Sau gần 90 ngày không ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, Việt Nam đã ghi nhận ca dương tính với COVID-19 là bệnh nhân số 1347 do lây nhiễm từ người cách ly là bệnh nhân 1342 trước đó.
Điều đáng nói là bệnh nhân (BN) 1347 đã đi đến nhiều nơi, có hàng trăm trường hợp tiếp xúc gần. Và sau BN1347, đã có thêm 2 ca lây nhiễm tiếp theo, là F1 của bệnh nhân này.
Phải nói rằng, trong thời gian qua, Việt Nam đã làm tốt công tác phòng chống dịch. Ngay từ khi dịch COVID-19 bùng phát và xâm nhập từ Trung Quốc, Bộ Y tế đã xây dựng và hoàn thiện hướng dẫn về cách ly, trong đó nêu cụ thể người cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú cần phải cách ly ở phòng riêng, ngủ riêng, ăn uống riêng, đeo khẩu trang, chất thải y tế riêng... Tuy nhiên, bên cạnh những cơ quan, đơn vị, địa phương và nhiều người chấp hành nghiêm các quy định về phòng chống dịch COVID-19, cũng có không ít trường hợp chủ quan, lơ là. Trường hợp BN1342 đang trong thời gian cách ly nhưng vẫn tiếp xúc gần với nhiều người, thậm chí ngủ cùng người khác là vi phạm rất nghiêm trọng quy định về cách ly; vi phạm quy tắc phòng dịch. Đây là biểu hiện của tình trạng chủ quan, dẫn tới hệ quả có ca lây nhiễm trong nước và nguy cơ bùng phát dịch trong cộng đồng là rất lớn, vì vậy cần phải có biện pháp răn đe, chế tài xử lý thích đáng.
Theo ngành Y tế, hiện tình hình dịch trên thế giới đang rất phức tạp, số ca mắc trong ngày hiện đang rất cao. Thời tiết của nước ta đang bước vào mùa đông, theo dự báo sẽ rất khốc liệt trong phòng chống dịch COVID-19. Bởi mùa đông lạnh, người dân có xu hướng tập trung ở nhà và ở trong phòng kín; virus SAR-CoV-2 lại có thể sống trong môi trường không khí lạnh lâu hơn nên nguy cơ lây truyền cao hơn. Vì vậy, người dân cần nghiêm túc thực hiện các khuyến cáo phòng dịch của ngành Y tế. Trong thực hiện cách ly, quan trọng nhất là ý thức của mỗi người dân, vì không ai có thể giám sát được 24/24 giờ, trừ trường hợp người cách ly trong doanh trại quân đội. Thậm chí lực lượng y tế phường, xã, tổ dân phố cũng không thể giám sát được người cách ly một cách tuyệt đối. Vì vậy, người cách ly cần phải thực hiện nghiêm túc các quy định về cách ly.
Năng lực chống dịch của Việt Nam rất tốt và thực tế đã chứng minh, nhưng không thể là vô hạn. Như vừa qua, đợt dịch COVID-19 xảy ra ở Đà Nẵng và Bệnh viện Bạch Mai, chúng ta đã tập trung toàn ngành Y tế, huy động toàn lực để khống chế và đã thành công, không để lây lan rộng hơn. Nhưng khác với lần đó, vì không xác định được F0 nên việc ngăn chặn dịch lây lan rất khó khăn. Lần này, F0 và F1 đã được xác định, nếu kết hợp với việc khoanh vùng, dập dịch, và ý thức phòng bệnh của người dân được nâng cao thì có thể khống chế được sự lây lan của dịch bệnh. Và giải pháp tốt nhất là, mỗi người phải cùng chung tay, chung sức, tự nâng cao ý thức phòng chống dịch mới bảo vệ được thành quả phòng dịch của Việt Nam. Trong điều kiện hiện nay, mỗi người cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế để tránh bùng phát dịch. Nếu tái diễn tình trạng lỏng lẻo trong cách ly phòng dịch COVID-19 như trường hợp BN1342 và BN1347 vừa qua thì nguy cơ bùng phát dịch trong cộng đồng rất lớn, hậu quả sẽ khôn lường.
LẠC VIỆT