Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam đã ghi rõ, Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu Chính phủ, đồng thời quy định rõ những nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng, mà trước hết là lãnh đạo công tác của Chính phủ, lãnh đạo việc xây dựng chính sách và tổ chức thi hành pháp luật, lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm tính thống nhất và thông suốt của nền hành chính quốc gia…
Tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng hoa Thủ tướng tiền nhiệm Nguyễn Tấn Dũng - Ảnh: SGGP |
Hiến pháp cũng quy định Chính phủ làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số, nhưng với nhiệm vụ, quyền hạn hiến định như trên, vai trò của Thủ tướng Chính phủ là hết sức quan trọng, đòi hỏi trách nhiệm rất cao. Đây cũng chính là lý do mà Hiến pháp quy định rằng sau khi được bầu, Thủ tướng Chính phủ phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhậm chức trong bối cảnh đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới, bên cạnh thuận lợi rất cơ bản còn có những khó khăn, thách thức rất lớn. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đưa ra những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ, phù hợp để tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, đưa đất nước sang giai đoạn phát triển mới. Trong những ngày tới, Quốc hội cũng sẽ thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 với những nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, toàn diện.
Việc thực thi những quyết sách, kế hoạch đó trong thời gian tới là nhiệm vụ rất nặng nề, đòi hỏi quyết tâm và bản lĩnh rất cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, mà trực tiếp là Chính phủ - cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, cơ quan chấp hành của Quốc hội - và cá nhân Thủ tướng Chính phủ.
Trong phát biểu đầu tiên trước Quốc hội, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế trên cương vị mới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định việc ông được Quốc hội tin tưởng bầu giữ cương vị người đứng đầu Chính phủ là vinh dự to lớn và cũng là trách nhiệm nặng nề mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Ông đã đề cập hàng loạt vấn đề như đẩy mạnh đổi mới và hội nhập, cải cách hành chính, phát huy dân chủ, tăng cường kỷ luật kỷ cương, phòng chống tham nhũng, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Đây là những vấn đề lớn, luôn được các đại biểu Quốc hội, các tầng lớp nhân dân hết sức quan tâm và sẽ là những trọng tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian tới.
Bao trùm lên tất cả, để hoàn thành nhiệm vụ được giao, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đất nước và kỳ vọng của nhân dân trong giai đoạn mới, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ phải luôn hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, nghiêm túc lắng nghe nhân dân, lấy lợi ích của nhân dân, của đất nước là mục tiêu cao nhất trong mọi chính sách, mọi việc làm. Tinh thần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cần phải được mọi cơ quan hành chính, mọi cán bộ, công chức quán triệt, thực thi nghiêm túc.
Trong những ngày tới, Chính phủ sẽ có thêm nhiều thành viên mới khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm và bổ nhiệm một số Phó Thủ tướng Chính phủ, một số bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ.
Các đại biểu Quốc hội và nhân dân kỳ vọng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nỗ lực, chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị và đồng bào cả nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ lãnh đạo Chính phủ với nhiều thành viên mới phát huy những thành tựu và kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế yếu kém, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, năng động sáng tạo, hành động quyết liệt, tạo động lực mạnh mẽ để đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.
Theo Chinhphu.vn