Thứ Bảy, 12/10/2024 21:27 CH
Thời điểm chín muồi để Quốc hội ban hành nghị quyết phát triển TP Hồ Chí Minh
Thứ Tư, 22/11/2017 09:00 SA

Đại biểu Nguyễn Thái Học phát biểu tại phiên thảo luận - Ảnh: PV

Sáng 20/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về cơ chế đặc thù, chính sách phát triển TP Hồ Chí Minh.

 

Báo Phú Yên xin trích đăng nội dung phát biểu của 2 đại biểu Nguyễn Hồng Vân, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên; Nguyễn Thái Học, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Phú Yên.

 

Đại biểu Nguyễn Hồng Vân:

 

Tôi tán thành việc ban hành nghị quyết, tuy nhiên xin tranh luận với một số đại biểu trước tôi về việc thống nhất tăng lương không quá 1,8 với cán bộ, công chức, viên chức và như đại biểu Nguyễn Quang Tuấn nói thêm là người lao động. Tôi quan tâm tới cán bộ hưu trí và các đối tượng chính sách, khi chúng ta tăng lương và có cơ chế như vậy thì chỉ số giá tiêu dùng sẽ tăng, các đối tượng hưởng lương là cán bộ hưu trí và các đối tượng chính sách không tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống của đối tượng này, đề nghị khi ban hành nghị quyết chúng ta quan tâm vấn đề này.

 

Thứ hai, xin góp ý về kỹ thuật văn bản: nói là giao cho thành phố quản lý đất đai, đầu tư trong Điều 1, tôi đề nghị TP Hồ Chí Minh là tên của một địa danh, nên trong phạm vi điều chỉnh cần bổ sung từ “giao cho chính quyền TP Hồ Chí Minh”, trên cơ sở đó các điều còn lại chúng ta phân cấp cho HĐND hoặc UBND TP Hồ Chí Minh ở từng điều khoản cho cụ thể.

 

Đại biểu Nguyễn Thái Học:

 

Với mong muốn tạo cơ chế, chính sách đột phá cho nhiều địa phương phát triển, trong những ngày qua, cùng với sự quan tâm, tìm hiểu về cơ chế, chính sách trong dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, ĐBQH và nhiều người dân dành sự quan tâm, tìm hiểu đến những nội dung trong dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh. Đây là sự quan tâm không chỉ thể hiện trách nhiệm mà còn xuất phát từ tình cảm, sự tin tưởng, kỳ vọng của ĐBQH, của mỗi người dân đối với quá trình phát triển của TP Hồ Chí Minh, thành phố mang tên Bác.

 

Là người sinh ra ở miền Trung và có thời gian được sống, học tập ở TP Hồ Chí Minh, tôi nhận thức sâu sắc truyền thống năng động, sáng tạo, đi trước trong cách nghĩ, cách làm, mang lại hiệu quả tích cực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, được thể hiện trên nhiều lĩnh vực, để từ đó được tổng kết, nhân rộng trong phạm vi cả nước. Với suy nghĩ như vậy, tôi xin được phân tích làm rõ thêm các nội dung sau:

 

Thứ nhất, tôi cho rằng đây là thời điểm chín muồi để Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho TP Hồ Chí Minh. Tôi nói như vậy vì từ chủ trương của Bộ Chính trị, báo cáo đề nghị giải trình của UBND TP Hồ Chí Minh, đến nội dung tờ trình của Chính phủ, dự thảo nghị quyết của Quốc hội là quá trình chuẩn bị nghiêm túc, chu đáo và đầy trách nhiệm, thể hiện sự cần thiết, tính cấp bách của vấn đề.

 

TP Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt có quy mô dân số và mật độ dân số lớn nhất, trung tâm kinh tế lớn nhất, thu nhập đầu người cao nhất, là địa phương đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước. Vậy mà theo báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh thì hơn 30 năm đổi mới, cơ chế chính sách phát triển của TP Hồ Chí Minh tương tự như các địa phương khác trong cả nước. Chính cơ chế, chính sách hiện hành này đã không còn phù hợp mà đã bộc lộ sự kìm hãm, không tạo điều kiện cho thành phố phát huy các tiềm năng, lợi thế để phát triển. Do đó, có cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố là yêu cầu mang tính khách quan và công bằng.

 

Quốc hội đang xem xét tìm ra những cơ chế, chính sách đặc thù cho các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt thì đối với TP Hồ Chí Minh phải được xem là sự đặc thù của đặc thù. Có cơ chế, chính sách đặc thù sẽ tạo điều kiện để TP Hồ Chí Minh phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế, sự năng động, chủ động, sáng tạo để tiếp tục phát triển, tiếp tục đóng góp quan trọng vào sự phát triển của cả nước và vì cả nước. Từ năm 2012, trong Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị, nghị quyết đã xác định: “Thành phố được thực hiện thí điểm đối với những vấn đề mới phát sinh mà thực tiễn thành phố đặt ra trong quá trình phát triển, nhưng chưa có quy định hay những quy định hiện hành của Nhà nước không còn phù hợp”. 5 năm qua từ khi có kết luận của Bộ Chính trị, chúng ta chưa thực hiện được nội dung kết luận này thì nay là thời điểm tốt nhất để triển khai thực hiện.

 

Thứ hai, dự thảo nghị quyết của Quốc hội nêu ra 5 nội dung cho phép TP Hồ Chí Minh tiến hành thí điểm để thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù. Đây là những lĩnh vực từ thực tiễn cho thấy cần có sự thay đổi về cơ chế quản lý, về hành lang pháp lý. Nếu không có sự thay đổi, TP Hồ Chí Minh sẽ luôn đối mặt với khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển. Đó là những bất cập, vướng mắc về khung pháp lý mà biểu hiện cụ thể của vấn đề này là sự phân cấp, phân quyền cho thành phố với tư cách là đô thị đặc biệt, đầu tàu của cả nước. Đó là những áp lực của sự quá tải về kết cấu hạ tầng đô thị mà biểu hiện cụ thể của nó là nhà ở, giao thông, môi trường, trật tựan toàn xã hội… Đó còn là những yêu cầu đòi hỏi chính đáng có sự bứt phá, phát triển thành phố theo mô hình mới mà việc đầu tư chăm lo yếu tố con người, đội ngũ cán bộ để nâng cao năng lực cạnh tranh trong điều kiện hội nhập toàn cầu là khâu then chốt.

 

Trong những cơ chế chính sách đặc thù dành cho TP Hồ Chí Minh có nội dung giải quyết được yêu cầu cấp bách trước mắt như tăng nguồn lực đầu tư xây dựng trường học, bệnh viện, giao thông, hệ thống chống ngập úng…, có nội dung cần thời gian và lộ trình để triển khai thực hiện như việc điều chỉnh các sắc thuế. Nhưng dù là trước mắt hay lâu dài, dù thuận lợi hay khó khăn, đây là những việc cần được ưu tiên để thành phố sớm triển khai thực hiện thí điểm.

 

Tôi cũng đề nghị Chính phủ cần rà soát lại trong các nội dung cho phép TP Hồ Chí Minh thực hiện thí điểm thì nội dung nào có thể cho phép TP Hà Nội cũng thực hiện để đảm bảo sự hài hòa, tránh khác biệt trong thu nhập, cũng như thu hút đầu tư giữa TP Hồ Chí Minh và TP Hà Nội.

 

Quá trình xem xét đánh giá tổng kết thực tiễn để đề xuất các cơ chế chính sách và thuyết phục các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận đã là việc khó. Việc triển khai thực hiện có hiệu quả, thực hiện thành công cơ chế, chính sách đặc thù theo mục tiêu yêu cầu nghị quyết của Quốc hội càng khó hơn nhiều. Điều này tùy thuộc vào khả năng, năng lực lãnh đạo, tổ chức, quản lý, triển khai thực hiện của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh.

 

Việc Quốc hội trao cho TP Hồ Chí Minh những cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện không chỉ là tạo điều kiện về cơ chế, chính sách cho thành phố hưởng lợi mà còn là sự giao nhiệm vụ cho TP Hồ Chí Minh từ quá trình thực hiện sẽ có đánh giá tổng kết để đề xuất những cơ chế quản lý nhà nước phù hợp cho các đô thị lớn của cả nước.

 

Tôi cũng như nhiều ĐBQH bày tỏ sự đồng tình ủng hộ cao với những nội dung trong dự thảo nghị quyết của Quốc hội dành cho TP Hồ Chí Minh sau khi đã tiếp thu ý kiến của ĐBQH trong thảo luận tổ và đã hoàn chỉnh gửi ĐBQH bản báo cáo sáng 20/11. Tôi cũng tin tưởng rằng với truyền thống anh hùng, TP Hồ Chí Minh sẽ triển khai thực hiện thắng lợi nghị quyết, đáp lại sự tin tưởng kỳ vọng của Quốc hội và nhân dân cả nước đối với TP Hồ Chí Minh - thành phố vì cả nước.

 

TUẤN NGUYỄN (ghi)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek