Chiều 30/7, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức cuộc họp với sự tham gia của Ban Chỉ đạo Phòng chống COVID-19 tỉnh; đại diện lãnh đạo các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc nhằm quán triệt, triển khai thực hiện chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư ngày 28/7/2020. Đồng chí Lương Minh Sơn, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy và đồng chí Phạm Đại Dương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Phú Yên chủ trì cuộc họp.
Tại cuộc họp, bác sĩ Nguyễn Thị Mộng Ngọc, Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng Ban chỉ đạo của tỉnh, báo cáo tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona và công tác phòng chống trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Tại Việt Nam, trong thời gian ngắn đã xuất hiện nhiều ca bệnh tại một số địa phương và đến thời điểm này vẫn chưa xác định được nguồn lây nhiễm (F0). Điều đáng lo ngại nữa là hành trình di chuyển của những người này trước khi phát hiện bệnh rất phức tạp, đã đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người nên khả năng phát tán mầm bệnh trong cộng đồng là rất lớn. Mặt khác, đa số các ca mắc COVID-19 là người lớn tuổi; bệnh nhanh chóng diễn tiến nặng, bệnh nhân phải thở máy…
Rà soát lại các kịch bản phòng chống dịch
Tại Phú Yên, công tác phòng chống COVID-19 được triển khai quyết liệt, có sự tham gia tích cực của cộng đồng, thể hiện rõ ý thức trách nhiệm và quyết tâm ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn tỉnh… Khó khăn hiện nay là số lượng người về từ vùng dịch rất đông; nhiều trường hợp chưa tự giác khai báo y tế hoặc khai báo chưa đầy đủ. Năng lực đáp ứng với dịch của ngành Y tế Phú Yên có những khó khăn nhất định…
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Lương Minh Sơn cho rằng tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay hết sức phức tạp, nguy cơ lây lan trong cộng đồng phức tạp hơn, nhanh hơn và cao hơn trước. Nếu chúng ta không có những biện pháp quyết liệt phòng chống thì dịch bệnh lây lan, sẽ gây hậu quả rất lớn. Chính vì thế, Ban Bí thư yêu cầu tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, quyết liệt phòng chống dịch.
Trước hết, các cấp ủy, tổ chức Đảng và các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị phải vào cuộc. Sau cuộc họp này, từng cấp ủy đảng rà soát lại các kịch bản phòng chống dịch trên địa bàn, từng đồng chí trong Ban Thường vụ, theo sự phân công, thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở cấp ủy của địa phương. “Chúng ta không được chủ quan nhưng cũng không mất bình tĩnh, hoang mang. Chúng ta nâng cao cảnh giác và có nhiều phương án chủ động đối phó. Dịch diễn biến ở cấp độ nào thì xử lý theo cấp độ đó; quán triệt quan điểm “Chống dịch như chống giặc”, đồng chí Lương Minh Sơn nhấn mạnh.
Nhân rộng những cách làm hay
Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo huy động sự tham gia của các tổ chức hội, đoàn thể, sự tham gia của cả cộng đồng vào công tác phòng chống dịch; nhân rộng những cách làm hay của nhiều đơn vị trong phòng chống COVID-19; kiểm soát tốt những người từ vùng dịch trở về: khai báo y tế, thực hiện các biện pháp giám sát y tế. Lực lượng vũ trang rà soát tình hình nhập cảnh, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân đưa người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam…
Tại cuộc họp, đồng chí Phạm Đại Dương đề nghị các đơn vị, địa phương trong tỉnh tập trung triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia Phòng, chống COVID-19 một cách quyết liệt, thực hiện mục tiêu kép: vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội. “Mong muốn các đồng chí bí thư của các địa phương, cấp ủy đảng các đơn vị thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch cùng các cấp chính quyền, Ban chỉ đạo của các địa phương. Đề nghị tuyên giáo của Tỉnh ủy và tuyên giáo các địa phương, các cơ quan truyền thông, báo chí tăng cường truyền thông, đặc biệt là những nội dung liên quan đến ý thức của người dân trong phòng chống dịch”, đồng chí Phạm Đại Dương phát biểu.
Theo Ban chỉ đạo quốc gia Phòng, chống dịch COVID-19, trong ngày 30/7, Việt Nam ghi nhận thêm 14 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca bệnh lên 464, tính đến 18 giờ. Có 369 bệnh nhân được chữa khỏi bệnh.
Bộ Y tế đề nghị tất cả các cá nhân từng có mặt tại TP Đà Nẵng trong khoảng thời gian từ ngày 1/7/2020-29/7/2020 khẩn trương liên hệ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tại địa phương và tiến hành khai báo y tế.
Đến 17 giờ ngày 30/7, Phú Yên chưa ghi nhận ca bệnh xác định, có 15 ca bệnh nghi ngờ. Cơ quan chuyên môn đã giám sát y tế 17.141 trường hợp, hiện còn 1.531 người đang trong thời gian giám sát, trong đó có 15 người cách ly tại cơ sở y tế, 11 người cách ly tại cơ sở cách ly tập trung, 140 người cách ly tại nhà/nơi lưu trú, 1.365 người đang tự theo dõi sức khỏe hàng ngày. Số trường hợp được lấy mẫu làm xét nghiệm là 196, trong đó âm tính 185 trường hợp, đang chờ kết quả 11 trường hợp. |
YÊN LAN