Sáng 30/11, tại Hà Nội đã diễn ra Đại hội Hội khoa học lịch sử Việt Nam khóa VII. Tới dự có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, Chủ tịch Ủy ban TW MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân, cùng đại diện các nhà khoa học, nhà sử học trong cả nước.
Phát biểu tại đại hội, Chủ tịch nước khẳng định Đảng và Nhà nước luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của Hội khoa học Lịch sử Việt Nam và đặt kỳ vọng lớn lao vào các nhà sử học nhằm nâng cao nhận thức, phát huy lòng yêu nước, truyền thống lịch sử của dân tộc cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam được thành lập 26/2/1966. Đây là một trong những Hội khoa học được thành lập vào sớm ở nước ta. Gần 50 năm qua, Hội Sử học Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng vào công cuộc đấu tranh giành độc lập cũng như xây dựng và bảo vệ đất nước...
Với tư cách là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, hội đã tập hợp được đông đảo các nhà sử học từ Trung ương tới địa phương, bám sát các nhiệm vụ chính trị của đất nước, tham gia tích cực vào sự nghiệp đổi mới, công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền.
Trong sự nghiệp đổi mới, nhiều cuộc hội thảo, nhiều công trình được xuất bản đã góp phần nâng cao nhận thức về con đường đã qua và củng cố niềm tin vào bước đường đi tới. Đặc biệt, trong thời gian gần đây khi tình hình biển Đông diễn biến phức tạp, chủ quyền quốc gia, lợi ích dân tộc bị xâm phạm, các nhà sử học đã tích cực nghiên cứu, tìm tòi để đưa ra những chứng cứ lịch sử góp phần khẳng định chủ quyền Việt Nam trên biển Đông và với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa…, góp phần tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước và ý thức dân tộc trong mọi tầng lớp xã hội.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhiệt liệt biểu dương những cố gắng và đóng góp của Hội khoa học lịch sử Việt Nam; nhấn mạnh, trải qua hàng ngàn năm dựng và giữ nước, dân tộc ta đã viết nên những trang sử hào hùng. Nhưng cũng trên chặng đường dài hàng chục thế kỷ ấy, chúng ta cũng từng nếm trải biết bao nỗi đắng cay, gian truân. Lịch sử không chỉ là những cái đã qua mà còn là thầy dạy cho chúng ta hiểu hiện tại và giúp dự báo cả tương lai.
"Nghiên cứu lịch sử là con đường đưa chúng ta đến với kho tàng những kinh nghiệm vô giá mà cha ông đã đúc kết bằng mồ hôi và xương máu. Lịch sử là nền tảng vững chắc của truyền thống yêu nước và là điểm tựa cho lòng tin vào sức mạnh của dân tộc. Khoa học Lịch sử còn là cánh cửa mở ra cho dân tộc ta đến với các nền văn hóa, văn minh của nhân loại. Sứ mệnh của khoa học lịch sử vì vậy hết sức nặng nề nhưng cũng vô cùng vẻ vang", Chủ tịch nước nêu rõ.
Bước vào giai đoạn phát triển mới, Chủ tịch nước cho rằng bên cạnh những vận hội lớn, đất nước ta cũng đứng trước những thách thức không nhỏ. Làm sao để chúng ta có căn cứ khoa học cho việc phải biến tất cả những gì mình có, trong đó con người là nhân tố quan trọng nhất, thành lợi thế cạnh tranh quốc tế, Chủ tịch nước đề nghị các nhà sử học phải nâng cao trình độ lý luận và phương pháp luận, phát huy trách nhiệm và nhiệt huyết được hun đúc từ truyền thống hàng nghìn năm lịch sử của dân tộc; đẩy mạnh nghiên cứu và giảng dạy môn lịch sử để xứng đáng là một lĩnh vực khoa học giúp dân tộc tự nhận thức.
Chủ tịch nước đề nghị: Hội khoa học lịch sử Việt Nam động viên đến mức cao nhất lực lượng và công sức của giới sử học vào triển khai và hoàn thành với chất lượng tốt nhất bộ Lịch sử Việt Nam theo tinh thần chỉ thị của Ban Bí thư. Đây sẽ là dấu mốc lớn trong lịch sử phát triển của Khoa học Việt Nam và cống hiến vô giá của các nhà sử học đối với đất nước. Động viên các nhà sử học tham gia tư vấn, phản biện vào sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, trước hết là vai trò, chức năng của môn lịch sử trong giáo dục phổ thông.
Hội khoa học lịch sử phải có trách nhiệm cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của môn lịch sử trong hệ thống giáo dục quốc dân và có những đóng góp thiết thực trong việc nâng cao chất lượng dạy và học môn học lịch sử.
Chủ tịch nước lưu ý, giới sử học cần đẩy mạnh việc nghiên cứu lịch sử thế giới để xây dựng thành những luận cứ khoa học xác đáng cho các chiến lược quốc tế và chủ trương trở thành bạn của tất cả các nước trong thời đại toàn cầu hóa.
Hội khoa học lịch sử cần có kế hoạch tổng thể và có bước đi cụ thể để giới Sử học hội nhập quốc tế với mục tiêu chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp và kỹ năng tiên tiến, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của giới sử học quốc tế đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Theo VOV