Thứ Ba, 15/10/2024 01:33 SA
Nhân kỷ niệm 105 năm ngày sinh của Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ:
Nêu gương học tập tinh thần yêu nước và nhân cách của Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ
Thứ Sáu, 10/07/2015 08:30 SA

Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Chu Ân Lai tiếp Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ và bà Nguyễn Thị Bình trong đoàn đại biểu miền Nam Việt Nam thăm Trung Quốc (18/11/1973)

LTS: Nhân kỷ niệm 105 năm (10/7/1910 - 10/7/2015) ngày sinh Luật sư, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ, nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình gửi đến Báo Phú Yên bài viết. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc. 

 

Trong cuộc đấu tranh giải phóng lâu dài, gian khổ nhưng tất thắng của nhân dân ta, hầu như giới trí thức của Việt Nam đều đứng về phía nhân dân, tham gia tích cực vào hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, rồi chống đế quốc Mỹ xâm lược. Ở miền Nam, nhân dân ta phải chiến đấu ròng rã 30 năm, sự tham gia và vai trò của trí thức càng nổi bật, nhất là những trí thức lớn có tên tuổi. Trong số các vị đó Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là người tiêu biểu nhất.

 

Sau khi tốt nghiệp luật ở Pháp, đồng chí về nước mở văn phòng luật sư. Có thể nói đồng chí có một vị trí xã hội cao, có một cuộc sống nhiều người mơ ước. Nhưng khi Tổ quốc kêu gọi, đồng chí đã gác lại tất cả, đi vào cuộc kháng chiến nhẹ nhàng, như tự nhiên. Đồng chí Võ Văn Kiệt có lần nói với chúng tôi: “đối với tôi tham gia cách mạng không mất gì cả, mà lại được nhiều cái lợi, còn những người trí thức như ông Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát… họ mới thực sự hy sinh”. Đúng như vậy, đứng về một công dân, nhà trí thức có nghĩa vụ đấu tranh bảo vệ độc lập, tự do cho đất nước, nhưng đứng về xã hội mà nhìn, vì tinh thần yêu nước, sự hy sinh của họ vô cùng lớn lao.

 

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, không chỉ vậy, mà việc tham gia kháng chiến, theo yêu cầu cách mạng, phải đảm nhận những công việc khó khăn và vượt qua bao lần tù tội, càng thấy tinh thần yêu nước của đồng chí mạnh mẽ và kiên định nhường nào và sự hy sinh cũng rất lớn. Hoạt động bí mật nhưng công khai hợp pháp giữa Sài Gòn, đồng chí đã dũng cảm đưa phong trào lên thành cao trào từ đám tang trò Trần Văn Ơn, đến 19/3/1950 cả Sài Gòn xuống đường chống can thiệp Mỹ. Đồng chí tham gia phong trào trí thức, theo sự chỉ đạo của Đảng, đồng chí đứng ra công khai làm “Trưởng phái đoàn các giới”, đấu tranh chống khủng bố, đòi thả các tù chính trị, lên án thực dân Pháp và can thiệp Mỹ... Khi tôi bị mật thám Pháp bắt, chính đồng chí đã cãi ở tòa với những lý lẽ đanh thép để làm giảm nhẹ án tù cho tôi cũng như đối với nhiều đồng chí khác. Nhiều lúc anh em lo cho sự an toàn của Luật sư, đồng chí đều nhẹ nhàng trả lời “hãy lo cho các đồng chí của ta, tôi tự lo được”. Trong quá trình hoạt động, không phải đồng chí không có những băn khoăn, thắc mắc, nhất là với cách đối xử đối với các “nhân sĩ” của chúng ta nhưng đồng chí vẫn luôn để qua một bên và hướng về đại nghĩa. Đồng chí nói “hãy lo những việc lớn của dân tộc”.

 

Chủ tịch Hội đồng cố vấn Nguyễn Hữu Thọ, Phó chủ tịch Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Đóa, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình tiếp đại sứ các nước tại trụ sở của Mặt trận Dân tộc Giải phóng và Chính phủ Cách mạng Lâm thời tại Quảng Trị năm 1973

 

Lo sợ trước những hoạt động và ảnh hưởng của ông, thực dân Pháp đã bắt và đưa ông đi đày ở Sơn La và Sơn Tây. Năm 1954, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, chúng định an trí ở Hải Phòng và để lại miền Bắc. Bác Hồ đã chỉ đạo Luật sư kiên quyết đòi trở về Sài Gòn để đấu tranh hợp pháp và ông đã là người lãnh đạo nổi tiếng trong phong trào hòa bình ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Chính quyền bù nhìn miền Nam lo sợ ảnh hưởng to lớn của ông đã bắt và đưa ông ra quản thúc ở Phú Yên suốt 6 năm ròng rã.

 

Với những gì tôi biết về đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, tôi đánh giá đó là một nhà trí thức yêu nước vĩ đại của Việt Nam, một nhân cách lớn.

 

Để đánh giá đầy đủ hơn về Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, còn phải đánh giá vai trò và sự đóng góp của đồng chí vào cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước ở miền Nam, trong cương vị là Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam.

 

Có thể nói không thể tìm ai xứng đáng hơn để làm Chủ tịch Mặt trận. Chúng ta nhớ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam ra đời cuối năm 1960, trong lúc đó đồng chí Thọ vẫn còn bị quản thúc ở Phú Yên của chúng ta đây. Cuối năm 1961, quân dân Phú Yên đã tổ chức giải thoát Luật sư ra vùng giải phóng và phải hơn 6 tháng sau, khi đã giải thoát được đồng chí, Đại hội lần thứ 2 của Mặt trận mới bầu được Chủ tịch. Uy tín của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam ngày càng cao ở trong nước và ngoài nước, gắn liền với tên tuổi Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Các tầng lớp nhân dân ở miền Nam, đặc biệt là giới trí thức tin tưởng ở đồng chí, ở Mặt trận. Có người biết đồng chí là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam thì lại càng tin tưởng.

 

Khi đất nước được giải phóng, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ được giao những trọng trách lớn: Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam... Ở bất cứ cương vị nào đồng chí cũng làm hết sức mình, với lòng mong muốn đất nước ta phát triển. Đặc biệt với trình độ chuyên môn của đồng chí, đồng chí đặc biệt quan tâm đến vấn đề luật pháp, nhắc mọi người sống, làm việc theo pháp luật và mở rộng dân chủ là để bảo vệ công dân, bảo vệ quyền lợi của người dân lương thiện. Đồng chí cho rằng: Mục đích chính của luật pháp không phải trừng trị, mà để nâng con người lên sống văn minh hiện đại và làm chủ cuộc đời, đồng chí còn nói: Nếu luật pháp dù có trừng trị cũng để bảo vệ người dân lương thiện. Đó là một quan điểm lớn, đúng, hết sức tiến bộ.

 

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã đi xa chúng ta 20 năm. Những năm tháng ông ở Phú Yên “an trí” là một kỷ niệm không phai mờ trong chúng ta và trong lòng người dân Phú Yên. Chính Luật sư đã nói ông coi Phú Yên là quê hương thứ hai của mình. Tinh thần bất khuất và kiên định con đường đã chọn của một tri thức lớn, một chiến sĩ cách mạng kiên trinh thì còn mãi mãi. Ông đã chọn con đường đấu tranh vì độc lập dân tộc và sự phát triển giàu mạnh của đất nước. Một người bạn kể lại với tôi: Khi gặp một người bạn chiến đấu ở Phú Yên năm 1993, ba năm trước khi mất, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã nhắc lại lời một chiến sĩ cách mạng Pháp nói trước khi bị phát-xít hành hình: “Nếu phải đi lần nữa - Tôi vẫn đi đường này”, đó là đường giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước mạnh giàu. Có xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

 

Trong khuôn khổ một bài viết ngắn, tôi không thể nói nhiều hơn, chỉ có kết luận là đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã có sự đóng góp rất to lớn cho đất nước. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam cần phải vinh danh, tri ân đồng chí một cách thật xứng đáng, đồng thời nêu gương học tập tinh thần yêu nước và nhân cách của đồng chí.

 

Nhân kỷ niệm 105 năm sinh nhật của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, là người từng hoạt động với đồng chí, tôi muốn bày tỏ lòng kính trọng và quý mến vô hạn và lòng chân thành biết ơn đồng chí Nguyễn Hữu Thọ mà tôi xem như người anh lớn, và một tấm gương để noi theo.

 

Hà Nội, ngày 2/7/2015

NGUYỄN THỊ BÌNH (*)

 

* Bà Nguyễn Thị Bình - nguyên Phó chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán tại Hội nghị Paris của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek