Việt Nam vừa tiếp nhận 811.200 liều vắc xin phòng COVID-19 từ COVAX Facility hỗ trợ. Theo quyết định của Bộ Y tế về việc phân bổ vắc xin phòng COVID-19 đợt 2, Phú Yên được phân bổ 5.600 liều. Đây là lần đầu tiên Phú Yên nhận được vắc xin phòng dịch bệnh nguy hiểm này.
Phú Yên chưa có ca bệnh COVID-19 trong cộng đồng kể từ khi dịch bệnh này bùng phát từ tháng 12/2019 đến nay, nhưng với vị trí địa lý nằm trên trục đường Bắc - Nam, có ga tàu lửa, cảng hàng không… thì nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào địa phương là không nhỏ.
Cùng với cả nước, Phú Yên đã triệt để phòng chống COVID-19, hàng loạt biện pháp được triển khai đồng bộ và chúng ta đã thành công trong việc thực hiện mục tiêu kép: vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan khi nguy cơ bùng phát dịch lần thứ tư là không nhỏ, như nhận định của GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế trong cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia Phòng, chống dịch COVID-19 đầu tháng 4 vừa qua. Trước tình trạng nhập cảnh trái phép qua các đường mòn, lối mở… cùng với sự tiếp tay của những kẻ hám lợi, coi nhẹ tính mạng và sức khỏe của nhân dân thì nguy cơ dịch bệnh bùng phát là hiện hữu.
Trong những tháng hè sắp tới, khi nhu cầu du lịch của người dân tăng cao, cần phải đẩy mạnh các biện pháp phòng COVID-19. Bên cạnh các biện pháp phòng bệnh hiệu quả, thực hiện thông điệp 5K (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế) thì vắc xin là biện pháp phòng bệnh chủ động, hiệu quả bảo vệ rất cao.
Trên thế giới, vắc xin đã được tiêm chủng cho người dân, nhiều nước hy vọng đạt được miễn dịch cộng đồng (khi hơn 75-85% dân số được tiêm chủng). Tuy nhiên, do nhu cầu lớn, khả năng cung ứng vắc xin hạn chế nên việc hơn 75% dân số toàn thế giới được tiêm chủng cần có thời gian dài hơn.
Nếu đạt được miễn dịch cộng đồng thì sẽ không có dịch bùng phát trong cộng đồng, khi đó các biện pháp cách ly, truy vết... là không cần thiết, con người sẽ trở lại các hoạt động bình thường. Khi người dân tiêm chủng đạt được miễn dịch cộng đồng thì không phải triển khai các biện pháp phòng dịch tốn kém khác. Người dân tập trung phát triển kinh tế, kích cầu tiêu dùng được phát huy, việc làm nhiều hơn, tỉ lệ thất nghiệp sẽ giảm xuống, đời sống của người dân được cải thiện.
Theo kế hoạch, Việt Nam đang thương thuyết với các nhà cung cấp vắc xin nước ngoài để trong năm 2021 và 2022 sẽ có được 150 triệu liều vắc xin tiêm cho người dân. Với số lượng 150 triệu liều sẽ có 75 triệu người dân được tiêm đủ 2 liều, khi đó chúng ta sẽ đạt được miễn dịch cộng đồng. Song song với tìm kiếm vắc xin từ nước ngoài, Việt Nam đang đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu và sản xuất vắc xin trong nước. Chắc chắn chúng ta sẽ đủ vắc xin cung cấp cho người dân trong thời gian không xa.
Với 5.600 liều được Bộ Y tế phân bổ trong đợt này, ngành Y tế Phú Yên triển khai tập huấn, chuẩn bị cơ sở, phương tiện, thuốc men, phác đồ xử trí khi có các phản ứng không mong muốn xảy ra… Theo Nghị quyết 21 ngày 26/2/2021 của Chính phủ, ngành Y tế Phú Yên sẽ chọn các đối tượng ưu tiên tiêm chủng trước, như những người ở tuyến đầu chống dịch, lực lượng quân đội, công an (tham gia phòng chống dịch) và những người khác thuộc nhóm đối tượng ưu tiên tiếp theo.
Trước khi có đủ vắc xin tiêm chủng cho toàn dân và đạt được miễn dịch cộng đồng, vì sức khỏe của chính mình, của gia đình và của cộng đồng, người dân tiếp tục tuân thủ khuyến cáo 5K của Bộ Y tế để phòng chống COVID-19.
Trước khi có đủ vắc xin tiêm chủng cho toàn dân và đạt được miễn dịch cộng đồng, vì sức khỏe của chính mình, của gia đình và của cộng đồng, người dân tiếp tục tuân thủ khuyến cáo 5K của Bộ Y tế để phòng chống COVID-19. |
BS NGUYỄN VINH QUANG