Theo Giám đốc Sở Y tế Phú Yên Nguyễn Thị Mộng Ngọc, Phó trưởng Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, sau 2 tháng nỗ lực chống dịch, trên địa bàn tỉnh đã có một số dấu hiệu khả quan.
Trong 14 ngày vừa qua, 5/9 địa phương không có ca bệnh xuất hiện trong cộng đồng. Tại 4 địa phương còn lại, số trường hợp F0 có xu hướng giảm nhưng chưa ổn định; một số ổ dịch mới xuất hiện chưa rõ nguồn lây. Điều này tiềm ẩn nguy cơ tái phát dịch rất cao nếu chúng ta lơ là, chủ quan.
BSCKII Nguyễn Thị Mộng Ngọc đã trao đổi với Báo Phú Yên về một số vấn đề trong công tác phòng, chống dịch.
* Thưa bà, công tác điều trị các F0 được ngành Y tế triển khai như thế nào?
- Ngay từ đầu, trong kế hoạch phòng chống dịch, mỗi địa phương dành từ 20-30 giường bệnh để điều trị bệnh nhân COVID-19; những trường hợp nặng thì mới chuyển tuyến. Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh và số ca F0 tăng cao, chúng tôi phải thiết lập các cơ sở điều trị chuyên về COVID-19. Tuy nhiên, vì nhân lực của tỉnh có hạn nên chúng tôi thực hiện điều trị theo mô hình tháp 3 tầng như hướng dẫn của Bộ Y tế. Tầng 1 là tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, gồm 70 giường bệnh và có khả năng mở rộng lên 100 giường bệnh; có máy thở, máy lọc máu… để điều trị các bệnh nhân nặng và nguy kịch. Tầng 2 gồm Bệnh viện Dã chiến Đông Hòa và Trung tâm Y tế TP Tuy Hòa, chủ yếu điều trị các bệnh nhân ở mức độ nhẹ và trung bình. Các bệnh viện dã chiến còn lại và khu cách ly điều trị của các trung tâm Y tế điều trị những trường hợp có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng. Theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế, nếu như số ca F0 quá lớn, các cơ sở y tế quá tải thì có khả năng điều trị F0 tại nhà đối với những trường hợp không triệu chứng và hội đủ điều kiện, hoặc tại các trạm y tế. Và chúng ta sẽ thiết lập các trạm y tế lưu động để chăm sóc sức khỏe cho bà con.
Giám đốc Sở Y tế Phú Yên Nguyễn Thị Mộng Ngọc. Ảnh: YÊN LAN |
* Trong một số trường hợp, COVID-19 diễn tiến từ nhẹ sang nặng - nguy kịch rất nhanh. Và cũng như các địa phương khác trong cả nước, Phú Yên rất thiếu bác sĩ chuyên ngành Hồi sức tích cực, rất thiếu điều dưỡng chuyên về hồi sức. Ngành Y tế có những giải pháp nào, thưa bác sĩ?
- Cả nước thiếu nhân lực chuyên về hồi sức cấp cứu. Trong thời gian đầu, Phú Yên được sự chi viện của đoàn công tác đến từ Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Thời điểm này, các đoàn công tác đã rút về để lo chống dịch tại địa phương họ. Ngành Y tế Phú Yên đã chủ động tập huấn thêm cho lực lượng kế thừa. Chúng tôi cũng đã cử các bác sĩ chuyên về Nội khoa đến Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc của Bệnh viện Đa khoa tỉnh để học về sử dụng máy thở, chăm sóc bệnh nhân COVID-19 diễn tiến nặng - nguy kịch, đồng thời cử các ê kíp điều dưỡng từ các khoa phòng khác đến Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc để học, nhằm bổ sung nguồn lực cho khu điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng của Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Chúng tôi cũng sẽ rút một số bác sĩ chuyên về gây mê - hồi sức của một số bệnh viện, tuy nhiên lực lượng này cũng không nhiều. Cho nên chúng ta sẽ cố gắng xoay xở trong khả năng có thể của Bệnh viện Đa khoa tỉnh là chính.
* Bác sĩ có thể cho biết những nét mới trong công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19 trong thời gian tới?
- Hiện nay, chúng ta có các điểm tiêm ở tuyến tỉnh và tại các trung tâm Y tế tuyến huyện. Để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng toàn dân, đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng nhằm tăng độ bao phủ, tiến tới đạt được miễn dịch cộng đồng tại Phú Yên, ngành Y tế sẽ triển khai thêm các điểm tiêm tại các trạm y tế. Chúng tôi sẽ tổ chức tiêm theo hình thức cuốn chiếu ở từng cụm dân cư. Mới đây, tỉnh đã nhận xe chuyên dụng do Bộ Y tế phân bổ để tiêm vắc xin phòng COVID-19 lưu động. Khả năng ngành sẽ triển khai tiêm vắc xin tại các khu công nghiệp hoặc các địa bàn mà việc đi lại khó khăn, nhằm giúp cho bà con không phải di chuyển nhiều mà vẫn được tiêm chủng.
* Hiện nay vẫn có một số người tìm cách “né” việc lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cộng đồng; khi có các triệu chứng sốt, ho, đau họng, khó thở…, họ tự dùng thuốc thay vì liên lạc với cơ sở y tế và khai báo như khuyến cáo. Điều này ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch như thế nào, thưa bác sĩ?
- Qua công tác truy vết, chúng tôi phát hiện một số trường hợp bà con không tham gia lấy mẫu xét nghiệm khi lực lượng chức năng tiến hành sàng lọc cộng đồng. Khi có biểu hiện lâm sàng nghi ngờ mắc COVID-19 như sốt, ho, đau họng, mất khứu giác, vị giác…, một số bà con cũng không khai báo y tế như hướng dẫn của cơ quan y tế mà tự điều trị tại nhà. Có trường hợp bệnh diễn tiến nặng mới vào viện, bệnh nhân phải thở máy. Có trường hợp bệnh rất nặng mới vào viện và đã tử vong. Đây là cái kết rất đau lòng, ngành Y tế không muốn sẽ tiếp tục xảy ra.
Ngành Y tế khuyến cáo bà con phải chấp hành nghiêm tất cả quy định phòng chống dịch, bao gồm việc tham gia lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cộng đồng; đây là một yêu cầu bắt buộc nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch. Thứ hai, khi có triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19 thì phải lập tức báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để làm xét nghiệm. Những sự chậm trễ có thể xem là hành vi cố tình làm lây lan dịch cho cộng đồng, và khi phát hiện thì sẽ bị xử lý theo quy định.
Việc chấp hành nghiêm tất cả quy định phòng chống dịch cũng là cách bảo vệ sức khỏe, tính mạng của chính bà con. Đó là trách nhiệm của bản thân, là nghĩa vụ đối với cộng đồng, xã hội. Rất mong bà con tuân thủ nghiêm túc những quy định này.
* Xin cảm ơn bác sĩ!
Việc chấp hành nghiêm tất cả quy định phòng chống dịch cũng là cách bảo vệ sức khỏe, tính mạng của chính bà con. Đó là trách nhiệm của bản thân, là nghĩa vụ đối với cộng đồng, xã hội. Rất mong bà con tuân thủ nghiêm túc những quy định này.
Giám đốc Sở Y tế Phú Yên Nguyễn Thị Mộng Ngọc, Phó trưởng Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh |
YÊN LAN (thực hiện)