Chiều 17/4, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 họp trực tuyến triển khai công tác phòng chống dịch bệnh, với 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tại điểm cầu chính ở Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp, với sự tham gia của lãnh đạo Bộ Y tế và các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia.
Tham dự cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia và trưởng, phó ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 các tỉnh, thành phố đã đóng góp nhiều ý kiến vào dự thảo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống COVID-19 trong tình hình mới.
Hiện nay, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh sau 2 tuần thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Số ca mắc chỉ bằng 40% so với hai tuần trước khi thực hiện Chỉ thị 16; tốc độ lây nhiễm trong cộng đồng đã được hạn chế và chưa có trường hợp tử vong. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh rằng dịch bệnh sẽ còn kéo dài, và thời gian không phải tính bằng tuần. Công cuộc phòng chống COVID-19 cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành và của toàn dân.
Điểm cầu tại Phú Yên. Ảnh: NGỌC LAN |
Phó Thủ tướng chỉ đạo: Thứ nhất, phải kiểm soát, không để dịch bệnh lây lan, bùng phát. Tiếp tục thực hiện tốt chiến lược: ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch và điều trị hiệu quả. Cần phải phát hiện sớm các ca bệnh nghi ngờ và các ca mắc COVID-19, tiến hành điều tra dịch tễ, cách ly khoanh vùng dịch. Phó Thủ tướng đề nghị có những giải pháp phù hợp, cụ thể ở từng nhóm, từng địa phương, từng địa bàn, từng nhóm ngành nghề, từng nhóm đối tượng… Kiểm soát được dịch bệnh rồi thì mới chung sống an toàn. Để làm được điều đó thì phải hiểu về dịch bệnh, về cơ chế lây nhiễm của SARS-CoV-2 và thực hiện thật tốt tất cả các hướng dẫn phòng ngừa lây nhiễm: đeo khẩu trang; rửa tay thường xuyên, đúng cách; giữ khoảng cách tối thiểu; không tụ tập đông người… Phó Thủ tướng nhấn mạnh rằng đó là những giải pháp cực kỳ quan trọng.
Song song đó, người dân cần nâng cao sức khỏe cho chính mình bằng chế độ dinh dưỡng, luyện tập hợp lý, bằng các biện pháp phòng bệnh; khi có những biểu hiện bất thường về sức khỏe thì liên hệ với nhân viên y tế hoặc với cơ sở y tế để được tư vấn, hướng dẫn và chỉ đến bệnh viện khám khi đã đặt lịch hẹn (trừ những trường hợp cấp cứu). Các cơ sở y tế phải xem tất cả những người đến khám chữa bệnh như người có nguy cơ lây nhiễm và thực hiện nghiêm các biện pháp sàng lọc, phân luồng, cách ly…; đảm bảo an toàn cho đội ngũ y bác sĩ, cho các bệnh nhân đang điều trị và cho những người đến khám chữa bệnh.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GD-ĐT rà lại các điều kiện, các hướng dẫn để khi dịch bệnh được kiểm soát thì học sinh sinh viên đi học an toàn. Trong việc đi lại, để an toàn khi dịch bệnh được kiểm soát thì cần có hướng dẫn cụ thể, chi tiết. Trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ - từ quy mô lớn đến quy mô nhỏ - cũng vậy. Phó Thủ tướng đề nghị có sự điều chỉnh tích cực và cho rằng đây là lúc thúc đẩy chúng ta có những điều chỉnh tích cực.
Theo Phó Thủ tướng, thời gian vừa qua, bên cạnh những khó khăn rất vất vả, chúng ta nhận thấy lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, tinh thần dân tộc, ý thức cộng đồng, tinh thần cống hiến, hy sinh, tương trợ lẫn nhau được khơi dậy và nhân lên. Hình ảnh, uy tín của hệ thống chính trị, của đất nước trong kiểm soát dịch bệnh, trong hợp tác quốc tế, trong nghiên cứu khoa học… tiếp tục được khẳng định với bạn bè quốc tế. Phó Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục đề cao tinh thần trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần tương thân tương ái; tiếp tục điều chỉnh tích cực, tận dụng thời cơ của cuộc cách mạng 4.0… “Chúng ta nhất định sẽ chống dịch thành công. Không những thế, chúng ta vẫn phát triển được kinh tế - xã hội. Tôi có niềm tin là chắc chắn chúng ta sẽ thành công”, Phó Thủ tướng nói. Theo thông tin từ Bộ Y tế, đến 18 giờ 30 ngày 17/4, cả nước ghi nhận 268 ca mắc COVID-19, trong đó có 198 người đã được chữa khỏi bệnh, bao gồm 16 người trong giai đoạn 1 (từ ngày 23/1-13/2) và 182 người trong giai đoạn 2 (từ ngày 6/3-16/4).
NGỌC LAN