Trong cuộc chiến chống COVID-19, bệnh viện là nơi phát hiện sớm, điều trị các ca bệnh, giúp ngăn chặn, khống chế dịch bệnh song cũng là nơi có nhiều nguy cơ lây nhiễm, phát tán dịch bệnh. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, các bệnh viện càng siết chặt “lá chắn”.
Nơi dễ “tổn thương” trước dịch bệnh
Mới đây, qua xét nghiệm sàng lọc định kỳ, Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh phát hiện một cán bộ y tế dương tính với SARS-CoV-2. Toàn bộ bệnh viện và khu vực bệnh nhân được phong tỏa; công tác điều tra dịch tễ, truy vết được tiến hành khẩn trương. Cơ quan chuyên môn đã lấy 1.500 mẫu để xét nghiệm sàng lọc.
3 ngày trước đó, Phòng khám Đa khoa Hữu Nghị (quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) phải tạm ngưng hoạt động vì một bệnh nhân COVID-19 từng đến đây tập vật lý trị liệu. Người này cho rằng mình bị cảm cúm nên đến khám tại Bệnh viện Đức Khang (phường 9, quận 5).
Sau khi được phân luồng, hướng dẫn đến khu khám sàng lọc và lấy mẫu xét nghiệm nhanh, bệnh nhân có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Điều tra dịch tễ thì được biết trước đó hơn một tuần, khi chưa có các triệu chứng sốt, ho…, bệnh nhân này đã đến Phòng khám Đa khoa Hữu Nghị tập vật lý trị liệu.
Tại TP Hồ Chí Minh, trong hơn 300 địa điểm đang phong tỏa do liên quan đến các ca mắc COVID-19 có Bệnh viện Công an thành phố (quận 5), Bệnh viện Nam Sài Gòn (quận Bình Chánh), Phòng khám Đa khoa thuộc Công ty CP Thiên Khải (quận Gò Vấp), Phòng khám Đa khoa Hữu Nghị (quận Gò Vấp), Bệnh viện quận Tân Phú… Ở khu vực phía bắc, trong đợt dịch thứ tư này, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã ghi nhận 93 ca mắc COVID-19, Bệnh viện K Trung ương ghi nhận 73 ca.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) nói rằng dù có hơn 60% trường hợp mắc COVID-19 không có triệu chứng, được phát hiện qua truy vết, xét nghiệm nhưng sốt vẫn là một dấu hiệu quan trọng. Người bị sốt sẽ đến cơ sở y tế để khám bệnh, hoặc sẽ đến các quầy thuốc để mua thuốc. Đây sẽ là các ca “chỉ điểm”. PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến nghị các cơ sở y tế hết sức cảnh giác với những trường hợp này. Bên cạnh đó, các quầy thuốc cần thực hiện nghiêm việc khai báo y tế, thông báo cho y tế cơ sở khi có người bị sốt đến mua thuốc.
Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, các cơ sở y tế cần chú ý lấy mẫu xét nghiệm định kỳ, đặc biệt là các khoa có nguy cơ cao như khoa khám bệnh, khoa cấp cứu và những khoa có người bệnh điều trị dài ngày như thận nhân tạo, hồi sức tích cực…
Không ngừng nâng cao cảnh giác
Nhằm hướng dẫn các bệnh viện đánh giá thực trạng công tác chuẩn bị, ứng phó với COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp khác, giúp bảo vệ người bệnh, người nhà bệnh nhân và nhân viên y tế phòng ngừa lây nhiễm, Bộ Y tế đã ban hành “Bộ tiêu chí Bệnh viện an toàn phòng chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp”, áp dụng cho các bệnh viện công lập và ngoài công lập.
Trên cơ sở thực hiện việc đánh giá theo bộ tiêu chí này, các bệnh viện sẽ xác định được những vấn đề ưu tiên để bảo đảm hoạt động khám chữa bệnh an toàn trong bối cảnh xảy ra dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp khác.
Phú Yên chưa ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng nhưng trước tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp tại nhiều tỉnh, thành trong nước, các cơ sở y tế siết chặt biện pháp phòng chống dịch theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, thực hiện “Bộ tiêu chí Bệnh viện an toàn phòng chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp”.
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên Phạm Hiếu Vinh cho biết, bệnh viện vừa đảm bảo công tác khám chữa bệnh vừa phòng chống dịch, thực hiện nhiệm vụ được giao: xét nghiệm SARS-CoV-2, tiếp nhận và điều trị các ca bệnh nghi ngờ và các ca dương tính với SARS-CoV-2. Đơn vị sẵn sàng các kịch bản ứng phó với COVID-19, chú trọng công tác sàng lọc, phân luồng bệnh nhân…
Bác sĩ Phạm Hiếu Vinh nói: “Bệnh viện quán triệt tất cả cán bộ, nhân viên y tế đều vào cuộc, tham gia phòng chống dịch. Bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý các khoa đều có thể tăng cường đến khu cách ly y tế điều trị bệnh nhân nghi nhiễm COVID-19 và khu cách ly y tế điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19”.
Bệnh viện Phục hồi chức năng Phú Yên cũng đã thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”; các khoa phòng đều siết chặt biện pháp phòng chống dịch theo bộ tiêu chí bệnh viện an toàn. Bác sĩ Trần Như Tiến, Giám đốc bệnh viện nói: “Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Chúng tôi làm ráo riết hơn, chặt chẽ hơn”.
Tại Bệnh viện Mắt Phú Yên, ngoài việc yêu cầu bệnh nhân đeo khẩu trang, sát khẩu tay trước khi vào khám bệnh, thực hiện giãn cách, không để bệnh nhân tập trung trước một phòng khám, tại các vị trí có bệnh nhân chờ khám bệnh, nhân viên y tế thường xuyên nhắc nhở việc đeo khẩu trang, sát khuẩn tay. Bác sĩ Huỳnh Phúc Nhĩ, Giám đốc bệnh viện, cho biết: “Đơn vị đã rà soát tất cả kịch bản, sẵn sàng ứng phó nếu có ca bệnh nghi ngờ. Anh em cảnh giác cao độ”.
YÊN LAN