Ngày 1/2, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã nghe Tổ Thông tin đáp ứng nhanh phòng, chống dịch COVID-19 báo cáo về công tác truy vết, theo dấu các ca nhiễm trong thời gian qua.
Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy, Tổ trưởng Tổ thông tin đáp ứng nhanh phòng, chống dịch COVID-19 cho biết ngoài 100 tình nguyện viên làm việc trực tiếp tại tổ, còn có hàng nghìn tình nguyện viên hỗ trợ trực tuyến nhằm xác minh ngay lập tức thông tin các trường hợp F1, F2, F3… trên tinh thần "quyết tâm không bỏ sót trường hợp nào".
Do có số lượng lớn người từ ổ dịch ở Hải Dương di chuyển đến các địa phương khác, tiếp xúc với nhiều người nên công tác truy vết, theo dấu ca bệnh gặp nhiều khó khăn.
Đáng chú ý, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết nhiều người mắc COVID-19, đang cách ly tập trung hoặc thuộc diện F1, F2 ở Hải Dương đã chủ động sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, thông báo cho người quen, người tiếp xúc gần, qua đó, giúp công tác truy vết của Tổ Thông tin xác minh thông tin các trường hợp có nguy cơ trong thời gian nhanh nhất. "Nhiều người không lo mình bị nhiễm bệnh mà lo lây nhiễm cho người khác", Thứ trưởng Bùi Thế Duy chia sẻ.
Tuy nhiên, không ít trường hợp mắc COVID-19 hay thuộc diện F1, F2 không chủ động khai báo thông tin, thậm chí, không hợp tác với cơ quan chức năng, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch. Cá biệt có ca mắc, hàng trăm F1 đã không chủ động khai báo.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi người dân ở vùng có dịch, cụ thể là tại TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn, huyện Nam Sách (tỉnh Hải Dương) và thị xã Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) thực hiện tốt các quy định phòng, chống dịch, đồng thời sử dụng tối đa các công cụ truyền thông xã hội để cung cấp thông tin những người đã tiếp xúc cho Tổ Thông tin, Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị mọi người dân chủ động khai báo, cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng khi phát hiện trường hợp nghi mắc COVID-19 để bảo vệ bản thân và sự an bình của đất nước.
Trước đó, tối 31/1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại thành phố Chí Linh (tỉnh Hải Dương) và thị xã Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh). Phó Thủ tướng tin tưởng sẽ khoanh được ổ dịch sau 6 ngày nữa.
* Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản bản yêu cầu các Cục quản lý đường bộ, Sở GTVT các địa phương lên phương án phân luồng, tổ chức giao thông tạm thời trên các Quốc lộ qua địa bàn phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, tại các địa phương có dịch đã bị cách ly, phong tỏa, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các đơn vị chủ động thực hiện công tác tổ chức hướng dẫn, phân luồng từ xa để các phương tiện giao thông lưu thông tránh các khu vực trên; trừ trường hợp được phong tỏa ra, vào theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19.
“Thời gian thực hiện cho đến khi có công bố hết dịch COVID-19 của cấp có thẩm quyền,” bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay.
Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ yêu cầu Cục quản lý đường bộ 1, 2, 3, 4 và các Sở GTVT quản lý Quốc lộ chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tại địa phương triển khai thực hiện.
Trước đó, nhằm tránh lây nhiễm dịch COVID-19 trong cộng đồng, Tổng cục Đường bộ cũng có văn bản đề nghị các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe căn cứ chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền và tình hình thực tế tại địa phương, xem xét dừng tổ chức đào tạo, sát hạch để đảm bảo tránh lây nhiễm trong cộng đồng.
Tổng cục Đường bộ yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách (đặc biệt là loại hình kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định, xe hợp đồng) tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch, khai báo y tế theo quy định.
Cụ thể, các đơn vị chú trọng công tác khử trùng phương tiện, lập danh sách hành khách (kèm theo địa chỉ, số điện thoại của từng người); niêm yết các khuyến cáo của Bộ Y tế, Tổ chức y tế Thế giới (WHO) về các biện pháp phòng tránh dịch trên phương tiện.
Sở GTVT các địa phương được giao nhiệm vụ chỉ đạo đơn vị kinh doanh khai thác bến xe chủ động phối hợp với các cơ sở y tế, trung tâm y tế dự phòng phun thuốc sát trùng trong và ngoài khu vực.
Trường hợp phải tạm dừng khai thác các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, Tổng cục Đường bộ đề nghị sở GTVT có văn bản gửi Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ và các sở GTVT phía đối lưu để phối hợp quản lý.
L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)