Để bảo vệ sức khỏe cho người dân trước COVID-19, các lực lượng nơi tuyến đầu phòng chống dịch bệnh đã ngày đêm vất vả. Ngoài các “chiến sĩ áo trắng” trong những đội phản ứng nhanh, các bác sĩ, kỹ thuật viên làm công việc lâm sàng và cận lâm sàng, cuộc chiến chống COVID-19 còn có sự đóng góp thầm lặng của các điều dưỡng, hộ lý…
“Canh cửa”
Nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh, các cơ sở y tế đã lập chốt sàng lọc, phân luồng bệnh nhân, kiểm tra thân nhiệt và tìm hiểu yếu tố dịch tễ tất cả những người được phép vào bệnh viện. Tại chốt sàng lọc của Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, nhân viên y tế được chia thành 4 ca, trực 24/24. Điều dưỡng Hoàng Thị Thu Hằng (Khoa Ngoại Tổng quát) cho biết trực ở đây trong trang phục phòng hộ thì rất nóng, nhưng cô và các đồng nghiệp cũng đã thích nghi. Vất vả là khi gặp những người chưa quen với sự thay đổi trong việc vào bệnh viện nhằm phòng chống dịch và không chịu hợp tác, nhân viên y tế phải giải thích nhiều lần.
Trực ca đêm (từ 21 giờ 30 đến 6 giờ 30) đương nhiên không dễ chịu gì, khi có thể tranh thủ chợp mắt trong cái trại được dựng lên ở gần đó thì cũng khá vướng bởi trang phục phòng hộ. Còn trực ca 2 (từ 11 giờ 30 đến 16 giờ 30) thì mệt nhoài vì nắng nóng, dù chốt sàng lọc đã có mái che. Trước đó, khi chưa lắp mái che mà chỉ có mấy cây dù nhỏ, sau một thời gian trực tại chốt, có nhân viên y tế đã bị bỏng rộp da trên trán vì nắng.
Nhận nhiệm vụ tại chốt sàng lọc, tất nhiên là có nỗi lo. Nhưng các nhân viên y tế xác định đây là công việc của mình và phải làm cho tốt. “Không lo lắng để bệnh nhân không hoang mang. Mình mà lo thì bệnh nhân càng lo”, Điều dưỡng Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bùi Thị Kim Liên nói.
Trong công cuộc phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 của những người ở tuyến đầu, mỗi nhiệm vụ, mỗi vị trí đều có những vất vả riêng. Làm việc tại khu cách ly của Bệnh viện Đa khoa Phú Yên - nơi tiếp nhận, điều trị các ca nghi mắc và mắc COVID-19 - tất nhiên rất khác, với những quy định, yêu cầu nghiêm ngặt nhằm phòng chống lây nhiễm SARS-CoV-2.
Hộ lý Đặng Thị Thu (Khoa Truyền nhiễm) cho biết công việc của hộ lý ở đây là mang cơm nước cho bệnh nhân, thu gom rác, lau các bề mặt tiếp xúc, mang dụng cụ phòng hộ đi hấp, gom đồ vải đi giặt… Đang điều trị tại đây là những ca bệnh nghi ngờ, các hộ lý biết mình đối mặt với nguy cơ lây nhiễm SASR-CoV-2 nếu bệnh nhân mang virus và nếu hộ lý không tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng chống lây nhiễm.
Bên trong khu cách ly tập trung
Làm việc tại Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, điều dưỡng Trương Như Hoài có những kỷ niệm khó quên trong một tuần cùng hộ lý Phạm Thị Kim Tính (Khoa Ngoại tổng quát) nhận nhiệm vụ ở khu cách ly tập trung tại Trung tâm Huấn luyện và Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh thuộc Trung đoàn BB888, vào cuối tháng 3 vừa qua. Hoài và chị Tính có nhiệm vụ tiếp đón, theo dõi, chăm sóc sức khỏe những người được cách ly. Ngày đầu tiên hai chị em nhận nhiệm vụ, khu cách ly tập trung có một Việt kiều từ Pháp về TP Hồ Chí Minh, trên chuyến bay có người nghi mắc COVID-19.
Chiều hôm đó, khu cách ly tập trung tiếp nhận một người từ Dubai về TP Hồ Chí Minh. Vài ngày sau, có thêm gia đình một nữ tiếp viên hàng không trở về từ Dubai, trên chuyến bay có người dương tính với SARS-CoV-2. Đến ngày 25/3, khi tiếp nhận thêm 2 người ở Phú Hòa vừa từ nước ngoài về, “quân số” trong khu cách ly tập trung tăng lên 7 người.
Buổi sáng, từ 5 giờ 30 đến 6 giờ, Hoài mang cơm đến cho những người được cách ly và phát cho mỗi người 2 cái khẩu trang. Với người mới được đưa vào, Hoài hướng dẫn cách sử dụng khẩu trang cho đúng, dặn dò kỹ lưỡng về những quy định của khu cách ly tập trung để họ thực hiện, trong đó có việc tránh tiếp xúc với người ở phòng bên. Sau đó, Hoài kiểm tra thân nhiệt những người được cách ly. Buổi trưa, hộ lý Tính đem cơm vào, lau sát khuẩn các bề mặt, hỏi thăm những người được cách ly. Họ cần gì, nếu có thể hỗ trợ được thì hỗ trợ để họ cảm thấy thoải mái. Buổi chiều, khi cấp dưỡng của bộ đội mang cơm tới thì Hoài mang vào cho những người được cách ly, đo thân nhiệt và hỏi thăm sức khỏe. “Mỗi ngày tôi đo thân nhiệt ít nhất hai lần, nếu người đó có triệu chứng sốt, khó thở thì phải theo dõi thường xuyên hơn. Nói chung là phải theo dõi sức khỏe và tạo tâm lý thoải mái cho họ an tâm cách ly”, Hoài cho biết.
Khi nữ tiếp viên hàng không có dấu hiệu sốt nhẹ, Hoài và chị Tính cảm thấy lo lắng, không biết người này có nhiễm SARS-CoV-2 hay không. “Khi sức khỏe chị ấy ổn định và kết quả xét nghiệm âm tính, hai chị em thở phào nhẹ nhõm. Mừng cho chị ấy và gia đình; anh em trong khu cách ly cũng yên tâm là tỉnh mình không có ca mắc COVID-19”, Hoài kể.
Ngày đầu nhận nhiệm vụ ở đây, Hoài cảm thấy thời gian trôi rất chậm. Nhưng rồi hai chị em nhanh chóng quen với công việc và không còn lo lắng nữa. “Khi đã có tinh thần tốt nhất để phục vụ thì thấy thời gian trôi qua rất nhanh, nhất là khi chỉ còn một, hai ngày nữa thì giao ca cho nhóm khác. Tôi không nói với các cô chú là ngày mai con hết nhiệm vụ, nói ra thì lưu luyến. Tôi tự hỏi ngày mai khi người khác mang cơm đến cho các cô chú, anh chị ở khu cách ly thì họ có nhắc mình, có nhớ đến mình không. Hai chị em với các cô chú khá là tình cảm. Tôi nhớ khoảng thời gian làm việc bên đó” - điều dưỡng trẻ này mỉm cười chia sẻ.
YÊN LAN