Thứ Ba, 21/01/2025 20:58 CH
Hợp tác và đấu tranh để giải quyết bất đồng, ngăn ngừa xung đột
Chủ Nhật, 05/06/2016 16:27 CH

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trả lời phỏng vấn - Ảnh: Vietnam+

Ngày 5/6, ngay sau khi kết thúc phiên họp toàn thể thứ tư với chủ đề "Thách thức trong giải quyết xung đột", và có bài phát biểu quan trọng, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, người dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam tham dự Đối thoại Shangri-La lần thứ 15 diễn ra tại Singapore đã có cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN, bày tỏ quan điểm và lập trường của Việt Nam trong việc giải quyết những thách thức liên quan đến tình hình an ninh trong khu vực.

 

* Như thường lệ, Đối thoại Shangri-La lần này đề cập đến nhiều vấn đề an ninh khác nhau nổi lên ở khu vực... Vậy xin thứ trưởng cho biết đâu là những trọng tâm được các đại biểu thảo luận trong các phiên đối thoại? 

 

- Trong quá trình chuẩn bị, Đối thoại Shangri-La năm nay có đưa ra rất nhiều các thách thức an ninh của khu vực, bên cạnh dó cũng đưa ra nhiều sáng kiến hợp tác. Về thách thức an ninh như là khủng bố, các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng, an ninh hàng hải, an ninh hàng không và các thách thức khác. Về nội dung hơp tác thì nhiều nước đề cập đến cấu trúc hợp tác an ninh để đảm bảo hòa bình, ổn định. 

 

Tuy nhiên, trong thực tế tại Đối thoại Shangri-La năm nay chỉ nổi lên hai vấn đề lớn. Một là vấn đề biển Đông, vốn đang rất "nóng" và đằng sau nó là thực chất là mối quan hệ cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. Vấn đề thứ hai là các giải pháp và mong muốn của mỗi quốc gia tìm cách hóa giải xung đột, bất đồng cũng như tình hình phức tạp đang diễn ra trên biển Đông. Nó thể hiện sự khó khăn của cộng đồng quốc tế cũng các nước trong khu vực để giải quyết vấn đề này.

 

* Với vai trò là một thành viên tích cực của Đối thoại Shangri-La, Việt Nam đã thể hiện và chia sẻ những quan điểm gì về các vấn đề này, đặc biệt là về những thách thức để giải quyết các xung đột hiện nay? 

 

- Trước hết, tôi muốn đề cập tới ý nghĩa của việc Việt Nam tham gia Đối thoại Shangri-La. Đó là khi tham gia những diễn đàn như thế này, chúng ta có cơ hội để lắng nghe, nghiên cứu và nắm bắt chiến lược của các quốc gia trong khu vực. Từ đó có thể đưa ra những đánh giá, định hình chiến lược quốc phòng của Việt Nam; trong đó chiến lược quốc phòng của chúng ta luôn luôn là chiến lược quốc phòng tự vệ và vì hòa bình.

 

Bên cạnh đó, diễn đàn này cũng là cơ hội để chúng ta bày tỏ chính sách quốc phòng theo đường lối của Đảng và Nhà nước trong thời gian hiện nay. Năm nay, những vấn đề mà Việt Nam đưa ra cũng xoanh quanh các thách thức về an ninh của khu vực với một thông điệp rõ ràng, đó là trong việc giải quyết thách thức thì cần phải hợp tác kết hợp cùng với đấu tranh. Nếu chỉ hợp tác mà không có đấu tranh, chúng ta sẽ không đạt được sự bình đẳng trên cơ sở luật pháp quốc tế. Nhưng nếu chỉ có đấu tranh mà không hợp tác, thì sẽ dẫn đến đối đầu và xung đột. 

 

Tôi muốn nhấn mạnh rằng thông điệp của Việt Nam đưa ra là rất mạnh mẽ: Bên cạnh hợp tác thì phải có đấu tranh và bên cạnh đấu tranh thì luôn luôn phải coi trọng và tăng cường hợp tác.

 

* Liên quan đến những diễn biến mới nhất trên biển Đông, xin thứ trưởng cho biết quan điểm của Việt Nam tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 15 cũng như việc vấn đề này đã được đề cập như thế nào trong khuôn khổ diễn đàn?

 

- Quan điểm của Việt Nam không có gì mới xung quanh vấn đề biển Đông. Đó là, chúng ta phải giải quyết vấn đề biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. 

 

Trong bối cảnh phức tạp như hiện nay, trước hết chúng ta thực hiện chính sách đó bằng việc khẳng định chủ quyền. Chủ quyền của chúng ta ở đây chính là ở các đảo Trường Sa, Hoàng Sa và chủ quyền trên thềm lục địa. Chúng ta phản đối tất cả các tuyên bố khác với tuyên bố chủ quyền của Việt Nam vì tuyên bố của chúng ta mang đầy đủ tính lịch sử và phù hợp với luật pháp quốc tế. 

