Thứ Sáu, 17/01/2025 20:44 CH
Truyền thông quốc tế đề cao sự chủ động, hợp tác chống dịch ở Việt Nam
Thứ Ba, 14/04/2020 10:02 SA

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh) - Ảnh: TTXVN

Truyền thông quốc tế và khu vực tiếp tục đánh giá cao cách thức xử lý dịch COVID-19 của Việt Nam cũng như phân tích những lý do Việt Nam đạt được kết quả ấn tượng trong cuộc chiến chống dịch, cho rằng phản ứng nhanh chóng, chủ động của chính quyền và sự hợp tác của người dân đóng vai trò quan trọng.

 

Trang The Strategist của Mỹ nhấn mạnh Việt Nam áp dụng lối tiếp cận phù hợp với ngân sách và cách làm này đã chứng tỏ hiệu quả. Theo đó, Chính phủ Việt Nam đã thắt chặt kiểm soát biên giới và đặt các bệnh viện và cơ quan y tế địa phương vào tình trạng báo động cao chỉ ba ngày sau khi dịch bùng phát ở Trung Quốc và trước khi xảy ra trường hợp tử vong đầu tiên tại ổ dịch Vũ Hán.

 

Bên cạnh đó, chính quyền tập trung chú ý vào truyền thông và giáo dục thường thức cho người dân với sự hỗ trợ của nền tảng công nghệ.

 

Bài viết cũng lưu ý tại Việt Nam, các công dân tự nguyện chia sẻ thông tin y tế cá nhân thông qua một ứng dụng do chính phủ đề xuất với tên gọi NCovi, còn chính quyền tích cực tương tác với nhân dân thông qua mạng xã hội.

 

Trang The Strategist kết luận kinh nghiệm của Việt Nam cho thấy bằng cách tập trung đánh giá sớm các rủi ro, giao lưu, hợp tác hiệu quả giữa chính phủ và công dân, một quốc gia với nguồn lực hạn chế và hệ thống chăm sóc sức khỏe còn chưa đủ mạnh mà vẫn có thể đối phó với đại dịch.

 

Trong khi đó, tờ The ASEAN Post nhấn mạnh rằng các nước khác trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và phần còn lại của thế giới có thể rút ra bài học từ cách phản ứng mau lẹ và dứt khoát của Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

 

Tờ Liberation của Pháp thì cho rằng Việt Nam đạt thành tựu ấn tượng trong lĩnh vực phòng ngừa và điều trị bệnh khi hệ thống y tế quốc gia tập trung vào đảm bảo an toàn và sức khỏe của người dân thay vì chú trọng mức lợi nhuận của các công ty bảo hiểm.

 

Đề cập khía cạnh này, tờ Novosti Petrozavodsk của Nga dẫn ý kiến của một phụ nữ Nga vừa thăm Việt Nam trở về, bày tỏ ấn tượng rằng tại Việt Nam "Nhà nước chăm lo tối đa cho công dân của mình: luôn sẵn có tất cả các thực phẩm và hàng hóa cần thiết, khẩu trang bảo vệ đáp ứng mọi sở thích, cả ngân sách và mức giá đều giảm cho mọi thứ!” Trong khi đó, "người dân Việt Nam không do dự mà nghiêm chỉnh chấp hành các yêu cầu”.

 

Trang Times of India của Ấn Độ lại nhấn mạnh khía cạnh quan trọng nhất của công tác phòng dịch COVID-19 là sự hợp tác hiệu quả từ người dân. Người dân sẽ báo cáo nếu phát hiện trường hợp bệnh nghi ngờ trong khu dân cư. Người dân Hà Nội cũng tuân thủ nghiêm túc các hướng dẫn tự cách ly tại nhà.

 

Bài viết nhấn mạnh thành công trong cuộc chiến với dịch bệnh chỉ có thể đạt được nếu mỗi công dân ý thức được trách nhiệm của họ và hợp tác với chính phủ.

 

Cũng theo trang Times of India, Chính phủ Việt Nam đã chủ động bảo vệ người dân trước dịch bệnh khi sớm đưa ra một số sáng kiến và nhận thức chính xác bản chất của thách thức.

 

Cũng liên quan vấn đề hợp tác, tờ The Guardian (Anh) đăng tin cách các họa sĩ Việt Nam vẽ áp phích và tạo ra những con tem bưu chính truyền tải “thông điệp rõ ràng về sự đoàn kết trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19”.

 

Trong khi đó, tờ The New York Times (Mỹ) nêu bật việc bất kể không đủ nguồn lực và tài chính không phải đã dồi dào, Việt Nam vẫn gửi tặng khẩu trang cho Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Anh cùng các nước láng giềng Campuchia và Lào. Việt Nam cũng đã bàn giao 450.000 bộ quần áo bảo hộ DuPont cho Mỹ.

 

Các chiến sĩ trường Quân sự Quân khu 7 hỗ trợ vận chuyển đồ cho công dân đã hoàn thành xong thời gian cách ly y tế - Ảnh: TTXVN

 

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, ngày 13/4, trang tin 7news.com.au đăng bài viết của Chris Humphrey và Bac Phạm của Hãng thông tấn Úc (AAP), trong đó nhận xét Việt Nam, nhờ có sự kết hợp giữa hành động sớm, xét nghiệm rộng rãi, kiểm dịch mạnh mẽ và đoàn kết xã hội, cho đến nay đã tránh được sự tàn phá của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 như đang xảy ra ở châu Âu và Mỹ.

 

Bài viết cho biết, khi các ca mắc COVID-19 chỉ ở mức hàng trăm, cách ứng phó của Việt Nam đối với cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 đã nhận được lời khen ngợi từ Tổ chức Y tế Thế giới (WTO). Theo số liệu chính thức, hiện có hơn 75.000 người được cách ly hoặc tự cách ly ở Việt Nam.

 

Cho tới nay, nước này đã thực hiện hơn 121.000 xét nghiệm và chỉ có hơn260 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 được xác nhận. Hiện Việt Nam chưa có trường hợp tử vong liên quan đến virus COVID-19 và tỉ lệ lây nhiễm vẫn thấp hơn đáng kể so với Hàn Quốc, Singapore, những quốc gia đã được ca ngợi rộng rãi trên các phương tiện truyền thông quốc tế về cách ứng phó hiệu quả đối với đại dịch.

 

Theo ông Kidong Park, đại diện của WHO tại Việt Nam, quốc gia Đông Nam Á này đã ứng phó với sự bùng phát của bệnh dịch sớm và chủ động. Đánh giá rủi ro đầu tiên của Việt Nam đã được tiến hành vào đầu tháng 1, ngay sau khi các trường hợp mắc COVID-19 ở Trung Quốc bắt đầu được báo cáo. Ông Kidong Park cho biết Việt Nam đã nhanh chóng thành lập một Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống và kiểm soát COVID-19 dưới sự lãnh đạo của một Phó Thủ tướng và Ủy ban này đã ngay lập tức đã thực hiện kế hoạch ứng phó quốc gia.

 

Theo bài báo, mặc dù có số lượng ít các ca mắc bệnh được xác nhận, Việt Nam đã thực hiện “cách ly trên toàn quốc” vào ngày 1/4, một phản ứng nhanh và quyết đoán hơn nhiều so với ở Anh hoặc Ý, nơi các ca nhiễm đã lên tới hàng nghìn trước khi lệnh phong tỏa được ban bố. Ở những nước khác, chính phủ ban hành các lệnh phong tỏa để đối phó với dịch bệnh đang bùng phát ra, trong khi Việt Nam thực hiện phong tỏa là để ngăn ngừa một cuộc khủng hoảng quốc gia có thể tránh được.

 

Bài báo nhận định phần lớn thành công của Việt Nam đạt được là nhờ sự đồng thuận xã hội. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây đã ví những nỗ lực của Việt Nam trong ngăn chặn dịch COVID-19 như là “cuộc tổng tấn công mùa Xuân năm 2020”.

 

Các trường học Việt Nam đã đóng cửa kể từ tháng 1 và việc kiểm dịch hàng loạt bắt đầu vào ngày 16/3. Kể từ đó, hàng chục ngàn người nhập cảnh vào Việt Nam từ các quốc gia bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh đã được cách ly tại các trại trung tâm lớn. Đến ngày 25/3, các chuyến bay quốc tế đã ngừng hoàn toàn.

 

Cho đến nay, chưa có dấu hiện nào cho thấy các biện pháp hạn chế sẽ được nới lỏng. Phần lớn các chuyến bay nội địa, đường sắt và xe buýt đã bị đình chỉ, và bất cứ ai rời khỏi Hà Nội-tâm của dịch bệnh ở Việt Nam-đều được cách ly khi đến hầu hết các tỉnh khác.

 

Bài báo nhận xét cách người Việt phản ứng với khủng hoảng cũng rất nghiêm khắc. Các thông báo chính thức tại Thành phố Hồ Chí Minh cảnh báo những ai không đeo khẩu trang mà bị phát hiện đã lây nhiễm căn bệnh nguy hiểm cho người khác có thể phải đối mặt với án tù 12 năm. Các biện pháp nghiêm ngặt này đã đưa lại kết quả tương đối thành công.

 

Theo TTXVN/Vietnam+

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek