Thứ Năm, 14/11/2024 10:14 SA
Đại biểu Quốc hội tán thành ban hành Luật Tiếp cận thông tin
Thứ Sáu, 27/11/2015 17:05 CH

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh Ngô Thị Minh phát biểu ý kiến - Ảnh: TTXVN

Tiếp tục chương trình làm việc sáng 27/11, Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2016 và thảo luận về dự thảo Luật Tiếp cận thông tin.

 

Thông qua dự thảo Nghị quyết về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm và công tác thi hành án năm 2016

 

Với 83% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua dự thảo Nghị quyết về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2016.

 

Nghị quyết nêu rõ Quốc hội ghi nhận các giải pháp mà Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, tòa án nhân dân tối cao đề ra và yêu cầu tập trung thực hiện tốt một số chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể sau đây trong năm 2016 và các năm tiếp theo. 

 

Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, tòa án nhân dân tối cao có kế hoạch, biện pháp tổ chức triển khai, ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn và chuẩn bị tốt các điều kiện để thi hành Luật tổ chức Toà án nhân dân, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự, Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi), Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Tạm giữ, tạm giam.

 

Khẩn trương kiện toàn tổ chức, bộ máy tòa án, viện kiểm sát, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án, cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam các cấp theo quy định của các bộ luật, luật về tổ chức và về tố tụng mới được Quốc hội thông qua; tuyển dụng có chất lượng, đủ số lượng biên chế cán bộ có chức danh tư pháp được giao và phân bổ biên chế hợp lý cho các đơn vị, địa phương; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện đạo đức, phẩm chất cho cán bộ, công chức và hội thẩm.

 

Nghị quyết cũng nêu giải pháp tăng cường kiểm tra, thanh tra nội bộ; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh những cán bộ tiêu cực, vi phạm pháp luật nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức tư pháp trong sạch, vững mạnh; tiếp tục triển khai các giải pháp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, kiểm sát hoạt động tư pháp, bảo đảm đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu của các nghị quyết số 37/2012/QH13, 52/2013/QH13, 63/2013/QH13, 69/2013/QH13, 75/2014/QH13 và 96/2015/QH13 của Quốc hội trong năm 2016 và các năm tiếp theo....

 

Tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Tiếp cận thông tin

 

Qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Tiếp cận thông tin nhằm cụ thể hóa và bảo đảm thực hiện quy định của Hiến pháp về quyền tiếp cận thông tin của công dân, tương thích với Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 mà Việt Nam là thành viên.

 

Việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin có ý nghĩa quan trọng là điều kiện cần thiết để người dân thực hiện quyền làm chủ của mình, qua đó góp phần nâng cao tính minh bạch của chính sách, nâng cao hiệu quả của quản lý nhà nước; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với cán bộ, công chức và hoạt động của cơ quan nhà nước. 

 

Có ý kiến cho rằng để Luật Tiếp cận thông tin có tính khả thi thì cần phải làm rõ, giải quyết một cách thỏa đáng các vấn đề về tiếp cận thông tin và thông tin được tiếp cận; người được quyền tiếp cận thông tin; người có trách nhiệm cung cấp thông tin; điều kiện, phương thức, trình tự, thủ tục thực hiện quyền tiếp cận thông tin...

 

Về phạm vi điều chỉnh, khoản 2 Điều 1 dự thảo luật đã loại trừ không điều chỉnh việc tiếp cận thông tin đã được quy định trong các văn bản pháp luật khác, như thông tin thuộc bí mật nhà nước; bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh; thông tin về sở hữu trí tuệ; thông tin trong quá trình thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử...

 

Theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn), cũng giống như quy định quyền tự do kinh doanh thì công dân có quyền tiếp cận những thông tin mà pháp luật không cấm, không hạn chế. Theo tinh thần Nghị quyết của Đảng, Nhà nước gần đây, quyền tiếp cận thông tin được hiểu theo 3 góc độ với những ý nghĩa là quyền tiếp cận thông tin để bảo vệ và thực hiện quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân, của mọi người, trách nhiệm của công dân của mọi người đối với xã hội và đối với nhà nước. 

 

Đồng thời, quyền tiếp cận thông tin để góp phần thực hành dân chủ, xây dựng nhà nước pháp quyền hay còn gọi là quyền tham gia xây dựng nhà nước; quyền tiếp cận thông tin để tham gia phát triển kinh tế - xã hội và được xem như một phần quyền được phát triển. 

 

Với cách tiếp cận đó, đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho rằng, ngoài việc công dân là người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam thì cần bổ sung thêm đối tượng là người Việt Nam ở nước ngoài. Đặc biệt bổ sung nhóm đối tượng chủ thể là các tổ chức doanh nghiệp bởi đây là nhóm có nhu cầu tiếp cận thông tin công từ phía cơ quan nhà nước để phục vụ quá trình sản xuất, kinh doanh. 

 

Đây là những vấn đề mà luật chuyên ngành chưa quy định hoặc quy định chưa đầy đủ, chưa bao quát hết, dễ tạo nên những khoảng trống trong trách nhiệm chia sẻ thông tin. Đại biểu đề nghị cần quy định tương ứng với các chủ thể về mức độ tiếp cận thông tin theo từng dạng đối tượng. 

 

Đại biểu cũng thống nhất quan điểm với ban soạn thảo là không điều chỉnh việc tiếp cận thông tin trong các lĩnh vực cụ thể mà pháp luật chuyên ngành quy định như thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật đời tư, bí mật kinh doanh.

 

Cho rằng, quy định như dự thảo luật là bảo đảm được quyền tiếp cận thông tin của công dân theo quy định của Hiến pháp, bảo đảm không làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của cá nhân, tổ chức, tuy nhiên, đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) cho rằng, vấn đề bí mật nhà nước hiện vẫn còn nhiều nội dung chưa được cụ thể, thiếu thống nhất về độ mật nên đã hạn chế quyền tiếp cận thông tin của người dân. 

 

Do đó, cần phải làm rõ tính chất mật của tài liệu, tài liệu mật phụ thuộc vào chủ thể ban hành hay phụ thuộc vào nội dung thông tin. Đại biểu đề nghị cần có thêm những quy định cơ bản về những vấn đề này vào dự thảo luật nhằm tránh tình trạng chủ thể ban hành tài liệu lợi dụng quy định về độ mật gây cản trở quyền tiếp cận thông tin của người dân.

 

Về chủ thể cung cấp thông tin, dự thảo luật quy định quyền tiếp cận thông tin của công dân trong phạm vi thông tin của nhà nước và thông tin công quyền. Theo đại biểu Đỗ Ngọc Niễn, quy định như vậy rất hạn hẹp, chưa đáp ứng được yêu cầu quyền tiếp cận thông tin của công dân. 

 

Do đó, đề nghị ban soạn thảo xem lại vấn đề này, quy định như vậy đã hợp lý chưa, quyền tiếp cận thông tin có bị hạn chế không? Bởi có những thông tin do cơ quan, tổ chức nắm giữ có tác động đến quyền con người, quyền và lợi ích cơ bản của công dân, liên quan đến đời sống, sự tồn tại của người dân mà người dân cần phải biết, có quyền được biết. Đại biểu đề nghị cần mở rộng thêm chủ thể cung cấp thông tin trên cơ sở lựa chọn hợp lý.

 

Đối với các hành vi bị nghiêm cấm và các hành vi bị cấm quy định tại Điều 8 của Dự thảo luật, đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung quy định cấm việc công dân lợi dụng quyền tiếp cận thông tin theo luật này để đưa ra những yêu cầu vô lý nhằm gây phiền hà cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhằm mục đích trục lợi cá nhân thậm chí trì hoãn, cản trở việc giải quyết các việc theo thủ tục của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

 

Các đại biểu Quốc hội cũng đã đóng góp ý kiến cụ thể về chủ thể có quyền tiếp cận thông tin; chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin (Điều 6); trách nhiệm xử lý thông tin không chính xác (Điều 7)…

 

Chiều nay, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật dược (sửa đổi) và họp phiên bế mạc kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII.

 

Theo TTXVN/Vietnam+

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek