Ban chỉ đạo quốc gia Phòng, chống dịch COVID-19 vừa có công điện đến UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc khẩn trương rà soát và tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực, điều trị người bệnh COVID-19 tại các địa phương theo đúng phương châm “4 tại chỗ”.
Theo thông tin từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, kết quả giải trình tự gen của các bệnh nhân COVID-19 trong đợt dịch thứ tư cho thấy hầu hết nhiễm biến chủng Ấn Độ. Chủng này có khả năng phát tán mầm bệnh rất rộng, lây rất nhanh. |
Công điện nêu rõ: Từ ngày 28/4 đến nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 có những diễn biến rất nghiêm trọng, cả nước ghi nhận hơn 2.000 ca bệnh COVID-19 tại 30 tỉnh, thành phố, 9 trường hợp tử vong. Khoảng 10% ca bệnh có diễn biến nặng và rất nặng. Một số địa phương không có sự chuẩn bị tốt về các điều kiện cấp cứu, hồi sức tích cực nên khi có ca bệnh nặng đã xử lý lúng túng và chuyển tuyến trên, gây áp lực và quá tải cho các bệnh viện tuyến cuối.
Ban chỉ đạo quốc gia đề nghị trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương củng cố cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện cấp cứu, đặc biệt là máy thở, hệ thống ô xy trung tâm, khí nén, vật tư tiêu hao, thuốc thiết yếu; tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực tại bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố và các bệnh viện được phân công thu dung, điều trị ca bệnh COVID-19.
Các tỉnh, thành phố chưa phát hiện ca bệnh COVID-19 lập tức cử ngay các kíp điều trị đi đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị tại các bệnh viện tuyến cuối (hoặc đào tạo trực tuyến).
Ban chỉ đạo quốc gia yêu cầu sở y tế và các bệnh viện báo cáo diễn biến ca bệnh hàng ngày và năng lực điều trị, cấp cứu, hồi sức tích cực trên phần mềm trực tuyến cdc.kcb.vn theo hướng dẫn của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế). Các đơn vị chuẩn bị sẵn sàng phương án phân công ít nhất một bệnh viện trong địa bàn làm bệnh viện dã chiến, trong đó có bố trí khu cấp cứu, hồi sức tích cực; chuẩn bị các thiết bị, khí y tế và các điều kiện khác…
Sáng 26/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính triệu tập họp trực tuyến khẩn cấp với 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh cùng các lực lượng chống dịch tại đây, bàn giải pháp quyết liệt hơn nhằm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Bắc Giang đã ghi nhận 1.481 ca mắc COVID-19 liên quan đến 3 ổ dịch tại: xã Phương Sơn (huyện Lục Nam), Khu công nghiệp Vân Trung và Khu công nghiệp Quang Châu. Tổng số F1 từ 3 ổ dịch trên lên đến gần 13.200 người; F2 hơn 61.300 người.
Theo Bộ Y tế, số lượng ca mắc tại Bắc Giang tăng cao là kết quả tăng tốc xét nghiệm trong 3 ngày qua; những người mắc COVID-19 đều lưu trú tại các khu vực cách ly, phong tỏa, chủ yếu ở huyện Việt Yên. Dự báo trong những ngày tới, số lượng ca mắc tại Bắc Giang vẫn tăng nhưng không nhiều vì các đối tượng nguy cơ cao đều được lấy mẫu làm xét nghiệm và đã có kết quả.
Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế đang phối hợp với tỉnh Bắc Giang điều động hơn 400 nhân viên y tế để test nhanh kháng nguyên thay thế xét nghiệm sinh học phân tử nhằm sàng lọc nhanh những người có nguy cơ cao, tiến hành cách ly y tế. Được biết, gần 19.000 công nhân và người dân tại 3 “điểm nóng” ở huyện Việt Yên sẽ được test nhanh. Bệnh viện Chợ Rẫy đã cử đội phản ứng nhanh gồm hơn 10 người đến Bắc Giang, hỗ trợ các đồng nghiệp nơi đây chống dịch.
Tại Bắc Ninh, trong gần một tháng qua, 595 ca mắc COVID-19 đã được ghi nhận ở 8/8 huyện, thị xã, thành phố. Tỉnh này có 150 ca bệnh nghi ngờ đang được cách ly, theo dõi sức khỏe tại các cơ sở y tế; lũy kế F1 trong toàn tỉnh lên đến gần 4.900 người. Bắc Ninh đang triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 3 cho 300 nhân viên y tế làm nhiệm vụ điều tra dịch tễ, xét nghiệm và khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Ninh, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
Tại Phú Yên, đến 17 giờ ngày 26/5, trên địa bàn tỉnh còn 6.802 người đang trong thời gian giám sát y tế, gồm 3 người cách ly tại cơ sở y tế, 200 người cách ly tại cơ sở cách ly tập trung (giảm 3 người so với ngày 25/5), 33 người cách ly tại nhà/nơi lưu trú (giảm 8 người), 6.566 người đang tự theo dõi sức khỏe hàng ngày (giảm 53 người). Cơ quan chuyên môn vừa lấy mẫu làm xét nghiệm 81 trường hợp, kết quả âm tính 36 trường hợp, đang chờ kết quả 45 trường hợp. Tính đến thời điểm này, Phú Yên đã giám sát y tế 87.373 trường hợp, lấy mẫu làm xét nghiệm 7.793 trường hợp.
YÊN LAN