Thứ Ba, 15/10/2024 09:14 SA
Chính phủ phải có giải pháp quyết liệt để thực thi pháp luật không còn là khâu yếu
Thứ Sáu, 03/11/2017 08:29 SA

Đại biểu Nguyễn Thái Học phát biểu tại phiên họp - Ảnh: MINH HỘI

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, sáng 2/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thái Học, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, tham gia phát biểu đề cập nhiều nội dung quan trọng. Báo Phú Yên trích giới thiệu phát biểu của đại biểu Nguyễn Thái Học.

 

Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 đã nêu ra những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, đây là kết quả của sự nỗ lực quyết tâm rất lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của cả hệ thống chính trị và của toàn dân. Không ai có thể phủ nhận tinh thần quyết tâm, quyết liệt của Chính phủ và các thành viên của Chính phủ để tạo ra những chuyển biến tích cực và rất quan trọng trong điều kiện còn nhiều khó khăn thử thách như thời gian vừa qua. Báo cáo của Chính phủ cũng đã thể hiện sự nghiêm túc, thẳng thắn khi đánh giá những tồn tại, hạn chế. Điểm khác biệt trong báo cáo của Chính phủ năm nay là Chính phủ đã có sự so sánh, đối chiếu so với năm trước có sự chuyển biến như thế nào, tiến bộ ra sao và điều gì vẫn còn tồn tại, hạn chế. Với tinh thần đó, tôi xin phân tích làm rõ thêm những nội dung sau.

 

Thứ nhất, công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Về kết quả thì báo cáo của Chính phủ nêu: “trong năm 2017 Chính phủ tập trung xây dựng hoàn thiện pháp luật, khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành”. Đây là kết quả rất quan trọng, vì trong thời gian dài câu chuyện nợ đọng văn bản luôn tồn tại hạn chế thể hiện trong báo cáo của Chính phủ. Điều này được khắc phục là một thành công lớn trong công tác xây dựng pháp luật cần phải được khẳng định và phát huy.

 

Kết quả là vậy nhưng về tồn tại, hạn chế thì báo cáo của Chính phủ nêu: “thực thi pháp luật vẫn là khâu yếu”. Đây là điều chúng ta cần phải suy nghĩ, bởi vì chúng ta quản lý nhà nước bằng pháp luật, xây dựng mô hình nhà nước pháp quyền, nhưng pháp luật thực thi không nghiêm và chúng ta ban hành nhiều luật nhưng luật không đi vào cuộc sống thì cũng không có tác dụng ý nghĩa gì. Vì sao thực thi pháp luật vẫn là khâu yếu? Có rất nhiều nguyên nhân, theo tôi công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong thời gian qua chúng ta làm chưa tốt, việc phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật vẫn chưa nghiêm, cấp trên chưa làm gương cho cấp dưới, cán bộ chưa làm gương cho người dân. Ngay trong đầu phiên họp này, chúng ta thấy có nhiều cơ quan soạn thảo dự án luật nhưng vi phạm pháp luật khi trình dự án luật không đúng về thời hạn quy định. Điều này chúng ta không thể chấp nhận được và nó vẫn cứ tồn tại kéo dài, chúng ta vi phạm pháp luật ngay từ khi khâu soạn thảo văn bản luật. Đề nghị Chính phủ phải có giải pháp quyết liệt để thực thi pháp luật không còn là khâu yếu, bởi vì thực thi pháp luật mà khâu yếu thì xã hội sẽ dễ rối loạn.

 

Thứ hai, vấn đề kỷ luật, kỷ cương nhà nước. Đây là vấn đề mà nhiều ĐBQH quan tâm. Về kết quả báo cáo của Chính phủ nêu: “đã khắc phục một bước tình trạng thiếu kỷ luật, kỷ cương, nói không đi đôi với làm”. Nhưng về tồn tại, hạn chế thì báo cáo của Chính phủ lại nêu: “kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm”. Đây là nhận định rất thẳng thắn của Chính phủ. Chúng ta nhận thấy thực trạng kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm, tồn tại ở nhiều lĩnh vực như công tác tổ chức cán bộ, tài chính ngân sách, quản lý sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản và xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành… Đây chính là nguyên nhân của mọi nguyên nhân làm cho nền hành chính của chúng ta trì trệ và kém hiệu quả. Muốn có một nền hành chính trong sạch vững mạnh thì kỷ luật, kỷ cương hành chính phải nghiêm. Nếu như năm 2017 báo cáo của Chính phủ nêu kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm thì Chính phủ phải có biện pháp, giải pháp quyết liệt để cuối năm 2018 khi báo cáo về nội dung này cử tri mong muốn Chính phủ sẽ báo cáo rằng kỷ luật, kỷ cương hành chính đã nghiêm. Tôi đề nghị trong nghị quyết của Quốc hội cần nhấn mạnh và giao nhiệm vụ này cho Chính phủ tổ chức thực hiện và tăng cường công tác giám sát của Quốc hội, vì đây là tồn tại, hạn chế kéo dài nhưng chậm khắc phục dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều nỗ lực cố gắng.

 

Thứ ba, vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong thời gian qua, Đảng, Chính phủ đã có nhiều nghị quyết, văn bản chỉ đạo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Trung ương và địa phương đã gương mẫu thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong thực thi công vụ và trong cuộc sống hàng ngày, cử tri rất đồng tình và ủng hộ. Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ thì: “tình hình lãng phí vẫn diễn ra ở nhiều nơi”. Đánh giá một cách thẳng thắn thì nhiều cán bộ trong bộ máy nhà nước chưa thực sự thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Từ việc đi lại, ăn uống, chi tiêu công, quản lý tài sản công, tổ chức lễ hội, khởi công, khánh thành… làm cho người dân rất bức xúc, nhất là trong điều kiện người dân ở nhiều vùng bị hạn hán, lũ lụt, còn thiếu thốn đủ bề.

 

Chống tham nhũng phải gắn liền với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tôi đề nghị Chính phủ cần có chủ trương cụ thể, giải pháp cụ thể, chế tài cụ thể, để chấn chỉnh, xử lý nghiêm hành vi vi phạm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để thực hành tiết kiệm chống lãng phí luôn là ý thức, là nhân cách, lối sống của đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị của chúng ta.

 

MINH HỘI (ghi)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek