Ngày 23/7, Hội thảo Những vấn đề pháp lý liên quan đến phán quyết của Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, do Trường đại học Luật TP Hồ Chí Minh và Hội Luật gia Việt Nam đồng tổ chức, đã diễn ra tại TP Hồ Chí Minh.
Phát biểu đề dẫn, giáo sư, tiến sĩ Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường đại học Luật TP Hồ Chí Minh, nhấn mạnh với mong muốn giải quyết các tranh chấp trên tinh thần thượng tôn pháp luật quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, các quốc gia trong khu vực đã nỗ lực sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp, nhưng phương thức giải quyết tranh chấp trên biển Đông bằng các biện pháp chính trị - ngoại giao vẫn chưa mang lại kết quả như mong đợi.
Điều này cho thấy việc sử dụng các biện pháp tài phán vẫn là một sự lựa chọn cần thiết, đúng đắn và văn minh. Chính vì vậy, nghiên cứu các thủ tục giải quyết tranh chấp bằng tài phán theo quy định của UNCLOS 1982, trong đó có thủ tục Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII là hết sức cần thiết đối với Việt Nam và các quốc gia khác trong bối cảnh quốc tế hiện nay.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày các tham luận, trao đổi thảo luận nhằm làm rõ cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS 1982, đặc biệt là các quy định về giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp tài phán; đánh giá vai trò của các thủ tục giải quyết tranh chấp bằng tài phán theo quy định của UNCLOS 1982; phân tích, đánh giá các vấn đề pháp lý cơ bản liên quan đến Trọng tài Luật Biển được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS 1982 như cách thức thành lập Trọng tài, thẩm quyền của Trọng tài, giá trị pháp lý của phán quyết Trọng tài.
Đồng thời các học giả cũng phân tích, bình luận sâu về thẩm quyền của Trọng tài và giá trị pháp lý của phán quyết Trọng tài ngày 12/7 trong vụ Philippines kiện Trung Quốc; luận bàn về các ảnh hưởng và tác động của vụ kiện Philippines - Trung Quốc đối với các quốc gia trong khu vực và thế giới về các mặt chính trị, pháp lý, tự do hàng hải, tự do hàng không, quan hệ quốc tế.
Giáo sư Donald Rodthwell, Trưởng khoa Luật, Đại học Quốc gia Úc, chia sẻ trong số các biện pháp tài phán được quy định tại UNCLOS 1982 thì Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII rất phù hợp với trường hợp của Việt Nam. Bởi đây là cơ quan thường trực, có quy chế ổn định với nhiều thẩm phán có uy tín và được quốc tế công nhận. Việt Nam cũng cần theo dõi diễn biến vụ kiện giữa Philipplines và Trung Quốc để xem hai quốc gia này sẽ tiếp tục giải quyết các vấn đề tranh chấp ra sao, để cân nhắc lựa chọn các biện pháp phù hợp.
Tham luận gửi tới hội thảo, tiến sĩ Trần Thăng Long (Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh) cho rằng phán quyết của Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS 1982 đã đem đến nhhiều gợi mở pháp lý và kinh nghiệm quý cho Việt Nam trong việc sử dụng các cơ chế tư pháp, luận cứ pháp lý trong tương lai, đồng thời làm cơ sở cho việc thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán tại các thực thể và vùng biển ở biển Đông.
Đồng quan điểm trên, tiến sĩ Ngô Hữu Phước (Phó Trưởng khoa Luật Quốc tế, Đại học Luật TP Hồ Chí Minh) cho rằng giải pháp khởi kiện theo thủ tục Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS 1982 đối với các tranh chấp liên quan đến giải thích và áp dụng UNCLOS chỉ nên được sử dụng sau khi Việt Nam đã vận dụng hết các biện pháp chính trị ngoại giao nhưng không mang lại kết quả.
Theo giáo sư, tiến sĩ Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Úc, còn quá sớm để đưa ra một đánh giá xác đáng liệu Tòa trọng tài xét xử vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc có phải hình mẫu tốt cho các quốc gia khác noi theo.
Tuy nhiên, ông Carl Thayer cho rằng phán quyết gợi ra một số tuyên bố tổng quan xúc tích từ các quốc gia trong khu vực kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế.
Trước đó, ngày 12/7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ: “Việt Nam hoan nghênh việc Tòa trọng tài đã đưa ra phán quyết cuối cùng ngày 12/7. Việt Nam sẽ có tuyên bố về nội dung phán quyết. Việt Nam một lần nữa khẳng định lập trường nhất quán của mình về vụ kiện này như đã được thể hiện đầy đủ trong Tuyên bố ngày 5/12/2014 của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Tòa trọng tài.
Trên tinh thần đó, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.
Nhân dịp này, Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, cũng như tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan đến các cấu trúc địa lý thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.
Theo TTXVN, Vietnam+