Thứ Hai, 06/01/2025 05:22 SA
Chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng cho Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV
Thứ Năm, 15/09/2016 16:35 CH

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu ý kiến - Ảnh: TTXVN

Tiếp tục chương trình làm việc của phiên họp thứ ba, sáng 15/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XIV và dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp. 

 

Dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật 

 

Đầu phiên làm việc sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV.

 

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết dự kiến chương trình chi tiết Kỳ họp thứ hai được bố trí như thông lệ; đồng thời tiếp tục phát huy những cải tiến đã được áp dụng hiệu quả tại các kỳ họp trước như ghép việc trình bày các tờ trình, báo cáo, thông qua luật, nghị quyết cùng với thảo luận tại hội trường, bố trí thảo luận cùng buổi hoặc gần nhau đối với những nội dung có liên quan với nhau.

 

Đối với các dự án luật, sẽ bố trí 2 dự án/buổi thảo luận ở tổ và 1 dự án/buổi thảo luận ở hội trường; riêng đối với dự án quan trọng như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 sẽ bố trí thảo luận ở tổ 3/4 ngày, thảo luận ở hội trường 1 ngày và dự án Luật về hội sẽ bố trí thảo luận ở hội trường 1 ngày.

 

Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại Kỳ họp thứ hai là khoảng 24 ngày (không kể các ngày nghỉ). 

 

Quốc hội họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 20/10/2016, bế mạc vào ngày 22/11/2016. Tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 4 dự án luật: Luật Về hội; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 và dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp. Đồng thời Quốc hội sẽ cho ý kiến về 14 dự án luật.

 

Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017 (trong đó có đề cập đến các giải pháp thực hiện 5 năm theo Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2020). 

 

Quyết định kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020 (trong đó có đánh giá toàn diện các mặt công tác huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2011-2015). 

 

Quốc hội giám sát tối cao “Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”; xem xét các Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 113/2015/QH13 về tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn...

 

Cần chuẩn bị báo cáo riêng về khắc phục hậu quả sự cố môi trường liên quan đến Formosa

 

Liên quan tới Báo cáo khắc phục hậu quả do sự cố môi trường liên quan đến Formosa, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 2 (tháng 8/2016), nội dung này đã được bổ sung vào dự kiến chương trình kỳ họp. 

 

Đây là vấn đề đang được dư luận xã hội, cử tri và đại biểu Quốc hội quan tâm, nên kết hợp thảo luận cùng các nội dung về kinh tế - xã hội, nếu có vấn đề cần thiết sẽ đưa vào Nghị quyết về kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2017; đồng thời đề nghị Chính phủ chuẩn bị báo cáo riêng hoặc thể hiện một phần trong báo cáo chung của Chính phủ về kinh tế - xã hội để trình Quốc hội. Đây là nội dung được nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và đề nghị phải có báo cáo riêng về nội dung này. 

 

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến không tán thành nếu vấn đề này chỉ được thể hiện một phần trong báo cáo chung của Chính phủ về kinh tế - xã hội để trình Quốc hội. Đây là nội dung dư luận xã hội rất quan tâm, tập trung vào việc khắc phục hậu quả về môi trường và khẳng định cần thiết phải có báo cáo riêng. 

 

Tán thành với đề xuất phải có báo cáo riêng về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đề nghị, để đảm bảo chất lượng của báo cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần nêu rõ các nội dung báo cáo cần thể hiện. Đại biểu nêu quan điểm, trên cơ sở báo cáo chung của Chính phủ về kinh tế - xã hội, báo cáo về khắc phục hậu quả do sự cố môi trường liên quan đến Formosa sẽ là báo cáo chuyên sâu. 

 

Chủ trì thảo luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng tán thành cần thiết có báo cáo riêng về vấn đề này và sẽ được Quốc hội thảo luận cùng với nội dung về kinh tế - xã hội. Nội dung báo cáo phải thực chất, đầy đủ thông tin mà đại biểu Quốc hội cần phải biết, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

 

Liên quan đến báo cáo về tình hình biển Đông sau khi có phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế, Tổng Thư ký Quốc hội nêu: Thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh đề nghị bố trí thời gian để Quốc hội nghe và thảo luận về Báo cáo này. 

 

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng cần đổi tên gọi của báo cáo thành: Báo cáo về tình hình biển Đông, phản ứng của các nước và chủ trương giải pháp của Việt Nam sau khi có phán quyết. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị báo cáo không chỉ đề cập tới vấn đề biển Đông mà cần báo cáo chung về tình hình đối ngoại trong đó có vấn đề biển Đông...

Kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá về cơ bản, Tổng thư ký Quốc hội đã có sự chuẩn bị chu đáo, cẩn trọng, đổi mới, đảm bảo bao quát hết các nội dung Kỳ họp thứ hai của Quốc hội. 

 

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tất cả các nội dung trình ra Quốc hội cần phải được chuẩn bị chu đáo, đúng quy định của pháp luật và Hiến pháp; đảm bảo tiến độ, nhưng không vì tiến độ mà bỏ qua chất lượng; xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan hữu quan và kiên quyết chỉ trình Quốc hội những nội dung đáp ứng đủ yêu cầu...

 

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ chỉnh lý và gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc về dự kiến chương trình kỳ họp cùng Công văn triệu tập kỳ họp trước ngày 20/9/2016 để kịp phục vụ tiếp xúc cử tri; sau đó sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần cuối tại phiên họp thứ 4 (tháng 10/2016).

 

Khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

 

Thời gian còn lại của phiên làm việc sáng 15/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.

 

Tờ trình của Chính phủ về dự án Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp nêu rõ, để thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế, cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với các đối tượng còn lại đang phải nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp.

 

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 55/2010/QH12 đã góp phần hỗ trợ nông dân có thêm vốn tái đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, giảm bớt khó khăn, cải thiện đời sống. 

 

Tổng diện tích đất nông nghiệp được miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp theo Nghị quyết số 55/2010/QH12 là khoảng 6.936.324 ha, chiếm 68% tổng diện tích đất chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp; tổng diện tích đất nông nghiệp còn phải nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp là khoảng 98.918 ha, chiếm 0,97% tổng diện tích đất chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp (trong đó hộ gia đình, cá nhân là 67.333 ha; đơn vị vũ trang nhân dân là 1.901 ha; tổ chức là 29.684 ha). 

 

Tổng số đối tượng được miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp theo Nghị quyết số 55/2010/QH12 là 12.573.747 người nộp thuế. Tổng số đối tượng còn phải nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp là 77.354 người nộp thuế. Tổng số thuế sử dụng đất nông nghiệp được miễn, giảm theo Nghị quyết số 55/2010/QH12 là 6.993 tỉ đồng. Tổng số thu thuế sử dụng đất nông nghiệp còn lại là 61,1 tỉ đồng (trong đó: hộ gia đình, cá nhân là 34,3 tỉ đồng; đơn vị vũ trang nhân dân là 1,9 tỉ đồng; tổ chức khác là 24,9 tỉ đồng).

 

Nội dung đề xuất bổ sung miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, gồm: Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức đất nông nghiệp: phải nộp 50% số thuế ghi thu đối với diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức giao đất nông nghiệp và phải nộp 100% số thuế ghi thu đối với diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp. 

 

Tổ chức (trừ đơn vị vũ trang nhân dân) sử dụng đất nông nghiệp: phải nộp 50% số thuế ghi thu hàng năm trong trường hợp trực tiếp sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao để sản xuất nông nghiệp; phải nộp 100% số thuế sử dụng đất nông nghiệp trong trường hợp không trực tiếp sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao để sản xuất nông nghiệp. 

 

Đơn vị vũ trang nhân dân được Nhà nước giao quản lý, sử dụng đất nông nghiệp: phải nộp 50% số thuế ghi thu hàng năm đối với diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao. 

 

Để khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích phát triển kinh tế trang trại; góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, đẩy nhanh ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ trong sản xuất đạt năng suất, chất lượng cao; đảm bảo công bằng giữa các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sử dụng đất nông nghiệp, Chính phủ cũng đã có đề nghị cụ thể để bổ sung miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết ngày 31/12/2020.

 

Chính phủ đánh giá với việc bổ sung miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp như trên, mức tác động giảm thu ngân sách nhà nước là không lớn, nhưng đây lại là giải pháp để góp phần khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong sản xuất nông nghiệp, từ đó giúp nông dân cải thiện đời sống, có thêm vốn tái đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp; đồng thời góp phần thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo định hướng của Đảng và Nhà nước, nhất là trong việc thúc đẩy sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiệu quả, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh của các mặt hàng nông sản Việt Nam trên thị trường. 

 

Qua thảo luận, các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với đề nghị của Chính phủ về sự cần thiết bổ sung đối tượng miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp nhằm thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về chính sách nông nghiệp, nông thôn, nông dân; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng hiện đại hóa; giảm bớt khó khăn cho người nông dân, giảm chi phí quản lý hành chính, khuyến khích đầu tư, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển; thời điểm tiến hành từ ngày 1/1/2017 đến ngày 31/12/2020. 

 

Một số ý kiến đề nghị các đối tượng miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp không chỉ là nông dân, mà những người đã sử dụng đất nông nghiệp đều thuộc đối tượng này. 

 

Nhiều ý kiến đề xuất cần thêm chế tài xử lý đối với các trường hợp vi phạm Luật Đất đai và bỏ đất hoang hóa, nếu xẩy ra tình trạng này có thể sẽ thu thuế 100% chứ không được miễn. 

 

Một số ý kiến cũng đề nghị cần đánh giá sâu thêm kết quả đạt được, những mặt còn tồn tại, hạn chế, bất cập qua việc thực hiện Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.

 

Kết luận phần thảo luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị căn cứ các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ hoàn thiện hồ sơ và dự thảo nghị quyết, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tiến hành thẩm tra. Nội dung này sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ hai sắp tới.

 

Theo chương trình, chiều 15/9 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi).

 

Theo TTXVN/Vietnam+

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek