Với chiến lược ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng dập dịch và điều trị hiệu quả, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, là một trong hai quốc gia, vùng lãnh thổ không có bệnh nhân COVID-19 tử vong, dù có những ca bệnh nặng. Tuy nhiên, vì dịch bệnh đã xâm nhập vào cộng đồng, nguy cơ bùng phát vẫn rất cao nên người dân không được lơ là, chủ quan.
Nâng cao năng lực điều trị
Theo “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm đường hô hấp cấp tính do chủng virus Corona mới” của Bộ Y tế, những người nhiễm SARS-CoV-2 có thời gian ủ bệnh từ 2-14 ngày, trung bình từ 5-7 ngày. Trong giai đoạn khởi phát, triệu chứng thường gặp là sốt, ho khan, mệt mỏi, đau cơ; một số bệnh nhân bị đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, ho có đờm, nôn và tiêu chảy. Hơn 80% số ca bệnh chỉ sốt nhẹ, mệt mỏi, không bị viêm phổi và thường tự hồi phục sau khoảng một tuần. Khoảng 14% số ca bệnh diễn biến nặng như viêm phổi, viêm phổi nặng và khoảng 5% cần điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực với các biểu hiện suy hô hấp (thở nhanh, khó thở, tím tái…), hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, sốc nhiễm trùng, suy đa tạng, bao gồm tổn thương thận và tổn thương cơ tim dẫn đến tử vong. Từ lúc có các triệu chứng ban đầu cho tới khi diễn biến nặng thường khoảng 7-8 ngày. Nguy cơ tử vong cao hơn ở những người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch và mắc các bệnh mãn tính.
Thời kỳ phục hồi sau giai đoạn toàn phát là từ 7-10 ngày. Nếu không có hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, người bệnh sẽ hết sốt, các dấu hiệu lâm sàng dần trở lại bình thường và khỏi bệnh. Ở trẻ em, hầu hết các biểu hiện lâm sàng nhẹ hơn người lớn hoặc không có triệu chứng. Các dấu hiệu nhiễm SARS-CoV-2 thường gặp ở trẻ em là sốt và ho, hoặc các biểu hiện viêm phổi.
Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng COVID-19 nên chủ yếu là điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng. Theo thông tin từ Bộ Y tế, đến ngày 11/4, trong 113 bệnh nhân đang được điều trị tại 15 cơ sở khám chữa bệnh, có 3 bệnh nhân đang diễn biến rất nặng, được điều trị tích cực, còn lại hầu hết đều ổn định về sức khỏe. Vì vậy, các cơ sở y tế tuyến địa phương phải nâng cao năng lực điều trị để tiếp nhận và điều trị bệnh nhân COVID-19 trong trường hợp dịch bệnh lây lan trên diện rộng.
Tại Phú Yên, đến thời điểm này chưa có ca bệnh xác định và trường hợp tiếp xúc gần, có hai ca bệnh nghi ngờ đang được cách ly, theo dõi; hơn 7.700 trường hợp đang trong thời gian giám sát y tế. Nhằm trang bị kiến thức cho đội ngũ y tế sẵn sàng đáp ứng công tác phòng chống dịch bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã phối hợp với Sở Y tế tổ chức hai lớp tập huấn về công tác điều trị, hồi sức cấp cứu và sử dụng máy thở trong phòng chống COVID-19. Các bác sĩ, điều dưỡng đến từ những bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố đã được cập nhật, trang bị kiến thức theo “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm đường hô hấp cấp tính do chủng virus Corona mới” của Bộ Y tế, các biện pháp theo dõi và điều trị chung, đặc biệt là hồi sức cấp cứu và sử dụng máy thở trong phòng chống COVID-19.
Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt những người vào bệnh viện chăm sóc bệnh nhân. Ảnh: YÊN LAN |
Không lơ là, chủ quan
Để phòng chống đại dịch COVID-19, Việt Nam đã áp dụng hệ thống cách ly 4 vòng. Vòng 1 là cách ly và điều trị tại cơ sở y tế những trường hợp nhiễm bệnh và người thân của bệnh nhân đã tiếp xúc gần với họ. Vòng 2 là cách ly tập trung những người đã tiếp xúc gần với trường hợp nhiễm bệnh và người thân của họ. Vòng 3 là cách ly tại nhà những trường hợp đã tiếp xúc với những người được cách ly ở vòng 2. Vòng 4 là cách ly một cộng đồng có nhiều ca bệnh.
Thực tế cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 cho thấy, chiến lược ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng dập dịch và điều trị hiệu quả của Việt Nam là đúng đắn. Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh và là một trong hai quốc gia, vùng lãnh thổ không có bệnh nhân COVID-19 tử vong, dù có những ca bệnh nặng. Tuy nhiên, vì dịch bệnh đã xâm nhập vào cộng đồng, nguy cơ bùng phát vẫn rất cao nên người dân không được lơ là, chủ quan.
Phần lớn bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ, đó là một thách thức trong công tác dự phòng. Và song song với dự phòng, theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), hệ thống điều trị không được lơ là, chủ quan, bởi đã có sự lây nhiễm từ cộng đồng vào cơ sở khám chữa bệnh và ngược lại. BSCKII Phạm Hiếu Vinh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, cho biết bệnh viện đã thực hiện công điện của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19: Nâng cấp các biện pháp phòng chống dịch; tất cả những người đến khám nếu có biểu hiện nghi ngờ hoặc tiền sử dịch tễ chưa rõ ràng thì sẽ được cách ly và chỉ định xét nghiệm SARS-CoV-2 ngay. Đồng thời, bệnh viện tiến hành tầm soát bệnh nhân ở tất cả các khoa lâm sàng. “Điều này sẽ giúp bệnh viện phát hiện kịp thời những ca bệnh tiềm ẩn, cách ly ngay, tránh tình trạng lây nhiễm chéo trong bệnh viện và lây lan ra cộng đồng”, bác sĩ Phạm Hiếu Vinh nói.
YÊN LAN