Số ca mắc COVID-19 tại một số tỉnh, thành ngày càng tăng; mỗi ngày lại thêm địa phương có người mắc; nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng ngày càng lớn. Bộ Y tế liên tục có các thông báo khẩn. Vậy mà một số người dân trên địa bàn tỉnh Phú Yên vẫn không tự giác khai báo y tế, thậm chí còn cố tình khai báo không trung thực, dẫn đến quá trình xử lý chậm trễ, vất vả. Những hành vi đó cần bị xử lý nghiêm!
Theo Ban chỉ đạo quốc gia Phòng, chống dịch COVID-19, trong ngày 29/7 ghi nhận thêm 12 ca mắc COVID-19, trong đó có 8 ca mắc ở Đà Nẵng, 4 ca mắc tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đắk Lắk, nâng tổng số ca mắc lên 450 ca, tính đến 18 giờ.
Tại Phú Yên, số ca giám sát y tế tăng đến chóng mặt trong 5 ngày qua. Tính đến 17 giờ ngày 24/7, tổng số ca giám sát y tế là 15.605, và trên địa bàn tỉnh chỉ còn một người đang tự theo dõi sức khỏe hàng ngày. Nhưng đến 17 giờ ngày 29/7, tổng số ca giám sát y tế đã lên 16.648 (tăng 1.043 ca). Trên địa bàn tỉnh có đến 13 ca bệnh nghi ngờ, hơn 1.000 người đang trong thời gian giám sát, trong đó có 13 người cách ly tại cơ sở y tế, 8 người cách ly tại cơ sở cách ly tập trung, 76 người cách ly tại nhà/nơi lưu trú, 944 người đang tự theo dõi sức khỏe hàng ngày. Số trường hợp được lấy mẫu làm xét nghiệm cũng tăng nhanh, từ 119 trường hợp (chiều 24/7, kết quả đều âm tính) tăng lên 170 trường hợp, trong đó âm tính 162 trường hợp, đang chờ kết quả 8 trường hợp, tính đến chiều 29/7.
Đáng chú ý, 9 trường hợp F1 đi chung chuyến tàu với ca bệnh 419 đã có kết quả xét nghiệm lần 1 âm tính. BSCKII Nguyễn Thị Mộng Ngọc, Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Phú Yên cho biết: Những người này về nhà và không khai báo y tế, ngay cả khi có thông báo khẩn của Bộ Y tế. Sở Y tế nhận tin báo từ các tỉnh bạn, truy tìm theo số điện thoại mua vé tàu, vừa đưa vào khu cách ly đêm 28 và sáng 29/7.
Những ngày qua, các cơ quan chức năng, mà tuyến đầu là ngành Y tế, đã làm việc hết tốc lực để giám sát, truy vết, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ nhằm ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập vào địa bàn Phú Yên. Ban chỉ đạo của tỉnh thường xuyên họp nhằm kịp thời đưa ra các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân. Những người đến từ hoặc đi qua vùng có dịch phải khai báo y tế đầy đủ, tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong vòng 14 ngày; hạn chế tiếp xúc. Nếu có các biểu hiện: sốt, ho, khó thở thì phải liên hệ ngay với cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn sức khỏe. Đặc biệt, các trường hợp có tiếp xúc với ca bệnh hoặc có mặt tại các địa điểm trong danh sách thông báo khẩn của Bộ Y tế thì phải chủ động liên hệ với cơ quan y tế gần nhất để được hướng dẫn áp dụng các biện pháp cách ly y tế phù hợp.
Trong khi số ca mắc COVID-19 tại một số tỉnh, thành ngày càng tăng; mỗi ngày lại thêm địa phương có người mắc; nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng ngày càng lớn. Bộ Y tế liên tục có các thông báo khẩn. Vậy mà một số người dân trên địa bàn tỉnh vẫn không tự giác khai báo y tế, thậm chí còn cố tình khai báo không trung thực, dẫn đến quá trình xử lý chậm trễ, vất vả!
Điều 8 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (năm 2007) quy định những hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có hành vi “không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”.
Về “Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”, Điều 240 Bộ luật Hình sự (năm 2015) quy định mức phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm đối với người thực hiện một trong các hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người. Nếu hành vi phạm tội dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế; làm chết người thì tội phạm bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm. Trong trường hợp hành vi phạm tội dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; làm chết 2 người trở lên thì tội phạm bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Đợt trước, người dân của chúng ta đã hết sức đồng tình, đồng lòng cùng chính quyền phòng chống COVID-19. Do vậy chúng ta đã thành công. Lần này cũng mong người dân nghiêm túc thực hiện những hướng dẫn về phòng chống COVID-19. Về phía chính quyền, phải chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Về phía người dân, nếu bà con đồng lòng thì tin rằng chúng ta sẽ hạn chế được sự lây lan của SARS-CoV-2.
Đồng chí Phạm Đại Dương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh |
YÊN LAN