Tính đến 6 giờ ngày 6/8, Việt Nam có tổng cộng 717 ca mắc COVID-19, trong đó 309 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.
Số lượng ca mắc mới trong cộng đồng tính từ ngày 25/7 đến nay là 268 trường hợp, trong đó có 9 trường hợp đã tử vong liên quan đến bệnh COVID-19.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay ngày 24/7, bệnh nhân 416 tại Bệnh viện Đà Nẵng là thời điểm đánh dấu công tác phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam bước sang giai đoạn mới sau 3 tháng không có ca bệnh trong cộng đồng. Từ đó tới nay, tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng, Quảng Nam và một số tỉnh miền Trung diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng và khả năng có thể lan rộng ra một số địa phương khác.
Như vậy, đến nay đã có 11 địa phương ghi nhận ca mắc COVID-19 có liên quan tới Đà Nẵng gồm: Đà Nẵng, Quảng Nam, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ngãi, Thái Bình, Đắk Lắk, Hà Nam, Đồng Nai, Lạng Sơn, Bắc Giang.
Đỉnh dịch trong vòng 10 ngày tới
Phân tích về tình hình dịch trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại TP Đà Nẵng cho hay số lượng bệnh nhân sẽ còn tăng lên và đến đỉnh dịch trong vòng 10 ngày tới [tính từ 5/8].
“Chúng ta không thể chủ quan mặc dù công tác truy vết, khoanh vùng dập dịch đã được thực hiện hết sức quyết liệt. Tuy nhiên qua phân tích sự lây nhiễm của virus, ngành y tế khuyến cáo trong 10 ngày tới người dân cần hết sức cẩn thận và thực hiện nghiêm những khuyến cáo phòng bệnh. Việc truy vết, điều trị bệnh nhân nặng và các khuyến cáo đến với người dân tuân thủ Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tại thành phố Đà Nẵng vẫn phải được thực hiện một cách quyết liệt”, Thứ trưởng Sơn chỉ rõ.
Bộ Y tế đánh giá, đối với giai đoạn 2 của đợt dịch COVID-19, sự khởi phát từ bệnh viện và rất nhiều bệnh nhân, người nhà nhiễm bệnh và cả những nhân viên y tế tiếp xúc cũng bị nhiễm. Trong đợt dịch này, rất nhiều bệnh nhân nặng do bệnh nhiều lý nền. Bên cạnh đó việc truy vết trong cộng đồng cũng đòi hỏi sự tham gia của rất nhiều chuyên gia.
Do vậy, bên cạnh sử dụng nhân lực tại Đà Nẵng thì cũng rất cần sự chi viện từ Trung ương, các bệnh viện đến để tham gia hỗ trợ điều trị và xây dựng những cơ sở tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 tại Trung tâm Y tế Hòa Vang và Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.
Bộ Y tế đã cử những chuyên gia hàng đầu của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương hỗ trợ công tác truy vết tại cộng đồng như xây dựng kế hoạch, phân khu cách ly và truy vết những trường hợp nghi ngờ nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.
Đặc biệt, trong đợt chống dịch COVID-19 lần này, ngoài các chuyên gia Bộ Y tế còn điều động những bác sĩ tâm lý phục vụ phòng chống dịch. Việc tham gia của chuyên gia tâm lý trong phòng chống dịch, thảm họa và tình huống khẩn cấp là rất cần thiết vì khi tinh thần của người dân và bác sĩ hoảng loạn sẽ tạo sự hoang mang cho xã hội. Vì thế nếu ổn định được tâm lý của mọi người sẽ làm giảm bớt ảnh hưởng có hại cho xã hội, để người dân an tâm và tin tưởng hơn trong công tác phòng chống dịch.
Truy vết, khoanh vùng, dập dịch: Nhiều khó khăn hơn
Theo đánh giá về tình hình dịch COVID-19 của Bộ Y tế, giai đoạn 1 cũng có xảy ra dịch tại Bệnh viên Bạch Mai, tuy nhiên chỉ có một số các công nhân Công ty Trường Sinh và một số điều dưỡng mắc bệnh. Giai đoạn 2 khởi phát tại bệnh viện và lây lan cho nhiều bệnh nhân và người nhà cũng như các nhân viên y tế chăm sóc tại 3 bệnh viện. Trong đó có rất nhiều bệnh nhân có nền bệnh nặng có nguy cơ tử vong cao và đã xuất hiện những trường hợp tử vong do nền bệnh lý nặng và còn có các trường hợp khác có nguy cơ tử vong cao do bệnh lý nền rất nặng.
Đáng lưu ý trong đợt dịch thứ hai này, bên cạnh những bệnh nhân đã truy vết được thì ở một số nơi đã xuất hiện một số bệnh nhân không có liên quan đến các bệnh viện trên. Do vậy công tác truy vết, khoanh vùng, dập dịch gặp nhiều khó khăn hơn so với giai đoạn 1.
Hiện nay, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19; Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 của TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, tỉnh Quảng Ngãi đã có những chỉ đạo rất quyết liệt tuân thủ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng chống dịch.
Theo Thứ trưởng Sơn, TP Đà Nẵng đã thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Tại tỉnh Quảng Nam có 6/12 đơn vị hành chính thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Nếu toàn bộ nhân dân trong những vùng nguy cơ thực hiện nghiêm Chỉ thị 16.
Việc cách ly theo đúng quy định của Chỉ thị 16 là 14 ngày và Bộ Y tế hi vọng UBND TP Đà Nẵng và các lực lượng chức năng trong thành phố sẽ nỗ lực làm giảm số ca mắc mới. Như vậy sau 14 ngày có thể kiểm soát được dịch bệnh và thành phố sẽ có những chuyển biến từ thực hiện Chỉ thị 16 sang Chỉ thị 19 của Chính phủ.
Bộ Y tế tiếp tục Khuyến cáo các biện pháp phòng chống dịch COVID-19:
1. Hạn chế đến nơi công cộng, nơi tập trung đông người.
2. Đeo khẩu trang khi ra ngoài, giữ khoảng cách tiếp xúc tốt nhất 2m
3. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn
4. Không đưa tay lên mắt, mũi, miệng, thường xuyên súc họng bằng nước muối hoặc dung dịch sát khuẩn
5. Vệ sinh thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt tiếp xúc.
6. Thực hiện khai báo y tế, cập nhật tình hình sức khỏe hàng ngày, giữ liên hệ với cơ sở y tế gần nhất.
|
Theo Vietnam+