Việc thực hiện lệnh cách ly toàn xã hội của Thủ tướng cho thấy tác dụng rõ rệt. Số ca nhiễm COVID-19 giảm, những ổ dịch mới được kịp thời phát hiện và khoanh vùng không cho lây lan thêm. Lạc quan hơn, liên tục những buổi sáng không phát hiện thêm ca nhiễm mới. Mừng. Nhưng cái mừng ấy không đồng nghĩa với việc đã hết nỗi lo. Tình hình dịch bệnh chung trên toàn thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp. Tuy chúng ta tạm thời ngăn chặn, phong tỏa được, nhưng trong tương lai nếu tình hình chung không “hạ nhiệt” thì nguy cơ vẫn còn treo lơ lửng, chưa thể nói đã an toàn.
Vậy nhưng, nhìn qua toàn cảnh xã hội những ngày cuối của đợt cách ly nửa tháng, ta thấy một bộ phận không nhỏ của cộng đồng dân cư đã bắt đầu có biểu hiện “hết sợ dịch”. Kệ cho mệnh lệnh của Thủ tướng yêu cầu xử phạt nghiêm những đối tượng không tuân thủ lệnh cách ly, người ta vẫn tìm cách “lách luật” để tà tụ chơi bời vô bổ hay ra ngoài vì những việc riêng tư (dù chưa thật sự cần thiết) chứ không chịu ngồi yên. Cá biệt hơn còn có những người ngay từ đầu đã coi thường mệnh lệnh cách ly; cứ xem như thông tin về đại dịch là chuyện tận đẩu đầu đâu…
Ông anh hàng xóm kế nhà tôi là một ví dụ.
Bắt đầu lệnh cách ly xã hội, trong khi vợ chồng con cái tôi ru rú ở nhà không dám đi đâu thì ông vẫn cứ tỉnh bơ sáng chiều lái xe máy rời nhà đi dạo lông nhông, còn lười không đeo cả khẩu trang. Cách vài bữa sau thấy ông ho khù khụ nhưng vẫn cứ tỉnh bơ ở nhà không đi khám khiến cả gia đình tôi hoảng hồn… May, hình như ông chỉ bị cảm xoàng nên tự mua thuốc uống rồi cũng qua. Vậy nhưng, điều đáng nói nhất là chưa hết lệnh cách ly 15 ngày đã thấy nhà ông mở cửa, nườm nượp đón khách! Khách tụ tập hết nói chuyện tào lao lại bày ra chè chén. Rượu vào tê tê còn rủ nhau đi thăm thú nơi nọ nơi kia để “bù lỗ” những ngày trốn dịch cuồng chân! Hỏi: không sợ dịch bệnh hay sao mà chưa hết lệnh cách ly đã tà tụ, cả khách lẫn chủ đều trả lời rất… tỉnh bơ: Nước mình sắp hết dịch rồi, mấy hôm nay có thêm ca nào nữa đâu.
Đại dịch nguy hiểm tới mức nào cho đến giờ này đa phần chúng ta đều biết rõ. Nhìn lại những quốc gia bị “vỡ trận”, thực chất họ không hề thua chúng ta về tiềm lực vật chất, khả năng y tế hoặc cơ sở hạ tầng. Nguyên nhân lớn nhất bắt nguồn từ sự chủ quan của cộng đồng, và phần nào của cả nhà chức trách - dẫn đến không có những biện pháp ứng phó nghiêm túc, kịp thời - cho đến khi sự việc trở thành quá muộn! Muốn chống dịch hiệu quả, có chỉ thị đúng đắn, kịp thời là chuyện hết sức cần thiết; vậy nhưng chính sự hiểu biết và ý thức chấp hành cao của người dân mới là “điều kiện đủ” để chỉ thị phát huy hoàn toàn tác dụng. Nên chăng mỗi công dân nên ngày ngày tự hỏi: người ta đang đêm ngày gồng lưng, căng mình bảo vệ sự sống cho anh mà chỉ yêu cầu anh mỗi một chuyện “ở nhà” - tại sao anh không làm được?
Y NGUYÊN