Năm 2024, tỉnh triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách công tác dân tộc. Đặc biệt, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi đã phát huy được hiệu quả đầu tư. Nhờ vậy, đời sống nhân dân miền núi ngày càng khởi sắc. Báo Phú Yên phỏng vấn ông Trương Văn Phương, Trưởng ban Dân tộc tỉnh về những kết quả đạt được trong năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.
Lễ hội Trống đôi cồng ba chiêng năm trở thành hoạt động văn hóa tinh thần không thể thiếu của người dân thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân. Ảnh: NGÔ XUÂN |
* Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về kết quả hoạt động công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong năm 2024 vừa qua?
- Năm 2024, Phú Yên được phân bổ gần 210,6 tỉ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình 1719). Ngoài ra còn có nguồn kinh phí các năm 2022, 2023 chuyển sang năm 2024 gần 144,7 tỉ đồng và nguồn vốn điều chỉnh kinh phí thực hiện chương trình theo Nghị quyết 111 gần 160,6 tỉ đồng. Đến nay, các đơn vị, địa phương thụ hưởng Chương trình 1719 đã giải ngân vốn năm 2024 được hơn 122,9 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 34,6%.
Bên cạnh Chương trình 1719, Ban Dân tộc tỉnh cũng đẩy mạnh triển khai một số chính sách dân tộc khác như: Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu cho đồng bào DTTS (CRIEM); chính sách BHYT ở vùng đồng bào DTTS và miền núi; chính sách bảo tồn và phát triển văn hóa vùng đồng bào DTTS; các chính sách liên quan đến lĩnh vực y tế, đào tạo nghề, giải quyết việc làm…
Nhờ vậy, đời sống người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi ngày càng khởi sắc; kết cấu hạ tầng được quan tâm. Các thôn, buôn, xã cơ bản đều có đường giao thông nông thôn đi lại thuận tiện. Hệ thống thủy lợi, kênh mương tưới tiêu được đầu tư, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Nhân dân vùng đồng bào DTTS và miền núi luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và ra sức phát triển kinh tế, đóng góp vào các hoạt động của địa phương.
Ông Trương Văn Phương |
* Việc triển khai các chương trình, chính sách dân tộc trong năm 2024 có những khó khăn, vướng mắc gì, thưa ông?
- Năm qua, kinh tế vùng DTTS và miền núi có phát triển, nhưng chưa thật sự bền vững; kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ; việc tiếp thu và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế. Thêm vào đó, tiềm năng vùng đồng bào DTTS và miền núi chưa được khai thác đúng mức, vẫn còn khoảng cách lớn về phát triển giữa vùng miền núi và đồng bằng. Việc huy động nguồn lực đầu tư vào vùng đồng bào DTTS và miền núi còn thấp, chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu đầu tư hạ tầng của người dân các xã đặc biệt khó khăn.
Thêm vào đó, trình độ dân trí của người DTTS còn thấp, tỉ lệ lao động qua đào tạo chưa cao nên khó khăn trong việc giải quyết việc làm. Công tác tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với bà con có mặt còn hạn chế.
Việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình 1719 còn chậm. Công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện một số dự án, tiểu dự án ở địa phương còn lúng túng. Tiến độ giải ngân chậm; tỉ lệ giải ngân thấp, nhất là nguồn vốn sự nghiệp.
* Đâu là nguyên nhân của những tồn tại trên, thưa ông?
- Khách quan mà nói là do xuất phát điểm của vùng đồng bào DTTS và miền núi thấp; trong khi các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, tình trạng nắng nóng, hạn hán thường xảy ra ảnh hưởng lớn đến việc phát triển kinh tế và đời sống của người dân nơi đây.
Về chủ quan, công tác phối hợp của các sở, ban ngành và địa phương trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách dân tộc có lúc thiếu chặt chẽ, đồng bộ. Bộ máy theo dõi công tác dân tộc thiếu ổn định tại cơ sở...
Tại một số địa phương, việc phân bổ vốn năm 2024 còn rất chậm. Nguồn vốn tín dụng chính sách hỗ trợ nhà ở, chuyển đổi nghề theo Nghị định 28 của Chính phủ vẫn chưa được trung ương phân bổ, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện một số chương trình, dự án.
Thêm vào đó, một bộ phận đồng bào các DTTS vẫn còn có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ, chưa mạnh dạn đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư về nông thôn mặc dù đã được sửa đổi nhưng chưa đủ sức hấp dẫn, chưa tạo ra chuyển biến rõ nét trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với các địa phương tổ chức quảng bá, giới thiệu sản phẩm của người đồng bào DTTS và miền núi tại huyện Sơn Hòa. Ảnh: NGÔ XUÂN |
* Năm 2025 là năm cuối thực hiện Chương trình 1719 giai đoạn 2021-2025, Ban Dân tộc tỉnh sẽ triển khai những giải pháp gì để nâng cao hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc?
- Về giải pháp thực hiện, các ngành, địa phương cần ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi; lồng ghép nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia và huy động xã hội hóa để đầu tư công trình hạ tầng thiết yếu cho các xã, thôn buôn đặc biệt khó khăn. Tăng cường vai trò của cấp xã; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân thực sự làm chủ trong thực hiện các công trình, dự án.
Bên cạnh đó, các sở, ban ngành, địa phương cần tranh thủ sự hỗ trợ, hướng dẫn của các bộ, ngành trung ương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai các chương trình, chính sách trong vùng đồng bào DTTS và miền núi; khuyến khích người dân, các tổ chức nhân dân tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình, dự án...
Các địa phương thụ hưởng chương trình cần huy động, lồng ghép mọi nguồn lực; gắn việc tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS. Đồng thời cần gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc; xây dựng nếp sống văn minh, xóa bỏ một số phong tục tập quán lạc hậu, giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Chú trọng công tác giáo dục, đào tạo nghề cho thanh niên; phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào DTTS.
Trong năm mới 2025, các ngành, địa phương cần thường xuyên cập nhật, nghiên cứu các quy định để thực hiện hiệu quả các tiểu dự án, dự án thuộc Chương trình 1719. Đảm bảo chất lượng các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phục vụ đời sống của người dân; hướng dẫn, vận động người dân giữ gìn, sử dụng đúng mục đích các công trình...
* Xin cảm ơn ông!
Nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025 là tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân nguồn vốn Chương trình 1719, nhất là vốn sự nghiệp. Ban Dân tộc tỉnh cũng sẽ tập trung rà soát các đối tượng thụ hưởng; tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình 1719 giai đoạn 2021-2025 và xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong giai đoạn 2026-2030… |
NGÔ XUÂN (thực hiện)