 

Thứ hai là chúng ta nhấn mạnh chủ trương phải giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế. Hiện nay, mặc dù các nước đều tuyên bố tuân thủ luật pháp quốc tế, nhưng vì sao lại không thực hiện được một cách đúng đắn? Đó là do cách hiểu, cách diễn giải luật pháp khác nhau. 

 

Có thể là do vô tình, song thường là do cố ý nhằm diễn giải để có lợi cho mình. Mặt khác, khi các quốc gia đã cam kết thì phải thực hiện. Ví dụ như theo bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp thì cho đến nay, có rất ít yếu tố của DOC được thực hiện một cách đầy đủ và COC thì chưa biết đến bao giờ...

 

Về phía Việt Nam, chúng ta luôn luôn mong muốn đàm phán hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế một cách chính xác và trung thực, với một cách hiểu giống nhau. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng bày tỏ về sự can dự của các nước lớn vào khu vực, trong đó có Mỹ cũng như sự vươn lên của Trung Quốc và các quốc gia khác. Việt Nam hoàn toàn đồng tình nếu sự can dự đó dựa trên cơ sở tuân thủ theo đúng luật pháp quốc tế, đem lại sự bình đẳng, thịnh vượng và hòa bình cho khu vực. Việt Nam phản đối bất kỳ nước nào nếu có sự can dự dẫn đến xung đột, chạy đua vũ trang. 

 

Liên quan đến vấn đề biển Đông, Việt Nam luôn thể hiện quan điểm đấu tranh vì lợi ích quốc gia dân tộc mình, vì chủ quyền của Việt Nam trong tranh chấp với Trung Quốc và một số nước ASEAN khác. Thế nhưng, bên cạnh sự đấu tranh đó chúng ta cũng tăng cường hợp tác để từ đó tìm ra được tiếng nói chung, tăng cường xây dựng lòng tin với Trung Quốc và các nước khác để từ đó từng bước giải quyết vấn đề. 

 

Giải pháp này tuy không có gì mới, song được gắn với hoàn cảnh cụ thể của tình hình biển Đông hiện nay rất phức tạp; trong đó một hành động mới xảy ra làm cho dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm là việc bồi đắp các bãi đá không người trở thành đảo hay các căn cứ mà sau có khả năng tiềm tàng biến thành căn cứ quân sự để khống chế khu vực biển Đông. Đây là điều mà Việt Nam cực lực phản đối.

 

* Hòa bình, ổn định của khu vực là mục tiêu cao nhất mà các quốc gia đều hướng tới, vậy theo thứ trưởng, làm thế nào để phát huy vai trò trung tâm của các nước ASEAN đóng góp vào tiến trình này? 

 

- Vai trò của các nước ASEAN tự nó đã rất quan trọng trong việc đóng góp vào tiến trình hòa bình và ổn định của khu vực với tư cách là một cộng đồng. Thế nhưng, tiếng nói của ASEAN có tác dụng để mang lại lợi ích cho khu vực hay không thì lại phụ thuộc trước hết vào sự đoàn kết, thống nhất. Điều này nói thì tưởng chừng như rất dễ, nhưng làm thì khó vì khi đứng trước một vấn đề có thể chỉ của một nước hoặc một vài nước thì có những quốc gia chưa tích cực tham gia, thậm chí là vô trách nhiệm. Rõ ràng, nếu không có sự đoàn kết và thống nhất thì không thể có tiếng nói chung, và khi ấy vai trò của cộng đồng ASEAN không có ý nghĩa. 

 

Mặt khác, ASEAN là một cộng đồng nhưng cũng cần phải nỗ lực can dự vào các vấn đề của mỗi quốc gia trong khu vực cũng như cần hợp tác với các nước ngoài khu vực, đặc biệt là các nước lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... như là trong khuôn khổ ADMM+. Bởi các nước lớn có lợi ích ở khu vực này đồng nghĩa với việc họ có trách nhiệm tuân thủ luật pháp và các quy định nhằm đem lại hòa bình và ổn định cho khu vực.

 

Cũng cần phải nhắc lại rằng, gần đây có những dấu hiệu cho thấy sự thống nhất trong ASEAN chưa cao. Đây thực sự là một điều đáng lo. Nếu không củng cố sự thống nhất trong nội bộ ASEAN thì không chỉ gây thiệt cho một hoặc hai nước mà sẽ gây thiệt hại nặng nề cũng như làm mất đi vai trò trung tâm, vai trò dẫn dắt của ASEAN. Đó là điều rất đáng tiếc.

 

* Xin trân trọng cảm ơn thứ trưởng!

 

Theo Vietnam+

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek