Ngày 1/8, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến nâng cao năng lực chuyên môn cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong công tác tiếp nhận, quản lý và điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại hơn 700 điểm cầu ở 63 tỉnh, thành phố, quận, huyện, thị xã trong cả nước.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, tại điểm cầu Bộ Y tế (Hà Nội) và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, tại điểm cầu Bệnh viện Đà Nẵng, đồng chủ trì hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Long cho biết ngay từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên (bệnh nhân số 416), Bộ Y tế đã đánh giá tình hình dịch COVID-19 lần này phức tạp hơn, cần ứng phó, đáp ứng nhanh hơn, khẩn trương hơn. Tâm dịch lần này được xác định tại 3 bệnh viện của Đà Nẵng và chủ yếu là Bệnh viện Đà Nẵng.
Xác định một số trường hợp mắc COVID-19 tại cộng đồng, Bộ Y tế đã phân tích dịch tễ và các yếu tố liên quan nhưng chưa tìm được mối liên quan giữa các ca tại cộng đồng và các ca mắc trong các bệnh viện tại Đà Nẵng.
Bộ Y tế nhận định dịch COVID-19 tại Đà Nẵng đã trải qua 4-5 chu kỳ dịch.
Với quyết tâm ngăn chặn bằng được, giảm thiểu tối đa tử vong do dịch COVID-19 tại Đà Nẵng, Bộ Y tế đã hành động quyết liệt, thành lập Bộ phận thường trực đặc biệt của bộ tại TP Đà Nẵng, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trường Sơn.
Bộ cũng cử các đội tinh nhuệ nhất như Đội xét nghiệm (do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Quỳnh Mai - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trực tiếp chỉ đạo), Đội giám sát dịch (do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trực tiếp chỉ đạo), đến cắm chốt tại Đà Nẵng để chỉ huy toàn bộ công tác giám sát, điều tra dịch tễ.
Đội điều trị bao gồm các chuyên gia đầu ngành, đồng thời liên tục được các chuyên gia của Tiểu ban Điều trị hội chẩn, đưa ra phác đồ tối ưu nhất cho từng bệnh nhân mắc COVID-19 tại Đà Nẵng, Quảng Nam và các bệnh viện liên quan (Tiểu ban Điều trị đã thực hiện 6 phiên hội chẩn), cử kíp điều trị hỗ trợ hơn 30 người của Bệnh viện Bạch Mai về hồi sức cấp cứu, chống nhiễm khuẩn, thận nhân tạo, hỗ trợ điều trị tâm lý đến Đà Nẵng, Quảng Nam để hỗ trợ điều trị bệnh nhân và thiết lập đơn nguyên thận nhân tạo.
Đồng thời, Bộ Y tế đã huy động và tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho gần 1.000 người bao gồm sinh viên trường y, nhân viên y tế, lực lượng quân đội để hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Đà Nẵng.
Tất cả các bộ phận làm việc ngày đêm với quyết tâm cao nhất ngăn chặn dịch COVID-19 tại Đà Nẵng.
Bộ Y tế nhận định tình hình dịch COVID-19 bùng phát tại Đà Nẵng rất phức tạp.
Theo thống kê, từ đầu tháng 7/2020 có hơn 800.000 người đã từng đi, đến Đà Nẵng và trở về các địa phương; có hơn 41.000 người đã đến 3 bệnh viện tại Đà Nẵng.
Nhân viên y tế khử trùng các phương tiện ra vào khu vực bệnh viện dã chiến Hòa Vang (Đà Nẵng) - Ảnh: TTXVN |
Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương lập danh sách, giám sát, theo dõi tất cả các đối tượng này, đồng thời gửi tin nhắn khuyến cáo, hướng dẫn những người này theo dõi sức khỏe, liên hệ với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn, giám sát và xét nghiệm phát hiện mắc COVID-19 trong trường hợp cần thiết.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định thời gian tới tình hình tiếp tục phức tạp nên phải cùng nhau cố gắng. Ngoài Đà Nẵng, có địa phương đang được nhận định nằm trong vùng nguy cơ rất cao như Quảng Nam. Địa phương này đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại một số khu vực, tới đây có thể sẽ phát hiện thêm các ca ở Quảng Nam.
Xác định Huế, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... là những nhóm có nguy cơ cao trong lây nhiễm COVID-19, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Long khẳng định, tới đây phải làm tốt hơn nữa về phân luồng, phân tuyến, kiểm soát nhiễm khuẩn, xét nghiệm trong bệnh viện.
Hiện Bộ Y tế đã trao đổi, thống nhất với Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho phép thanh toán bảo hiểm y tế với các ca xét nghiệm tại bệnh viện (theo hướng dẫn) để mở rộng hơn nữa việc xét nghiệm.
Đối với những nơi có liên quan đến dịch COVID-19 tại Đà Nẵng như Quảng Nam, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác, Bộ Y tế đề nghị khẩn trương xây dựng kịch bản, kế hoạch điều tra, giám sát tất cả những người đi đến và trở về từ Đà Nẵng, đến các địa điểm đã được Bộ Y tế cảnh báo, đảm bảo không để dịch COVID-19 xảy ra trên địa bàn; chỉ đạo các bệnh viện thực hiện nghiêm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm COVID-19 theo các quy trình, hướng dẫn của Bộ Y tế.
Hệ thống y tế cơ sở thực hiện "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà soát từng đối tượng", không được để sót đối tượng có liên quan đến dịch COVID-19 tại Đà Nẵng; phải làm căng thì càng hiệu quả, càng tốt.
Bộ Y tế sẽ triển khai giao ban định kỳ với giám đốc sở Y tế các tỉnh, thành phố để rà soát thường xuyên các hoạt động, triển khai quyết liệt và đẩy mạnh các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19.
Nhân dịp này, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chuyển lời động viên của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến toàn bộ cán bộ, nhân viên y tế đang ngày đêm chiến đấu với dịch COVID-19. Toàn ngành y tế đoàn kết, quyết tâm chiến đấu và chiến thắng đại dịch COVID-19.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị toàn ngành y tế quyết tâm cao độ, bằng tri thức, kinh nghiệm của mình để ngăn chặn đại dịch COVID-19 lần này.
Tại hội nghị trực tuyến, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế, Phó trưởng Tiểu ban Điều trị đã triển khai các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và hướng dẫn công tác thu dung, quản lý điều trị COVID-19.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam đã cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị mắc COVID-19 (phiên bản mới, lần thứ 4); lưu ý các vấn đề điều trị mắc COVID-19 theo phác đồ cập nhật trên tất cả các khía cạnh điều trị, điều trị bệnh nền, điều trị dinh dưỡng, hỗ trợ và điều trị tâm lý, tư vấn hỗ trợ cho bệnh nhân.
Tại hội nghị, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam, đã cập nhật toàn bộ các nội dung mới, cần lưu ý trong công tác điều trị dịch COVID-19, một số kinh nghiệm đối với điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại Đà Nẵng.
Đại diện Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế triển khai Hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí đánh giá bệnh viện an toàn phòng, chống dịch COVID-19; Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương báo cáo chuyên đề Công tác xét nghiệm, chất lượng xét nghiệm trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ứng phó dịch COVID-19; Bệnh viện Bạch Mai hướng dẫn thực hiện kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Theo TTXVN/Vietnam+