Những ngày qua dịch tiếp tục bùng phát ở nhiều địa phương, số lượng ca F0 tăng, trong đó có một số ca trong cộng đồng. Hiện tại, nguồn nhân lực và trang thiết bị vật tư y tế tương đối đáp ứng công tác phòng chống dịch. Trong những ngày tới, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh yêu cầu tập trung lấy mẫu xét nghiệm “trắng” các khu phong tỏa, khẩn trương khoanh vùng dập dịch; đồng thời tập trung lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ học sinh lớp 12, cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021.
Báo Phú Yên phỏng vấn đồng chí Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống COVID-19 tỉnh xoay quanh nội dung trên.
Đồng chí Trần Hữu Thế |
* Thưa đồng chí, những ngày qua Phú Yên đã tiếp nhận sự hỗ trợ về nhân lực, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch từ các địa phương và đơn vị. Điều này có ý nghĩa thế nào trong cuộc chiến chống dịch trong bối cảnh hiện nay?
- Tỉnh Phú Yên, nhân dân Phú Yên rất xúc động và cảm kích trước tinh thần chia sẻ, chung tay của các địa phương, đơn vị đã ủng hộ về nhân lực, máy móc trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, như: Tỉnh Khánh Hòa, Quân khu 5, Bệnh viện Trung ương Huế, CLB Thầy thuốc trẻ… Điều này hết sức có ý nghĩa trong bối cảnh Phú Yên đang cực kỳ khó khăn và hạn chế về nhân lực và thiết bị máy móc, vật tư y tế.
Trong những ngày đầu dịch bùng phát, công tác lấy mẫu còn yếu, kinh nghiệm chưa có nên đánh giá tình hình chưa đầy đủ. Truy vết và lấy mẫu theo điểm, lấy mẫu theo đối tượng F1, F2, F3. Cách làm này không phù hợp với tình hình thực tế, do đối tượng di chuyển nhiều, các địa điểm phức tạp.
Với sự hỗ trợ này, Phú Yên đã giải quyết được khó khăn, tập trung nâng cao năng lực và hiệu quả việc khoanh vùng, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm cũng như điều trị bệnh nhân. Hơn nữa, nguồn nhân lực được hỗ trợ hầu hết là chuyên gia, có kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch - là cơ hội để lực lượng cán bộ y tế địa phương học hỏi kinh nghiệm, trao đổi công tác chuyên môn trong phòng, chống dịch và điều trị bệnh nhân mắc COVID-19.
* Với sự tăng cường về nhân và vật lực như vậy thì hiện nay năng lực, công suất lấy mẫu xét nghiệm được nâng lên như thế nào, có đáp ứng được yêu cầu phòng, chống dịch không, thưa đồng chí?
- Với sự tăng cường này, năng lực lấy mẫu và xét nghiệm đã tăng lên đáng kể. Các mẫu xét nghiệm khẳng định trong ngày không cần phải chuyển đến Bình Định hay Khánh Hòa để hỗ trợ, mà tất cả đều xét nghiệm tại chỗ. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm và mới tiếp cận vận hành máy móc, thiết bị nên vẫn còn hạn chế nhất định. Với tinh thần khẩn trương khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm tại các khu cách ly, phong tỏa, tỉnh yêu cầu ngành Y tế phải nhanh chóng thích ứng, nâng cao năng lực, làm việc khoa học, ít nhất phải làm được 20.000 mẫu xét nghiệm/ngày. Những ngày tới, phải nâng cao hơn nữa, từ 50.000-60.000 mẫu/ngày để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch hiện nay.
Lực lượng y tế lấy mẫu test nhanh người lao động Siêu thị Co.opmart Tuy Hòa. Ảnh: TRẦN QUỚI |
* Thực tế cho thấy, những ngày qua, giữa ngành Y tế, các lực lượng hỗ trợ và các địa phương chưa có sự phối hợp ăn ý với nhau, chưa phát huy được hiệu quả. Những hạn chế này sẽ phải khắc phục thế nào trong thời gian tới?
- Ban chỉ đạo đã tổ chức họp khẩn trong đêm 2/7 để rút kinh nghiệm ngay. Đúng là trong “hiệp đồng tác chiến” chưa khoa học, bộc lộ những hạn chế nhất định, sự phối hợp chưa ăn ý giữa cơ quan chuyên môn là ngành Y tế và các địa phương. Đã xảy ra tình trạng, các tổ lấy mẫu xét nghiệm đến địa bàn phong tỏa, nhưng không có người dân đến lấy mẫu xét nghiệm, gây lãng phí nguồn nhân lực, bỏ qua thời gian vàng dập dịch và không phát huy được công suất của máy móc, trang thiết bị. Hạn chế này thuộc về các địa phương và công tác phối hợp chưa tốt.
Về biện pháp khắc phục, yêu cầu ngành Y tế và các địa phương cần có kịch bản phối hợp cụ thể. Đối với dân cư các khu vực phong tỏa thì lấy mẫu toàn bộ (mẫu gộp) để xét nghiệm khẳng định bằng máy PCR; rà soát các khu vực phát sinh, nguy cơ cao tổ chức lấy mẫu test nhanh để tầm soát, khoanh vùng. Bố trí các tổ xét nghiệm lấy mẫu kết hợp giữa người địa phương và lực lượng chuyên gia các nơi về hỗ trợ để có dịp học tập kinh nghiệm và giao lưu công việc chuyên môn.
Chính quyền địa phương phải có trách nhiệm tuyên truyền vận động, có biện pháp đưa toàn bộ người dân đến để lấy mẫu tập trung. Khi tổ chuyên môn đến lấy mẫu mà không có người để lãng phí thời gian thì chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.
* Những giải pháp quyết liệt trong những ngày tới là gì, thưa đồng chí?
- Khoanh vùng lấy mẫu xét nghiệm, kết hợp phun khử khuẩn ngay. TP Tuy Hòa phải triển khai quyết liệt tại xã Bình Kiến, xã An Phú và KCN An Phú.
Tương tự, các địa phương khác tiến hành khoanh vùng chặt chẽ, “đánh trắng” lấy mẫu xét nghiệm từng địa bàn, thực hiện xét nghiệm khẳng định máy PCR, xử lý dứt điểm từng khu dân cư, ổ dịch. Từ đó khoanh gọn lại theo lõi dịch, địa bàn nào chưa xong tiếp tục phong tỏa, khu vực nào kiểm soát được thì sẽ mở ra hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường. Tại các khu vực chưa phong tỏa, mới phát sinh, nghi ngờ, ngành Y tế hướng dẫn lấy mẫu test nhanh.
* Người dân, nhất là các em học sinh lớp 12 đặc biệt quan tâm đến kỳ thì tốt nghiệp THPT 2021 sẽ diễn ra vào ngày 7-8/7 trong bối cảnh dịch còn diễn biến phức tạp. Đồng chí cho biết phương án để đảm bảo an toàn cho kỳ thi này thế nào?
- Đến giờ phút này, qua tham vấn chuyên môn và chỉ đạo của trên, Phú Yên quyết định vẫn tiến hành kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 theo lịch trình Bộ GD-ĐT đã ban hành thống nhất toàn quốc đợt 1 là ngày 7-8/7 này. Song song với công tác phòng chống dịch, UBND tỉnh đã chỉ đạo và ngành Giáo dục đã chủ động phối hợp với các ngành, địa phương đơn vị làm công tác chuẩn bị cho kỳ thi.
Trước khi kỳ thi diễn ra, toàn bộ các điểm trường đặt hội đồng thi phải được phun khử khuẩn kỹ. Toàn bộ học sinh dự thi và cán bộ giáo viên tham gia làm nhiệm vụ tại kỳ thi sẽ được lấy mẫu xét nghiệm khẳng định PCR. Công việc này phải hoàn tất trong ngày 4/7, ngày 5/7 có kết quả xét nghiệm. Sau khi có kết quả, học sinh nào không đủ điều kiện an toàn sẽ chờ thi đợt 2. Đây là một nội dung quan trọng, các ngành phải làm tỉ mỉ, cẩn trọng, đảm bảo độ chính xác cao nhất. Nếu sơ sẩy, dẫn đến chuỗi lây nhiễm với lượng người tiếp xúc đông, hậu quả sẽ khó lường.
* Xin cảm ơn đồng chí!
TRẦN QUỚI (thực hiện)