Thứ Sáu, 10/01/2025 15:38 CH
Đề xuất phân loại hội và đối tượng áp dụng đối với luật về hội
Thứ Sáu, 09/09/2016 17:58 CH

Ðại biểu Quốc hội TP Hà Nội Đỗ Đức Hồng Hà phát biểu tại hội nghị - Ảnh: TTXVN

Tiếp theo chương trình làm việc tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, sáng 9/9, các đại biểu tiếp tục cho ý kiến vào dự thảo luật về hội. Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận là quy định về hội có đăng ký và không có đăng ký.

 

Băn khoăn phân loại hội

 

Có ý kiến đồng tình với quan điểm của cơ quan soạn thảo dự án luật là Bộ Nội vụ và Ủy ban Pháp luật, cho rằng nên quy định theo hướng hội không đăng ký và hội có đăng ký. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, tất cả các hội đều phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước, dù ở bất cứ hình thức nào và nên quy định trong luật là hội có và không có tư cách pháp nhân.

 

Đại biểu Phan Thanh Bình (Quảng Nam) cho rằng tất cả các hội đều phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước. Những hội có số lượng hội viên lớn, tác động xã hội rộng, ảnh hưởng đến nhiều vấn đề, có thể đăng ký với các cơ quan trung ương. Các hội phạm vi tác động nhỏ có thể đăng ký với chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện, thậm chí là cấp xã. Hình thức nào cũng cần phải đăng ký. Tất cả các hội đều phải đăng ký, cách thức, hình thức quy định điều kiện thủ tục đăng ký thế nào tùy từng hội.

 

Cũng theo đại biểu Phan Thanh Bình, việc quy định hội có đăng ký và hội không đăng ký là không ổn. Quy định vậy sẽ dẫn đến cách hiểu hội có đăng ký là có tư cách pháp nhân và không đăng ký là không có tư cách pháp nhân. Hai điều này hoàn toàn khác nhau.

 

Theo đại biểu, nên quy định trong luật là hội có tư cách pháp nhân và không có tư cách pháp nhân, trong đó quy định với hội có tư cách pháp nhân phải đăng ký thế nào và hội không có tư cách pháp nhân phải đăng ký thế nào. Đây cũng là quan điểm của đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp).

 

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) nhận định các hội đều phải đăng ký sẽ thuận cho công tác quản lý nhà nước nhưng có thực tế là rất nhiều hội khó đăng ký, không biết đăng ký ở đâu và quản lý thế nào. Phải chăng nên phân định thêm một tiêu chí nữa là hội chính thức và hội không chính thức. 

 

Chuyên gia Nguyễn Ngọc Lâm cho rằng lập hội là quyền của người dân. Lập ra những tổ chức này, họ là những đối tác tốt của nhà nước, phục vụ cho xã hội. Ở các nước gọi là hội khai báo và hội không khai báo, có khi những hội này đóng góp tới 10% GDP. 

 

Theo đại biểu, lẽ ra phải khuyến khích họ đăng ký để hoạt động chứ không phải gây khó về thủ tục, 2-3 tháng mới xong. Các quỹ là nơi tiếp nhận, cung cấp các dịch vụ công cho xã hội nên phải khuyến khích, động viên, chuyên gia Nguyễn Ngọc Lâm nói.

 

Tán thành với quy định của dự thảo luật về phân loại hội gồm hội không đăng ký và hội có đăng ký, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng hội nào cần đăng ký phải nói rõ, tránh trường hợp đi vào thực hiện lại lúng túng. Cần sử dụng phương pháp loại trừ, liệt kê những loại hội phải đăng ký để vừa đảm bảo quyền lập hội, vừa đảm bảo sự quản lý nhà nước. Phân loại hội cần phải đăng ký có thể dựa vào tiêu chí phạm vi hoạt động. Với hội có phạm vi hoạt động cấp tỉnh, liên tỉnh và có yếu tố nước ngoài hoặc những hội hoạt động có tính chất chính trị xã hội phải đăng ký, còn lại không phải đăng ký. 

 

Đối với hội không đăng ký, có thể bổ sung quy định thông báo với chính quyền sở tại để chính quyền nếu cần có thể theo dõi. Như vậy, vừa thỏa mãn quyền lập hội, vừa đảm bảo quản lý nhà nước.

 

Nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng có nhiều cách phân loại hội, có thể theo tên, theo hình thức, theo pháp nhân hay không pháp nhân, đăng ký hay không.

 

Luật tiếp cận theo hướng có đăng ký hay không có đăng ký bởi tiếp cận theo hướng quyền lập hội là quyền tự do của cá nhân, quyền của công dân. Quyền lập hội được xác định là quyền sáng lập hội, là quyền của một người, một số người họp nhau lại. Đăng ký thành lập hội cũng là quyền vì đăng ký thành lập hội là quyền của một nhóm người, nhóm sáng lập viên, họ có quyền đăng ký hay không đăng ký. Nhiều hội không đăng ký nhưng vẫn hoạt động rất tốt, có rất nhiều hội và thực tế cuộc sống không thể bắt họ đăng ký được. 

 

Vì vậy, luật tiếp cận dưới giác độ đăng ký thành lập hội là quyền có thể đăng ký hay không. Khi họ không đăng ký vẫn hoạt động hợp pháp. Dù đăng ký hay không, Nhà nước vẫn thừa nhận, vẫn bảo vệ, yêu cầu họ hoạt động theo pháp luật. Những hội không đăng ký, không thể có tư cách pháp nhân. Hội muốn đăng ký phải đủ điều kiện pháp nhân để đăng ký.

