Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 sẽ diễn ra từ ngày 19-26/4, tại 10 điểm tiêm. Báo Phú Yên phỏng vấn Thầy thuốc Ưu tú - BSCKII Nguyễn Thị Mộng Ngọc, Giám đốc Sở Y tế về công tác chuẩn bị và một số vấn đề đáng quan tâm trong chiến dịch tiêm chủng.
Thầy thuốc Ưu tú - BSCKII Nguyễn Thị Mộng Ngọc |
* Cùng với các địa phương trong cả nước, Phú Yên sẽ tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho một số đối tượng. Công tác chuẩn bị cho hoạt động này như thế nào, thưa bà?
- Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại Phú Yên giai đoạn 2021-2022. Theo đó, mục tiêu đến cuối năm 2021 là cố gắng tiêm được 30% dân số; đến cuối năm 2022, cố gắng đạt được 80% dân số. Trước mắt, tiêm cho các nhóm đối tượng ưu tiên theo quy định của Chính phủ tại Nghị quyết 21.
Sở Y tế đã rà soát, lập danh sách các đối tượng ưu tiên theo quy định; tổ chức tập huấn các nội dung liên quan đến công tác tiêm chủng cho nhân viên y tế ở tất cả các điểm tiêm chủng trên địa bàn. Sau khi có quyết định phân bổ vắc xin của Bộ Y tế, Sở Y tế đã xây dựng Kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 1. Các điểm tiêm chủng đang xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện, phát hành giấy mời, chuẩn bị các phương tiện phục vụ buổi tiêm chủng.
Với 5.600 liều vắc xin được Bộ Y tế phân bổ, Sở Y tế sẽ ưu tiên cho lực lượng trực tiếp tham gia phòng chống dịch, cụ thể là nhân viên làm việc tại các cơ sở y tế bao gồm cả hệ điều trị và hệ dự phòng - cần khoảng 3.000 liều để tiêm cho lực lượng này; còn lại sẽ tiêm cho lực lượng tham gia phục vụ tại các khu cách ly tập trung của tỉnh, của các huyện; lực lượng tham gia các tổ COVID cộng đồng, gồm các khu phố trưởng, nhân viên y tế thôn bản, cộng tác viên, tình nguyện viên…; các phóng viên phụ trách công tác y tế hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Theo kế hoạch, ngày 16/4 sẽ bắt đầu tiêm cho những người làm nhiệm vụ tiếp nhận cách ly công dân từ nước ngoài về, sau đó sẽ tổ chức chiến dịch tiêm chủng trong 7 ngày, từ 19-26/4.
* Xin bà cho biết Sở Y tế đã có những “kịch bản” nào để kịp thời xử trí nếu có các trường hợp phản ứng sau tiêm?
- Khi dùng bất cứ loại thuốc nào, kể cả vắc xin, cũng đều có một tỉ lệ nhất định xảy ra các phản ứng phụ không mong muốn, ở các mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng. Để chủ động xử lý các tình huống có thể xảy ra, Sở Y tế đã tổ chức tập huấn lại quy trình tiêm chủng, trong đó nhấn mạnh cách xử lý các phản ứng sau tiêm; bố trí mỗi buổi tiêm không quá 50 người/bàn tiêm; bố trí khu vực cho những người sau tiêm được lưu lại theo dõi ít nhất trong 30 phút. Trong đợt 1, Sở Y tế chỉ bố trí 10 điểm tiêm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản - Nhi và 8 trung tâm Y tế tuyến huyện. Đồng thời, Sở Y tế bố trí tổ cấp cứu lưu động do Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trung tâm Cấp cứu 115 phụ trách thường trực 100% tại các điểm tiêm.
* Với nguồn cung vắc xin còn hạn chế như hiện nay, và Việt Nam chưa chủ động được nguồn vắc xin phòng COVID-19, các biện pháp phòng chống dịch cần được tiếp tục thực hiện như thế nào, thưa bà?
- Vì tỉ lệ tiêm chủng trong giai đoạn đầu còn rất thấp, chưa tạo được miễn dịch cộng đồng nên chúng ta vẫn phải tiếp tục duy trì các biện pháp phòng chống dịch, trong đó chú trọng kiểm soát tốt các trường hợp nhập cảnh, nhất là các trường hợp nhập cảnh trái phép. Hiện nay, dịch đang bùng phát tại Campuchia; tình trạng nhập cảnh trái phép chưa kiểm soát được nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào nước ta và đến tỉnh ta là rất lớn. Bà con nếu phát hiện đối tượng nghi ngờ nhập cảnh trái phép phải báo cáo ngay cho chính quyền địa phương để kịp thời xử lý.
Mọi người dân tiếp tục thực hiện thông điệp 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế: Khẩu trang - Khoảng cách - Khử khuẩn - Không tụ tập - Khai báo y tế.
* Xin cảm ơn bà!
YÊN LAN (thực hiện)