Ngày 28/8/2015 là tròn 70 năm thành lập ngành ngoại giao Việt Nam. Kể từ ngày 28/8/1945 đến nay, Ngoại giao Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp đấu tranh vì độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc trước kia, cũng như sự nghiệp Đổi mới, hội nhập và bảo vệ an ninh Tổ quốc hiện nay, góp phần to lớn trong việc củng cố và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Nhân dịp này Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trả lời phỏng vấn báo chí. Sau đây là nội dung phỏng vấn:
Kiến tạo hòa bình cho đất nước
* Xin Phó thủ tướng cho biết trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, ngành ngoại giao đã đóng góp như thế nào vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc?
- Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chính phủ cách mạng lâm thời của nước ta được thành lập. Khi đó, trong những văn bản đầu tiên của Chính phủ đã đưa ra bốn trọng tâm kiến thiết đất nước. Trong đó, kiến thiết đầu tiên là kiến thiết ngoại giao, sau đó là kiến thiết kinh tế, kiến thiết quân sự và kiến thiết giáo dục.
Như vậy có thể thấy tầm quan trọng của ngoại giao là một trong những khía cạnh để kiến thiết đất nước, bởi vì ngoại giao sẽ đóng góp vào việc tạo môi trường hòa bình cho đất nước.
Hoạt động ngoại giao đầu tiên cùng với sự lãnh đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đó là Bộ trưởng ngoại giao đầu tiên, là thương lượng ký kết bản Hòa ước ngày 6/3/1946 trong thời điểm hết sức khó khăn của cách mạng Việt Nam, ngàn cân treo sợi tóc. Bởi khi đó, biết rằng Pháp sẽ còn quay trở lại, nên chúng ta cần hòa bình, có thời gian để chuẩn bị lực lượng, chuẩn bị năng lực cho một cuộc chiến đấu lâu dài.
Chính vì vậy, ngoại giao lúc đó đã góp phần vào việc tạo được giai đoạn hòa bình càng lâu càng tốt. Hay nói cách khác là kiến tạo hòa bình cho đất nước, phục vụ mục tiêu đấu tranh giành hòa bình, chủ quyền cho đất nước.
Và tiếp đó, khi cuộc chiến tranh không thể ngăn chặn được, đất nước phải chịu cuộc kháng chiến trong chín năm chống Pháp, ngoại giao cũng đã đàm phán để kết thúc chiến tranh bằng Hiệp định Geneva năm 1954 để lập lại hòa bình ở Việt Nam. Đó là kết quả cuộc đấu tranh của nhân dân ta trên tất cả các lĩnh vực để giành chiến thắng, trong đó có chiến thắng Điện Biên Phủ. Để kết thúc cuộc chiến tranh, có sự đóng góp lớn của công tác ngoại giao, nhằm mang lại hòa bình cho đất nước.
Tiếp đến Hội nghị Paris năm 1973, ngoại giao đã đàm phán chấm dứt cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Như vậy, ngoại giao đã đóng góp vào việc xây dựng, kiến tạo và ổn định nền hòa bình cho đất nước.
Sau 30 năm đổi mới, ngoại giao cũng đóng góp vào việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho đất nước thông qua những đóng góp vào việc xây dựng, phát triển, mở rộng quan hệ với các nước, tạo môi trường bên ngoài thuận lợi cho đất nước xây dựng và phát triển.
Có thể thấy 70 năm qua, ngoại giao đã tìm được những nguồn lực từ bên ngoài đóng góp vào việc xây dựng và phát triển đất nước. Từ thời kỳ khó khăn phải vận động viện trợ, hỗ trợ của bên ngoài cho phát triển đất nước, đến thời kỳ đổi mới tạo ra môi trường thuận lợi để vận động bên ngoài đầu tư, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu của đất nước; và ngày nay ngoại giao vẫn đang góp phần phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Tạo được lòng tin quốc tế
* Với những đóng góp của ngành ngoại giao, Phó thủ tướng có thể cho biết vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế hiện nay?
- Có thể nói sau 70 năm, đến nay vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế đang ngày càng được nâng cao.
Thứ nhất, Việt Nam đã được các nước trong khu vực và trên thế giới đánh giá cao với những thành tựu đạt được trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Không chỉ là những thành tựu trong phát triển kinh tế, mà còn là thành tựu trong việc thực hiện các cam kết quốc tế như hoàn thành các mục tiêu thiên niên kỷ trong điều kiện trình độ phát triển đất nước còn nhiều hạn chế. Chính những thành tựu này đã giúp ngày càng nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam.
Thứ hai, Việt Nam đã và đang có nhiều đóng góp vào công việc chung của thế giới, từng bước hội nhập quốc tế, với những đóng góp cụ thể, tham gia giải quyết các vấn đề không chỉ liên quan đến Việt Nam mà còn có đóng góp vào các vấn đề liên quan đến thế giới.
Việt Nam đã là một thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, có những đóng góp, sáng kiến cụ thể trong việc thực hiện các cam kết quốc tế. Việt Nam là thành viên của ASEAN với những đóng góp cụ thể trong việc xây dựng Hiến chương ASEAN, đến việc thực hiện các cam kết, các mục tiêu trong ASEAN.
Tất cả các việc làm đó đã giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và trong khu vực, tạo được lòng tin quốc tế.
Bài học về độc lập
* Phó thủ tướng có thể chia sẻ những bài học kinh nghiệm quý báu mà ngành ngoại giao đúc rút sau 70 năm xây dựng và phát triển?
- Một trong những bài học lớn mà ngành ngoại giao rút ra được đó là bài học về độc lập, đường lối độc lập để đảm bảo cho Việt Nam giữ vững quan hệ với các nước, thúc đẩy quan hệ với các nước cũng như giải quyết các vấn đề liên quan đến các nước.
Bài học thứ 2 là lấy lợi ích dân tộc là cao nhất, phục vụ cho lợi ích của dân tộc. Lợi ích dân tộc ở đây được thực hiện với ph ương châm như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Cái bất biến ở đây chính là lợi ích dân tộc, còn các hoạt động biến hóa làm sao để đạt được lợi ích cho dân tộc.
Bài học thứ 3 là kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, hay nói cách khác là vận động được quốc tế ủng hộ. Đây là bài học xuyên suốt từ khi thành lập nước cho đến nay. Đó là phải có được sự ủng hộ của quốc tế đối với lập trường của Việt Nam. Sự ủng hộ đó xuất phát từ lòng hòa hiếu, lòng yêu hòa bình của Việt Nam. Chính điều đó là cái có thể tập hợp được dư luận, kể cả các vấn đề hiện nay như đấu tranh bảo vệ chủ quyền và mong muốn ổn định đất nước.
Những bài học mà ngành ngoại giao đã rút ra được, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giúp ngành ngoại giao Việt Nam ngày một trưởng thành hơn, góp phần giữ vững độc lập, tự chủ, bảo vệ vững chắc chủ quyền l ãnh thổ, đưa đất nước ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Ngoại giao phải đi đầu
* Trong thời gian tới, ngành ngoại giao Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, đồng thời cũng có nhiều cơ hội lớn, Phó thủ tướng cho biết định hướng lớn của ngành ngoại giao Việt Nam trong thời gian tới là gì?
- Để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó, ngành ngoại giao sẽ nỗ lực kế thừa, phát huy truyền thống, vận dụng sáng tạo và hiệu quả những bài học kinh nghiệm của 70 năm qua để bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, góp phần đưa đất nước đi lên sánh vai với các cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn.
Việt Nam tiếp tục chủ trương đưa quan hệ đã xây dựng với các nước vào khuôn khổ thực sự hiệu quả, ổn định bền vững và đó là nền tảng của quan hệ giữa Việt Nam với các nước.
Với chủ trương chủ động tích cực hội nhập quốc tế thì ngoại giao phải đi đầu. Với nội hàm Việt Nam không chỉ cùng tham gia mà phải cùng với các nước định hướng, xây dựng “luật chơi”. Bởi vì chỉ có tham gia xây dựng “luật chơi” thì mới đảm bảo được lợi ích và thực sự chủ động, tích cực hội nhập.
Có thể nói, quá trình tham gia vào hội nhập quốc tế có nhiều giai đoạn, tham gia vào một tổ chức quốc tế cũng gọi là tham gia, nhưng tham gia vào việc xây dựng luật của tổ chức đó mới thực sự là chủ động và đảm bảo lợi ích của các bên tham gia. Đến nay, Việt Nam đã chuyển đổi từ thời kỳ tham gia sang thời kỳ xây dựng, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.
* Trân trọng cảm ơn Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh!
Theo TTXVN/Vietnam+