của các cơ quan chức năng trong thời gian qua. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân nhiều địa phương còn băn khoăn, lo lắng trước tình hình tệ nạn xã hội, sử dụng và mua bán ma túy vẫn diễn ra phức tạp, nhiều vụ trọng án giết người gây hậu quả nghiêm trọng.

 

Bên cạnh đó, công tác bảo đảm an ninh mạng, quản lý công nghệ thông tin còn bộc lộ hạn chế, thiếu sót, tạo kẽ hở để tội phạm công nghệ “trục lợi” cá nhân; tình trạng đánh bạc qua mạng internet với số lượng tiền hàng ngàn tỷ đồng diễn ra nhiều năm mà không bị phát hiện.

 

Cử tri và nhân dân bất bình và bức xúc trước hành vi của một số cán bộ công an, kể cả cán bộ cấp cao đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn tiếp tay cho tội phạm thực hiện hành vi phạm tội; đề nghị Bộ Công an tiếp tục tăng cường công tác quản lý thông tin, bảo đảm an ninh mạng, khẩn trương rà soát, chấn chỉnh để chấm dứt tình trạng này. 

 

Ngoài ra, cử tri và nhân dân còn phản ánh về một số vấn đề như việc một số cá nhân với danh nghĩa Hội thánh Đức Chúa Trời đang lôi kéo, tuyên truyền những giáo lý sai lạc, mê tín dị đoan, gây mất an ninh, trật tự xã hội, làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân ở một số địa phương; tình trạng vi phạm pháp luật về an toàn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng; nhiều vụ việc lừa đảo qua mạng xã hội... 

 

Trên cơ sở những ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt cải cách hành chính, giảm thủ tục, giảm thời gian giải quyết, đơn giản hóa thủ tục hành chính một cách đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở, ở tất cả các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị. Đảng, Nhà nước tiếp tục có giải pháp hiệu quả để phòng, chống tham nhũng, lãng phí, chỉ đạo các cơ quan bảo vệ pháp luật kiên quyết xử lý nghiêm những người có liên quan đến tham nhũng, lãng phí, gây thất thoát tài sản của Nhà nước; tăng cường hiệu quả trong thu hồi tài sản tham nhũng; tiếp tục phát hiện, xử lý những cán bộ, đảng viên có hành vi tham nhũng, lãng phí. 

 

Ngoài ra, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền địa phương tiếp tục rà soát và tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy hoạch đô thị, nhất là quy hoạch khu dân cư, hạ tầng cơ sở; đánh giá kỹ tác động môi trường và tính khả thi trước khi triển khai xây dựng các dự án chung cư, nhà cao tầng tại các thành phố lớn. Chính quyền địa phương, cơ quan hữu quan tiếp tục rà soát chất lượng, công tác quản lý của các dự án, khu chung cư, tăng cường công tác phòng, chống cháy nổ, nâng cao ý thức người dân, cộng đồng về việc phòng ngừa cháy nổ; làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các vi phạm của chủ đầu tư, cơ quan quản lý Nhà nước. 

 

Về tình trạng khai thác cát trái phép, chặt phá rừng tự nhiên đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt và có giải pháp mạnh mẽ hơn, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các địa phương vẫn để xảy ra tình trạng vi phạm, xử lý nghiêm minh, kiên quyết hơn đối với những cán bộ bao che cho các đối tượng vi phạm.

 

Theo TTXVN/Vietnam+

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek