Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương gia hạn thời gian giãn cách xã hội quy mô toàn tỉnh theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đến ngày 15/8; việc đón và quản lý người về từ TP Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Nam; công tác cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân khi thực hiện giãn cách kéo dài là những nội dung Báo Phú Yên phỏng vấn đồng chí Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh.
Đồng chí Trần Hữu Thế |
* Đồng chí đánh giá như thế nào về việc thực hiện Chỉ thị 16 trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua?
- Từ 0 giờ ngày 23/7, toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Có thể nói, các cấp, ngành, địa phương và nhân dân đã nỗ lực rất lớn trong việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tuy nhiên kết quả mang lại vẫn chưa đạt được như mong muốn.
Trong các khu dân cư, khu phong tỏa vẫn xuất hiện các ca nhiễm mới. Việc phát sinh các ca nhiễm trong khu vực này chứng tỏ quá trình thực hiện công tác truy vết, xét nghiệm chưa “sạch”, việc quản lý hành chính của địa phương vẫn chưa chặt chẽ, vẫn còn tình trạng “ngoài chặt, trong lỏng”, chưa thực hiện nghiêm “người cách người, nhà cách nhà”, dẫn đến tình trạng lây lan, nhất là các khu dân cư đông đúc, hệ thống giao thông phức tạp.
Hiện nay, thêm nguồn lây nhiễm mới, người về từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam khiến thế trận phòng, chống dịch càng khó khăn hơn.
* Trong thời gian gia hạn thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 15/8, tỉnh chỉ đạo tập trung những biện pháp gì để khắc phục các hạn chế để sớm dập dịch, thưa đồng chí?
- Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, hàng ngày số ca nhiễm mới vẫn cao, trong đó có nhiều ca từ cộng đồng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương gia hạn thời gian thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đến ngày15/8. Trong thời gian này, các địa phương dồn lực, tập trung cho công tác khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm diện rộng, quét sạch từng địa bàn, “xanh” theo từng khu vực dân cư. Theo từng địa bàn, sàng lọc bằng việc lấy mẫu gộp, lấy mẫu đại diện (đối với gia đình, cụm dân cư thuần). Với việc xét nghiệm “quét trắng” địa bàn diện rộng, có thể những ngày tới số ca nhiễm sẽ tăng đột biến, nhưng điều này sẽ tách được các trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng.
Đối với những khu vực nguy cơ cao, địa bàn có nhiều người về từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, sẵn sàng áp dụng các biện pháp giãn cách cao hơn Chỉ thị 16. Cần hiểu đơn giản rằng, nếu không gặp nhau, không tiếp xúc thì không lây nhiễm.
Yêu cầu các địa phương thắt chặt các biện pháp hành chính, xử phạt nghiêm và thông tin rộng rãi như một biện pháp tuyên truyền. Đặc biệt, phải kiểm soát chặt chẽ việc cách ly tại nhà đối với người về từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
Với người dân dùng điện thoại thông minh thì yêu cầu cài đặt ứng dụng Bluezone, khai báo y tế điện tử, mã QR code để cơ quan chức năng quản lý khi cần truy vết F0, xác định nguồn lây, yếu tố dịch tễ… Qua đó giúp cho việc phòng chống dịch tốt hơn.
* Nhân dân đồng thuận cao với chủ trương của tỉnh đón công dân từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam về quê tránh dịch. Tuy nhiên, dư luận cũng bày tỏ lo lắng về lây nhiễm trong quá trình đưa đón, năng lực y tế, việc quản lý cách ly tại nhà… Đồng chí nói gì về điều này?
- Chúng tôi nghĩ việc chủ động đón người dân từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam về có kế hoạch thì kiểm soát phòng, chống dịch tốt hơn là để họ tự phát đi về như những ngày trước đây. Qua 4 đợt đón bà con, công tác tổ chức được rút kinh nghiệm, thực hiện tốt hơn. Ban tổ chức có kế hoạch cụ thể, thống nhất danh sách, đảm bảo công dân xét ngiệm âm tính, có đủ điều kiện được về; đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường, đúng giờ giấc, không dừng nghỉ trong suốt hành trình để đảm bảo công tác phòng, chống dịch đối với các địa phận tỉnh khác trên đường đi.
Về đến Tuy Hòa, người dân được lấy mẫu xét nghiệm khẳng định PCR ngay, trước khi về các khu cách ly đệm ở từng địa phương. Chờ kết quả xét nghiệm PCR, người nghi ngờ ở lại khu cách ly tập trung, âm tính được về cách ly tại nhà, trong điều kiện phải đảm bảo và chấp hành nghiêm các biện pháp phòng chống dịch tại địa phương.
Số người đăng ký về quê hiện nay rất đông, trên 15.000 người, nên phải sàng lọc, ưu tiên những trường hợp có nhu cầu về quê thật sự cấp bách. Người dân về từ vùng dịch phải tuân thủ chấp hành nghiêm quy định về phòng chống dịch. Các tổ phòng chống COVID cộng đồng và người dân phát huy vai trò giám sát chặt chẽ, nếu người cách ly tại nhà vi phạm cần phản ánh ngay với chính quyền, cơ quan chức năng đưa đi cách ly tập trung, để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
* Thời gian giãn cách xã hội khá dài, hiện nay còn gia hạn, công tác đảm bảo đời sống, cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân, nhất là trong các khu phong tỏa như thế nào, thưa đồng chí?
- Công tác này nếu nói đạt 100% thì rất khó, vẫn còn những thiếu sót, hạn chế nhất định, mong người dân hết sức chia sẻ, thông cảm. Nhìn chung, trong thời gian qua, việc cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân được triển khai đồng bộ, đảm bảo cuộc sống cơ bản cho người dân. Các địa phương, ngành Công thương có các hình thức cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm linh hoạt, phù hợp; tăng cường hình thức cung cấp thực phẩm online, thông tin cụ thể các địa chỉ được phép hoạt động để người dân đặt mua. Trong những ngày đầu thực hiện giãn cách, có những trục trặc, bất tiện, nhưng rồi mọi người cũng phải thích ứng trong điều kiện bắt buộc để phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, thời gian qua, các nguồn lực xã hội, cộng đồng đã làm rất tốt trong việc chung tay hỗ trợ cho người dân trong các khu phong tỏa, khu cách ly, các bếp ăn thiện nguyện… Xin ghi nhận, cảm ơn những tấm lòng thiện nguyện và những hành động đẹp của các tổ chức, cá nhân, phát huy tinh thần “tương thân tương ái” trong cơn khó khăn hoạn nạn. Quan điểm xuyên suốt của tỉnh là không để người dân thiếu đói trong phòng, chống dịch.
* Xin cảm ơn đồng chí!
TRẦN QUỚI (thực hiện)