 

Quy định mang tính nguyên tắc

 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết luật quy định đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc lập hội, tổ chức, hoạt động hội và quản lý nhà nước về hội. Luật của các nước cũng như các văn bản hiện hành của Việt Nam đều quy định như vậy. Quy định này đã làm phát sinh các luồng ý kiến về việc nên hay không nên điều chỉnh đối với đối tượng là tổ chức, cá nhân nước ngoài và tổ chức phi chính phủ trong nước.

 

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) nhận định đây là dự luật quan trọng, nhạy cảm, mang tính chính trị sâu sắc. Dự thảo đã khẳng định nỗ lực lớn của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm định. 

 

Nêu quan điểm với dự luật không cầu toàn nhưng cũng rất cần chất lượng để đảm bảo luật đi vào cuộc sống, đại biểu đề xuất đưa ra khỏi dự thảo đối tượng là các quỹ, người nước ngoài đang cư trú, làm việc tại Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. 

 

Theo đại biểu, nên để luật đi vào đời sống xem có gì bất cập, phát huy đến đâu, vài năm sau có thể quay lại xây dựng pháp lệnh liên quan đến chủ thể này. Vấn đề bức thiết hiện nay là công dân Việt Nam phải được lập hội ở Việt Nam. Nếu cho quá nhiều chủ thể nước ngoài tham gia thành lập hội, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những vấn đề rủi ro chưa lường trước được, vì các hội này không cẩn thận sẽ biến tướng, chuyển hóa lệch lạc.

 

Một số ý kiến nhận định việc quy định một chương về quỹ trong dự thảo luật là khiên cưỡng, nên đưa ra khỏi dự thảo luật quy định này. Tuy nhiên, theo chuyên gia Nguyễn Ngọc Lâm, phạm vi điều chỉnh của luật phải nêu rõ, gồm hội, quỹ và tổ chức phi chính phủ nước ngoài, làm rõ hội của người nước ngoài tại Việt Nam, đã đến lúc không từ chối được.


Chuyên gia này nhìn nhận dự thảo luật đã tương đối đáp ứng yêu cầu đường lối của Đảng, trong tình hình mới cần thành lập nhiều hội hơn nữa theo hướng ích nước, lợi nhà, tương thân tương ái. Dự thảo cũng đã một phần tiếp cận quy định chung của quốc tế.

 

Bảo vệ quan điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài được quyền tham gia hội do tổ chức, cá nhân Việt Nam thành lập và được thành lập hội theo quy định Chính phủ, ông Nguyễn Khắc Định nêu rõ dứt khoát phải cho bởi đây là nhu cầu thực sự của họ, cũng là tuân theo Công ước 66, quan hệ có đi có lại và phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.

 

Thực tế, Chính phủ đã có Nghị định 08/2008/NĐ-CP về việc thành lập hội doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam trên cơ sở tự nguyện, phi chính phủ, phi chính trị và phi lợi nhuận. Hiện nay, việc thực hiện Nghị định chưa được đánh giá, nên cho ngay vào Luật sẽ khó, vì vậy luật chỉ quy định một điều như vậy làm cái “mũ” để sau chính phủ ra Nghị định. "Vấn đề này rất nhạy cảm nhưng không thể không cho", ông Định nhấn mạnh.

 

Cũng theo ông Định, việc đưa loại hình quỹ vào áp dụng trong luật về hội bản chất là luật hóa Nghị định 30/NĐ-CP về tổ chức hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện. Nghị định này đã được kiểm nghiệm trong nhiều năm, đưa vào để quản lý, nếu không Nghị định 30/NĐ-CP sẽ trở thành nghị định không đầu, khó quản lý.

 

Quỹ là một hình thức giống như hội về thành lập, tổ chức quản lý, mục đích hoạt động, cũng là phi chính phủ, phi lợi nhuận, được tổ chức quản lý, có nhiều người tham gia tự nguyện góp vốn, góp sức để hoạt động vì cộng đồng, nhưng khác hội là không có hội viên. Bản chất của quỹ là phi lợi nhuận, không tìm kiếm lợi nhuận để chia nhau.

 

Ông Nguyễn Khắc Định cho hay các hình thức phi chính phủ trong nước khác, luật chưa quy định bởi có rất nhiều hình thức và trên thực tế đã có văn bản cho phép ở những mức độ khác nhau nhưng chưa được kiểm nghiệm, tổng kết, đánh giá, chưa chín muồi để có thể đưa vào luật. Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài bản chất là tổ chức phi lợi nhuận, thành lập ở nước ngoài, vào Việt Nam hoạt động theo chương trình, dự án thời gian ngắn, đưa vào luật về hội rất khó. Hiện nay đã có Nghị định 12/2012 quy định điều chỉnh về vấn đề này. Luật phải quy định một số nguyên tắc vấn đề chung rồi mới ra Chính phủ hướng dẫn.

 

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng luật không thể quy định chi tiết, cụ thể về tổ chức phi chính phủ nước ngoài nhưng phải quy định những vấn đề lớn có tính nguyên tắc, làm cơ sở cho việc sau này Chính phủ quy định. Sở dĩ Chính phủ quy định là bởi đây là những vấn đề phức tạp, có yếu tố liên quan đến an ninh, trật tự, có những vấn đề có thể thay đổi trong thời gian tới, điều chỉnh bằng văn bản của Chính phủ sẽ kịp thời, linh hoạt hơn.

 

Theo TTXVN, Vietnam+

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek