Chỉ 6 ngày nữa là hết thời gian gia hạn giãn cách xã hội toàn tỉnh theo Chỉ thị 16 (ngày 15/8). Mục tiêu bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, sớm dỡ lệnh giãn cách xã hội mà Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đề ra liệu có kịp thực hiện?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Mỹ, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Phòng, chống COVID-19 tỉnh, Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy tiền phương thông tin với Báo Phú Yên, mặc dù nhiều việc phải làm khi tình hình dịch vẫn còn phức tạp, nhưng cả bộ máy vẫn đặt mục tiêu quyết tâm, khoanh vùng dập dịch, sớm thiết lập lại “vùng xanh” trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Đào Mỹ |
* Thưa đồng chí, còn đúng 6 ngày nữa (đến ngày 15/8) là hết thời gian gia hạn giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Tỉnh đang được triển khai giải pháp nào để chống dịch trong giai đoạn hiện nay?
- Trước tình hình diễn biến dịch COVID-19 quá phức tạp, nhiều đầu việc phải làm cùng lúc mới mong có thể sớm kiểm soát được dịch, trong khi thời gian không nhiều, đòi hỏi cả hệ thống chính trị, toàn xã hội, cộng đồng phải hết sức quyết tâm, quyết liệt thực hiện chức trách, nhiệm vụ, công việc của mình.
Phú Yên hiện có 4 địa bàn dịch trọng điểm là: TP Tuy Hòa, huyện Phú Hòa, huyện Tuy An và TX Đông Hòa. Các địa phương còn lại cơ bản kiềm chế, kiểm soát được dịch.
Về chuyên môn, giải pháp chiến lược trong những ngày tới là tập trung mọi nguồn lực để tổ chức xét nghiệm diện rộng, quét trắng từng địa bàn, theo nguyên tắc: ưu tiên những địa bàn có nguy cơ cao trước, ít nguy cơ hơn làm sau. Kiện toàn, bổ sung lực lượng các tổ lấy mẫu ở địa phương; hiện nay máy móc xét nghiệm đã tương đối đảm bảo, cần đẩy nhanh năng suất lấy mẫu. Trong việc sàng lọc chủ động này sẽ tiến hành lấy mẫu gộp, mẫu đại diện, lấy sạch tất cả trường hợp trong cộng đồng tùy theo nguy cơ.
Về biện pháp hành chính, các địa phương cơ cấu lại các chốt kiểm soát trên địa bàn, rút bớt nhân lực bổ sung cho công tác tuần tra, kiểm soát trong các khu phong tỏa, phát hiện xử lý nghiêm trường hợp vi phạm các quy định phòng chống dịch. Càng vào những ngày cuối giai đoạn phong tỏa, giãn cách, càng phải kiểm soát gắt gao, tránh việc đi lại không thực sự cần thiết, dẫn đến tiếp xúc lây lan. Hiện nay chỉ cần lọt một ca thôi thì tất cả công sức trước đó đổ sông đổ biển.
Yêu cầu tổ COVID cộng đồng ở các địa phương phát huy cao hơn nữa vai trò, nhiệm vụ, phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, kịp thời hướng dẫn, nhắc nhở, phản ánh ngay những trường hợp vi phạm…
* Trong hai ngày gần đây, số lượng ca nhiễm phát hiện trong cộng đồng tăng đột biến, nhiều ổ dịch mới khiến người dân rất lo lắng. Điều này được giải thích thế nào, thưa đồng chí?
- Như đã nói trên, toàn tỉnh đang xét nghiệm diện rộng, quét trắng địa bàn nên việc phát hiện thêm nhiều ca trong những cộng đồng nguy cơ cao là kết quả được dự báo. Không bất ngờ, nhưng cũng phải thấy rằng, lâu nay trong các khu vực phong tỏa, biện pháp quản lý hành chính quá lỏng lẻo, không đúng tinh thần của Chỉ thị 16. Điều này khiến công tác truy vết trở nên khó khăn hơn.
Người dân biết lo lắng, biết sợ trước thông tin nhiều ca mắc trong cộng đồng cũng là một tín hiệu tốt trong việc nâng cao nhận thức, từ đó mỗi người trách nhiệm hơn, đồng lòng hơn, thực hiện tốt các quy định về chống dịch, giãn cách.
Những ngày tới, tất cả tổ công tác từ địa phương đến tỉnh xác định phải quyết liệt, chia ca, chia kíp, làm việc thông ca, chạy đua với thời gian. Có như vậy mới kịp tiến độ và mục tiêu đề ra là bóc, tách toàn bộ F0 ra khỏi cộng đồng, cơ bản lập lại “vùng xanh” trên địa bàn toàn tỉnh, phấn đấu không phải gia hạn thêm thời gian giãn cách xã hội.
* Thưa đồng chí, một vấn đề nữa cũng ảnh hưởng đến công tác phòng dịch của địa phương đó là việc quản lý người dân từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam về Phú Yên. Kế hoạch đón người về quê được điều chỉnh thế nào cho phù hợp với tình hình hiện nay?
- Tỉnh đang còn ngổn ngang trong việc phòng, chống dịch tại chỗ, cộng thêm lượng người về từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng dịch phía Nam quá đông khiến công tác quản lý, giám sát thực hiện cách ly và các quy định phòng, chống dịch ở địa bàn càng khó khăn hơn.
Số lượng người đón về theo kế hoạch của tỉnh là không nhiều, được quản lý chặt chẽ, trong khi số người về tự phát rất lớn. Việc quản lý số người tự phát mới là câu chuyện đau đầu hiện nay ở địa phương. Từ ngày 1/8, những người tự ý, lén rời khỏi nơi cư trú về quê là vi phạm Công điện 1063, ngày 31/7 của Thủ tướng Chính phủ, cũng cần có chế tài, nhằm tránh tình trạng người dân về quê tự phát, nguy cơ lây lan dịch bệnh, không thể quản lý.
Chủ trương của tỉnh là vẫn tiếp tục đón bà con về quê tránh dịch, nhưng phải có những điều chỉnh về phương pháp, kế hoạch cho phù hợp với tình hình thực tế.
* Xin cảm ơn đồng chí!
Trong những ngày tới, tất cả tổ công tác từ địa phương đến tỉnh xác định phải quyết liệt, chia ca, chia kíp, làm việc thông ca, chạy đua với thời gian. Có như vậy mới kịp tiến độ và mục tiêu đề ra là bóc, tách toàn bộ F0 ra khỏi cộng đồng, cơ bản lập lại “vùng xanh” trên địa bàn toàn tỉnh, phấn đấu không phải gia hạn thêm thời gian giãn cách xã hội.
TRẦN QUỚI (thực hiện)