Chủ Nhật, 19/01/2025 02:42 SA
Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3
Thứ Bảy, 26/03/2016 17:57 CH

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2016 - Ảnh: VGP

Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ngày 26/3, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3/2016.

 

Theo chương trình, tại phiên họp, Chính phủ nghe và thảo luận Báo cáo tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I/2016; Báo cáo tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2015-2016; tình hình thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử; Báo cáo tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ và ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh trong quý I/2016, nhiệm vụ quý II/2016; dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;…

 

Báo cáo tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I/2016 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trình bày tại phiên họp cho biết trong 3 tháng đầu năm kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức thấp, tạo điều kiện để thực hiện cải cách về sản phẩm, dịch vụ công theo cơ chế thị trường. Tăng trưởng khu vực dịch vụ cao hơn cùng kỳ; xuất siêu bằng 2% tổng kim ngạch xuất khẩu.

 

Tổng mức đầu tư toàn xã hội và thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt khá cao. Hoạt động phát triển doanh nghiệp tiếp tục có những chuyển biến tốt.  Các chính sách bảo đảm an sinh xã hội được quan tâm thực hiện, đời sống của người dân, đặc biệt là người có công, hộ nghèo, vùng bị thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn… được quan tâm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường. Tuy nhiên, tình hình quý I cũng cho thấy nền kinh tế nước ta đang gặp những khó khăn thách thức, trong đó có vấn đề tốc độ tăng trưởng GDP và tốc độ tăng khu vực công nghiệp chậm lại. Tốc độ tăng xuất khẩu thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất và đời sống nhân dân ở các vùng thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn còn nhiều khó khăn.

 

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, tháng 3 và 3 tháng đầu năm nhìn tổng thể tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến theo hướng tích cực trên các lĩnh vực song đất nước ta cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, phức tạp mới.

 

Kịp thời đề ra các chính sách ứng phó hiệu quả với khó khăn

 

Trong bối cảnh đó, tinh thần chung là phải tiếp tục phát huy, khai thác tối đa những tiềm năng, lợi thế, mặt thuận lợi, những kết quả đạt được; đồng thời ra sức khắc phục những hạn chế, yếu kém, khó khăn, thách thức để thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã được đề ra ngay trong năm đầu thực hiện Kế hoạch 5 năm 2016-2020.

 

“Mỗi thành viên Chính phủ phải theo sát tình hình, đề cao trách nhiệm; kịp thời phản ứng, đề ra các chính sách ứng phó hiệu quả nhất. Ví dụ trước tình hình hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, chúng ta phải kịp thời nắm chắc tình hình, thông báo tình hình cho nhân dân; giải quyết những vấn đề bức xúc trước mắt như không để cho dân đói, dân khát, đồng thời phải có kế hoạch chuyển đổi sản xuất như thế nào cho phù hợp. Những tình thế đặt ra như vậy buộc chúng ta phải nắm sát, nắm chắc tình hình để có những ứng phó sát, hiệu quả”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.

 

Đề cập tới các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, sắp tới sẽ có sự chuyển giao giữa 2 nhiệm kỳ Chính phủ, một số thành viên Chính phủ sẽ ở lại tiếp tục công tác, có thành viên Chính phủ được phân công giữ các trọng trách khác, có thành viên Chính phủ nghỉ theo chế độ, có thành viên Chính phủ mới.

 

Thủ tướng nhấn mạnh đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng; việc bàn giao, chuyển giao cần đặc biệt quan tâm sớm ổn định tổ chức để tiếp tục quyết liệt hành động, đoàn kết, chung sức, nhất trí, bám sát nghị quyết của Đảng, nhiệm vụ đã được đề ra để quyết liệt hành động, bảo đảm các hoạt động của Chính phủ - cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất, thực hiện chức năng hành pháp của đất nước được liên tục.

