Ngày 23/10, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung và phòng, chống COVID-19 trong mùa đông xuân 2020-2021. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Phó Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia Phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì hội nghị tại điểm cầu chính ở Hà Nội. Đại diện lãnh đạo các bệnh viện, viện, cục, đơn vị trực thuộc bộ; đại diện lãnh đạo sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các trung tâm kiểm soát bệnh tật… tham dự hội nghị tại 63 điểm cầu.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh đến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện mục tiêu kép: Vừa phát triển kinh tế vừa phòng chống dịch bệnh, không để dịch chồng dịch, đặc biệt là tại các tỉnh miền Trung - những nơi đời sống người dân đang bị ảnh hưởng bởi bão lũ.
Trong mùa đông xuân, thời tiết là yếu tố tương đối thuận lợi cho dịch bệnh bùng phát, lây lan. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rằng không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là phòng chống COVID-19.
Tại hội nghị, lãnh đạo Cục Y tế dự phòng phổ biến các nội dung cốt lõi về công tác phòng chống dịch bệnh trong mùa đông xuân 2020-2021. Trên thế giới, COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp và chưa có dấu hiệu chững lại. Tại Việt Nam, COVID-19 đã được kiểm soát tốt; trong nhiều ngày qua không ghi nhận các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng. Chúng ta đã làm rất tốt công tác giám sát, phát hiện sớm, tuy nhiên trong thời gian tới tuyệt đối không được chủ quan, lơ là công tác phòng chống dịch.
Về sốt xuất huyết, cả nước ghi nhận hơn 90.000 ca mắc, tập trung tại một số tỉnh ở khu vực miền Trung và miền Nam. So với năm 2019, chưa thấy có diễn biến bất thường; số ca mắc tích lũy vẫn thấp hơn khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2019. Tại khu vực Tây Nguyên, trong thời gian vừa qua đã ghi nhận những ca mắc bệnh bạch hầu, có những trường hợp dưới 9 tháng tuổi và trên 50 tuổi cũng mắc bạch hầu.
Bộ Y tế đã chỉ đạo triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu. Đối với một số bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác và một số bệnh có thể dự phòng bằng vắc xin như sởi, ho gà…, lãnh đạo Cục Y tế dự phòng đề nghị y tế các địa phương tăng cường hệ thống giám sát để phát hiện sớm, điều trị kịp thời, tránh lây lan…
Một số địa phương ở miền Trung đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão lũ, cần quan tâm đến vấn đề vệ sinh môi trường, sức khỏe người dân. Lưu ý đến những bệnh truyền nhiễm hay gặp trong/sau mùa lũ lụt như lỵ, tả, tiêu chảy, thương hàn; bệnh lây truyền qua đường hô hấp như cảm cúm; bệnh viêm đường hô hấp do thay đổi thời tiết; bệnh ngoài da do vệ sinh môi trường… Một số bệnh do muỗi truyền cũng cần phải hết sức lưu ý.
Hội nghị phổ biến Chỉ thị 23 của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân; hướng dẫn giám sát và phòng chống COVID-19; hướng dẫn lấy mẫu và xét nghiệm SARS-CoV-2; hướng dẫn công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh nói chung, COVID-19 nói riêng.
Theo thông tin từ Ban chỉ đạo quốc gia, 51 ngày Việt Nam không ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng và đã chữa khỏi 1.049 bệnh nhân/1.148 ca mắc. Tính đến sáng 23/10, Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, 457 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Đến thời điểm này, cả nước có 13.652 người đang cách ly phòng chống dịch.
YÊN LAN