Sau 2 ngày làm việc, phiên họp thứ 2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc vào chiều 16/8.
Trước khi bế mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, đánh giá kết quả kỳ họp thứ nhất và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV. Nhìn chung, các ý kiến đều cho rằng, cử tri đánh giá cao thành công của kỳ họp thứ nhất, nhất là công tác nhân sự cấp cao của Nhà nước có sự chuẩn bị kỹ và đạt sự đồng thuận cao. Ngoài ra, dù là kỳ họp đầu tiên của khóa mới, với 2/3 ĐBQH lần đầu tham gia Quốc hội nhưng các ý kiến thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, chương trình giám sát và xây dựng luật, pháp lệnh đều rất sôi nổi, chất lượng, báo hiệu một nhiệm kỳ với các vấn đề sẽ được thẳng thắn đặt ra trên nghị trường.
Trước đó, sáng cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tờ trình của Chính phủ đề xuất sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012-2015 của dự án Hồ Tả Trạch cho hợp phần bồi thường, di dân tái định cư và cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016.
Tờtrình của Chính phủ đã báo cáo rõ về tình hình giao và giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài 5 tháng đầu năm 2016; nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợnước ngoài năm 2016 của các bộ, ngành Trung ương và địa phương. Chính phủ đề xuất: Kết quả giải ngân vốn nước ngoài 5 tháng đầu năm có sự chênh lệch rất lớn giữa các bộ, ngành Trung ương và địa phương. Một số bộ, ngành Trung ương và địa phương đã giải ngân cơ bản hết kế hoạch, nhưng cũng còn nhiều bộ, ngành Trung ương và địa phương giải ngân rất thấp, thậm chí chưa giải ngân. Việc giải ngân vốn chậm có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do có sự khác biệt trong công tác đấu thầu giữa các thủ tục trong nước và nhà tài trợ, giải phóng mặt bằng còn chậm, năng lực ban quản lý một số dự án còn hạn chế, vốn đối ứng không đáp ứng đủ nhu cầu, không được giải ngân vốn nước ngoài theo tiến độ thực hiện, công tác xây dựng kế hoạch vốn nước ngoài chưa được các bộ, ngành Trung ương và địa phương thực sự quan tâm... Từ các lý do nêu trên, yêu cầu việc điều hòa kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 giữa các dựán, giữa các bộ, ngành Trung ương và địa phương làrất cần thiết. Tuy nhiên, việc điều hòa này phải có sự phối hợp, rà soát kỹ lưỡng giữa các bộ, ngành Trung ương và địa phương và thực hiện liên tục trong năm kế hoạch. Để góp phần đẩy nhanh tiến độ, thực hiện đúng cam kết với nhà tài trợ, sớm đưa các dự án hoàn thành vào sử dụng, phát huy hiệu quả, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Thủ tướng Chính phủ chủ động bổ sung số vốn kế hoạch nước ngoài năm 2016 Quốc hội chưa phân bổ chi tiết (1.300 tỉ đồng) cho các dự án của các bộ, ngành Trung ương và địa phương chưa được giao kế hoạch hoặc đã giải ngân hết kế hoạch năm 2016. Điều hòa kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 giữa các bộ, ngành Trung ương, địa phương trong tổng mức 50.000 tỉ đồng đã được Quốc hội phê duyệt…
Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng tờ trình của Chính phủ chưa có đầy đủ căn cứ để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét nên đề nghị cần có sự điều chỉnh lại; các vấn đề liên quan sẽ được xem xét tại phiên họp sau.
BTV (tổng hợp)