 

Về nhiệm vụ thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu cần tiếp tục tập trung cao độ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh trên cả 3 lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ; trong đó trước mắt hết sức quan tâm tháo gỡ khó khăn cho nông nghiệp, triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng như ứng phó với tình trạng khô hạn tại các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên nhằm giảm thiểu thiệt hại, kịp thời khắc phục hậu quả, sớm ổn định sản xuất và đời sống nhân dân; đồng thời xác định nhiệm vụ chiến lược, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp trong bối cảnh khí hậu ngày càng cực đoan và nước ta được dự báo là một trong số ít nước trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

 

“Trước mắt tôi hết sức lưu ý cần phải đặc biệt quan tâm, không để thiếu nước sạch, thiếu đói đối với hàng triệu người dân ở vùng hạn hán, vùng bị xâm nhập mặn; đi liền với đó là đẩy nhanh tiến độ các công trình thủy lợi, công trình phục vụ chống xâm nhập mặn, nghiên cứu các giải pháp sử dụng nước hiệu quả, hạn chế thất thoát nước; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu cần tiếp tục tăng cường công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhất là thị trường xuất khẩu. Quyết liệt hơn nữa trong công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các thành viên Chính phủ chụp ảnh lưu niệm - Ảnh: VGP

 

Tiếp tục đẩy mạnh việc cải thiện môi trường kinh doanh

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, sắp tới Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020.

 

Dự thảo Nghị quyết này đã được chuẩn bị kỹ lưỡng với các nhiệm vụ cụ thể giao cho từng bộ, ngành; đề nghị các bộ, ngành tiếp tục đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết, nhất là những nội dung liên quan đến công tác cải cách thủ tục hành chính để Nghị quyết sớm được ban hành.

 

“Về cải cách hành chính, chúng ta đã có một bước tiến, đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu đặt ra; người dân, doanh nghiệp vẫn còn than phiền nhiều, nhất là về năng lực, phẩm chất, đạo đức công vụ của cán bộ công chức… cần hết sức lưu ý khắc phục, chỉ đạo xử lý. Đồng thời, từng bộ, ngành phải nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, những gì cải cách được, đơn giản hóa được phải hết sức quan tâm cải cách, đi liền với đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để giảm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo đồng thời yêu cầu cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết 36a của Chính phủ về Chính phủ điện tử.

 

Bảo đảm cân đối ngân sách Nhà nước

 

Một nhiệm vụ lớn tiếp theo được Thủ tướng nhấn mạnh là phải kiểm soát chặt chẽ thu chi, bảo đảm cân đối thu chi ngân sách Nhà nước. Tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế…

 

Thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa tái cơ cấu kinh tế; các đột phá chiến lược; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

 

Tiếp tục quan tâm đầu tư, thúc đẩy sự nghiệp phát triển y tế, văn hóa, giáo dục… Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân. Hết sức quan tâm đến công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là ở những vùng hạn hán, thiên tai. Chủ động phòng chống các loại dịch bệnh nguy hiểm trong đó có dịch bệnh liên quan đến virus Zika.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý các bộ, ngành tiếp tục tập trung thúc đẩy công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm tiến độ, chất lượng, hạn chế tối đa tình trạng nợ đọng các băn bản quy phạm pháp luật.

 

Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát và nâng cao nhận thức của người dân trong phòng chống cháy nổ để hạn chế tối đa các vụ cháy, nổ, đặc biệt là ở các khu dân cư, các khu công nghiệp. Tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông, triển khai các giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông, giảm ùn tắc giao thông.

 

Không ngừng củng cố tiềm lực quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm vững chắc độc lập, chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

 

Cũng tại phiên họp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, ngày 6/4 tới đây, cá nhân ông được Đảng, Nhà nước, Quốc hội cho thôi đảm nhận nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ để nghỉ theo chế độ. Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi lời cảm ơn chân thành tới các thành viên Chính phủ, thủ trưởng các cơ quan trực thuộc Chính phủ đã hết sức ủng hộ để cá nhân Thủ tướng thực hiện được tốt mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó với tư cách là người đứng đầu Chính phủ trong 2 nhiệm kỳ qua.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cảm ơn tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức Văn phòng Chính phủ; các chuyên gia trong Tổ tư vấn của Thủ tướng đã nỗ lực hết mình trong công tác tham mưu, giúp việc, bảo đảm hậu cần cho hoạt động của Thủ tướng trong thời gian qua.

 

Thủ trướng Nguyễn Tấn Dũng chúc các thành viên Chính phủ tiếp tục ở lại công tác trong Chính phủ, các thành viên Chính phủ được giao các trọng trách khác tiếp tục hoàn thành xuất sắc những nhiệm được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Thủ tướng cũng chúc các đồng chí thành viên Chính phủ dịp này được nghỉ theo chế độ luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và tiếp tục có những đóng góp quý báu cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

  

BTV (Theo Chinhphu.vn)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek