Bộ Công an vừa ra Công điện số 03/CĐ-BCA-V01 gửi Thủ trưởng các đơn vị thuộc bộ và giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường phòng ngừa, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Dấu hiệu gia tăng tội phạm
Theo đánh giá của Bộ Công an, hiện nay, tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Điều này khiếnn hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Tỉ lệ thất nghiệp gia tăng cũng kéo theo các vấn đề an sinh xã hội; gây áp lực gia tăng tội phạm và phức tạp về trật tự xã hội.
"Một số loại tội phạm và vi phạm pháp luật đã có dấu hiệu gia tăng như tội phạm ma túy, chống người thi hành công vụ; hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, lừa đảo, đầu cơ các mặt hàng thiết yếu, y tế, lương thực, thực phẩm để trục lợi", đại diện Bộ Công an nêu rõ.
Bên cạnh đó, việc đưa tin không đúng sự thật trên không gian mạng về dịch bệnh; tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản (giết người, cướp tài sản, cướp, cướp giật, cưỡng đoạt, lừa đảo, trộm cắp tài sản...) cũng có những diễn biến phức tạp, nhất là liên quan đến nhóm đối tượng nghiện ma túy, “tín dụng đen”, thua cờ bạc, nợ nần...
Cũng theo Bộ Công an, trong thời gian giãn cách xã hội và tăng cường làm việc trực tuyến, tội phạm trên không gian mạng, nhất là đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ gia tăng. Một số hành vi như trốn, chống đối, không chấp hành quy định cách ly, giãn cách xã hội, không khai báo, khai báo y tế gian dối... có dấu hiệu tội phạm, vi phạm pháp luật cần được xác minh, điều tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Phối hợp chống dịch với đấu tranh xử lý tội phạm
Trước những diễn biến nêu trên, Bộ Công an đã yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các phương án bảo đảm an ninh, trật tự theo các cấp độ của dịch bệnh COVID-19 đã được lãnh đạo Bộ phê duyệt. Bên cạnh đó, các đơn vị và địa phương cũng phải tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh, điều tra, xử lý tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Cụ thể, các đơn vị phải tổ chức tốt công tác nắm tình hình, chủ động dự báo những tác động của dịch bệnh COVID-19 và hậu COVID-19 đến các vấn đề kinh tế, đời sống, an sinh xã hội có thể phát sinh những phức tạp về tội phạm và trật tự, an toàn xã hội trên từng địa bàn, lĩnh vực để có các biện pháp chủ động phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả.
Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống tội phạm; phối hợp với cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình thường xuyên cảnh báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm, nhất là những loại tội phạm phát sinh liên quan đến việc thực hiện biện pháp phòng, chống dịch bệnh để nhân dân cảnh giác, chủ động phòng ngừa.
Chú trọng bảo đảm an toàn cho các bệnh viện, cơ sở chữa bệnh, trung tâm cách ly phòng ngừa COVID-19. Phát huy vai trò của các lực lượng ở cơ sở, nhất là lực lượng Công an phường, Công an xã, Cảnh sát khu vực và các mô hình, điển hình tiên tiến của quần chúng nhân dân để phòng ngừa, phát hiện, tố giác, đấu tranh ngăn chặn tội phạm.
Các đơn vị phải sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, vi phạm pháp luật, nhất là tội phạm ma túy, chống người thi hành công vụ là nhân viên y tế và các lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh; buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng... không để xảy ra tình hình phức tạp, gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh.
Thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, điện chỉ đạo của Bộ Công an về tập trung phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm giết người, cướp, cướp giật, cưỡng đoạt, trộm cắp tài sản, tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen,” tội phạm và tệ nạn cờ bạc, nhất là trên không gian mạng; tăng cường truy bắt và vận động đối tượng truy nã ra đầu thú...
Cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp nghiên cứu hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19 (Văn bản số 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020) để chủ động phát hiện, khởi tố, điều tra, xử lý nghiêm các loại tội phạm liên quan theo quy định của Bộ luật Hình sự, nhất là Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người (Điều 240); Tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người (Điều 295); Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 288); Tội làm nhục người khác (Điều 155); Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174); Tội buôn lậu (Điều 188); Tội đầu cơ (Điều 196); Tội chống người thi hành công vụ (Điều 330); Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 360)...
Các đơn vị cần phối hợp với Viện kiểm sát, Tòa án cùng cấp lựa chọn một số vụ án điểm thực hiện thủ tục rút gọn theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự để kịp thời đưa ra truy tố, xét xử nghiêm minh trước pháp luật nhằm răn đe vi phạm.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, nhất là quản lý cư trú, quản lý người nước ngoài, quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự. Tập trung nắm hộ dân, nắm người, giải quyết tình hình an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở...
Các đơn vị cũng phải trang bị đầy đủ vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện và có phương án bảo đảm an toàn cho nhân dân và cán bộ, chiến sĩ khi thực hiện nhiệm vụ (kể cả phương án y tế) nhằm phòng ngừa các trường hợp chống người thi hành công vụ, không để cán bộ, chiến sĩ thương vong hoặc nhiễm dịch bệnh.
Theo Vietnam+