Thứ Tư, 15/01/2025 19:07 CH
Việt Nam dồn tổng lực nghiên cứu vắcxin ngừa dịch bệnh COVID-19
Thứ Bảy, 07/11/2020 16:45 CH

Xét nghiệm chẩn đoán bệnh truyền nhiễm và COVID-19 - Ảnh: TTXVN/Vietnam+

Bộ Y tế đang xem xét phê duyệt hồ sơ thử nghiệm lâm sàng (thử nghiệm trên người) giai đoạn 1 đối với  vắcxin COVID-19 “made in Viet Nam”.

 

Nếu tháng 11 này vắcxin của Việt Nam được thử nghiệm trên người, đây sẽ là sản phẩm thứ 39 bước vào giai đoạn tiêm thử trên người. Trước đó, Việt Nam đã nghiên cứu và sản xuất thành công nhiều loại vắcxin phòng bệnh quan trọng.

 

Vắcxin COVID-19 đầu tiên của Việt Nam được đưa vào thử nghiệm lâm sàng

 

 Sau nhiều tháng huy động các nhà khoa học, sản xuất và nghiên cứu, tiến trình cho ra đời vắcxin COVID-19 ở Việt Nam đã có những tín hiệu tích cực, khi quá trình thử nghiệm lâm sàng (thử nghiệm trên người) có thể sẽ được diễn ra ngay trong tháng 11/2020.

 

Vắcxin COVID-19 được thử nghiệm lâm sàng lần này là do Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen nghiên cứu, sản xuất. Đây là vắcxin COVID-19 đầu tiên của nước ta được đưa ra thử nghiệm trên người.

 

Kế hoạch của nhà sản xuất là tiêm thử nghiệm trên 60 tình nguyện viên, nhưng theo Bộ Y tế sẽ không cùng lúc tiêm thử nghiệm trên 60 người mà chia nhỏ làm các giai đoạn khác nhau. Giai đoạn 1 dự kiến sẽ tiêm cho 20 người.

 

Với sự chung tay của nhiều nhà khoa học, nhiều nhà sản xuất vắcxin, Việt Nam vẫn đang dồn tổng lực nghiên cứu vắcxin COVID-19.

 

Hiện, Việt Nam có 4 đơn vị nghiên cứu và sản xuất vắcxin COVID-19 gồm Viện vắcxin và Sinh phẩm Y tế (IVAC), Công ty TNHH một thành viên vắcxin và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH), Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắcxin và sinh phẩm y tế (POLYVAC) và Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen.

 

Hiện Viện vắcxin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) cũng đang trong quá trình hoàn thiện đề cương nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vắcxin COVID-19. Dự kiến, IVAC sẽ nộp hồ sơ thử nghiệm lâm sàng vào cuối năm nay.

 

Công ty TNHH một thành viên vắcxin và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) cũng đã bắt đầu thử nghiệm tiền lâm sàng vắcxin COVID-19 trên khỉ. Dự kiến, sau khi tiêm xong, khỉ sẽ được theo dõi khoảng 3 tháng, sau đó tiếp tục lấy mẫu máu gửi về Hà Nội để làm các xét nghiệm. Trước đó, đơn vị này cũng đã thử nghiệm vắcxin COVID-19 trên chuột.

 

Theo thông tin từ Bộ Y tế, Việt Nam đã tham gia liên minh được quyền ưu tiên tiếp cận vắcxin ngừa COVID-19, ngay sau khi vắcxin của các nhà sản xuất cán đích đầu tiên xuất hiện trên thị trường.

 

Khi tham gia Liên minh này, Việt Nam có thể mua được vắcxin với giá ưu đãi. Dù vậy, theo ước tính, chi phí để tiêm ngừa vắcxin cho toàn dân sẽ là rất lớn.

 

Do đó, việc tự chủ được vắcxin là rất cần thiết. Theo Bộ Y tế, mục tiêu đến quý IV/2021 sẽ có vắcxin Việt Nam đã hoàn thành tất cả các khâu thử nghiệm, chuẩn bị cho khâu xuất hiện chính thức phục vụ nhu cầu tiêm chủng.

 

Trên thế giới, hiện có 187 công ty, nhóm đang phát triển vắcxin ngừa COVID-19, trong đó có 38 loại đang ở giai đoạn thử nghiệm trên người, có 9 sản phẩm đang thử nghiệm ở giai đoạn 3, tức là trên nhóm lớn người tình nguyện.

 

Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong sản xuất vắcxin

 

Đến nay, Việt Nam đã sản xuất được 12 loại vắcxin và là một trong 25 quốc gia trên thế giới sản xuất được vắcxin; một trong 4 nước châu Á có thể tự sản xuất vắcxin phối hợp sởi-rubella sau Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ.

 

Ngay từ năm 1962, dù trong điều kiện đất nước khó khăn nhưng Việt Nam đã nghiên cứu sản xuất thành công vắcxin bại liệt - một loại vắcxin quan trọng.

 

Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, những năm 1959-1960 bùng phát dịch bại liệt lớn ở các tỉnh phía Bắc, làm 17.000 người mắc bệnh và 500 người tử vong, mỗi năm hàng nghìn trẻ em bị di chứng bại liệt suốt đời, tỉ lệ mắc lên đến trên 126/100.000 dân. Năm 1961, với vắcxin Liên Xô hỗ trợ, tỉ lệ mắc bại liệt đã giảm xuống 3,09/100.000 dân. Để chủ động phòng, chống, Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch đã yêu cầu sản xuất vắcxin phòng bại liệt.

 

Năm 1962, vắcxin sabin phòng bại liệt do Việt Nam nghiên cứu sản xuất ra đời, nhờ đó tỉ lệ mắc bệnh bại liệt giảm rõ rệt, đặc biệt từ khi Việt Nam thực hiện Tiêm chủng mở rộng vào năm 1985. Đến năm 2000, Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới công nhận đã thanh toán bệnh bại liệt trên toàn quốc.

 

Sau đó ngành sản xuất vắcxin tiếp tục phát triển và cho ra đời các sản phẩm chủ động phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, như: Đậu mùa, tả, thương hàn, ho gà, giải độc tố bạch hầu, lao, vắcxin phòng dại, viêm não Nhật Bản, viêm gan B... Hầu hết các sản phẩm đều đã được đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng.

 

Đặc biệt, năm 2017, lần đầu tiên Việt Nam đã sản xuất được vắcxin 2 trong 1 trên dây chuyền công nghệ hiện đại là vắcxin sởi - rubella. Việt Nam là nước thứ 4 tại châu Á sản xuất được loại vắcxin này.

 

Từ năm 2018, loại vắcxin MR kết hợp sởi - rubella do POLYVAC sản xuất đã được sử dụng trên quy mô toàn quốc cho trẻ từ 18-24 tháng tuổi trong Tiêm chủng mở rộng, thay thế cho loại vắcxin sởi-rubella nhập khẩu.

 

Ngày 25/9/2018, Viện vắcxin và Sinh phẩm y tế phối hợp với các bên liên quan công bố thử nghiệm thành công vắcxin cúm mùa "3 trong 1" gồm cúm A/H1N1/09, A/H3N2, cúm B và vắcxin cúm tiền đại dịch A/H5N1. Đây là loại vắcxin cúm đầu tiên do Việt Nam sản xuất.

 

Trong hơn 30 năm thực hiện Tiêm chủng mở rộng, vắcxin có số lượng sử dụng nhiều và rất có ý nghĩa với y tế công cộng, đó là vắcxin ngừa viêm não Nhật Bản. Đến nay đã có trên 70 triệu liều vắcxin này được xuất xưởng. Việt Nam cũng đã xuất khẩu trên 5,3 triệu liều vắcxin viêm não Nhật Bản đi Ấn Độ.

 

Thực tế ở nước ta, có trên 90% trẻ em dưới 1 tuổi đã được sử dụng vắcxin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng hàng năm. Kết quả là những năm qua, một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đã giảm rõ rệt, từ hàng chục đến hàng trăm lần. Một số bệnh đã được thanh toán và loại trừ: bệnh bại liệt đã được thanh toán từ năm 2000, bệnh uốn ván sơ sinh đã được loại trừ từ năm 2005...

 

Việt Nam đặt mục tiêu đến 2025, sẽ sản xuất và đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng 14 loại vắc xin “made in Việt Nam”.

 

Theo TTXVN/Vietnam+

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek