Để phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2, người dân cần tuân thủ các hướng dẫn của Bộ Y tế. Người trên 60 tuổi hãy ở nhà, hạn chế tiếp xúc với người khác.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong số hơn 100 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế có hai bệnh nhân diễn tiến nặng. Đó là bà L.T.H (64 tuổi, bệnh nhân thứ 19, ở Trúc Bạch, quận Ba Đình, TP Hà Nội, bác gái bệnh nhân thứ 17) và một người Anh (69 tuổi, bệnh nhân thứ 26). Bà H có bệnh nền là rối loạn tiền đình; nam bệnh nhân người Anh có bệnh nền là tăng huyết áp, đái tháo đường type 2. Cả hai đang được theo dõi chặt chẽ tại Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Từ ngày 15/3, hai bệnh nhân này được đặt thở máy và lọc máu. Riêng bệnh nhân H, do tình trạng suy hô hấp tiến triển nhanh nên được chỉ định can thiệp tim phổi nhân tạo (ECMO). Đây là phương pháp oxy hóa qua màng ngoài cơ thể, sử dụng tuần hoàn và trao đổi oxy bên ngoài cơ thể nhằm hỗ trợ chức năng sống ở các bệnh nhân suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng. Thường thì bệnh nhân được can thiệp tim phổi nhân tạo trong một vài giờ đến một vài ngày; một số người có thể được can thiệp trong vài tuần, tùy thuộc vào diễn biến bệnh.
Giới chuyên môn đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ cao nhiễm SARS-CoV-2 ở người cao tuổi, do hệ miễn dịch và chức năng của các cơ quan suy giảm. Mặt khác, người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh mạn tính khiến sức đề kháng của cơ thể giảm nhiều. Và một khi người cao tuổi bị lây nhiễm SARS-CoV-2, bệnh dễ diễn tiến nặng hơn những người trẻ. Chính vì vậy, khi đại dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, Thủ tướng Chính phủ đề nghị người dân tuân thủ hướng dẫn của cơ quan y tế; người trên 60 tuổi hãy ở nhà, hạn chế tiếp xúc với người khác; đeo khẩu trang khi ra ngoài và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; tăng cường dinh dưỡng, tập luyện, nâng cao sức khỏe.
Theo các chuyên gia bệnh truyền nhiễm, nếu trong gia đình có người cao tuổi, người thân hãy thực hiện các khuyến cáo của Bộ Y tế, đồng thời giải thích, hướng dẫn, động viên người cao tuổi cùng thực hiện. Nên chuẩn bị sẵn một số thuốc có thể điều trị triệu chứng, như hạ sốt, thuốc ho… Người thân cần quan tâm cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho người cao tuổi, quan sát và điều chỉnh nếp sinh hoạt sao cho hợp lý, khoa học, quản lý chu đáo bệnh lý mạn tính của người cao tuổi. Đặc biệt, người thân cần quản lý chặt chẽ việc tiếp xúc của người cao tuổi nhằm ngăn ngừa họ tiếp xúc với người có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2; theo dõi để có thể phát hiện sớm các dấu hiệu nhiễm bệnh và báo ngay cho cơ quan y tế. Khi người cao tuổi nằm viện, cần hạn chế việc đi thăm trong giai đoạn này. Người đang có bệnh viêm đường hô hấp, con cháu từ vùng có dịch trở về… càng không nên đến thăm người cao tuổi.
BSCKII Nguyễn Thị Mộng Ngọc, Giám đốc Sở Y tế Phú Yên, khuyến cáo: Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều người trở về từ các nơi, không loại trừ được ai là người có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2. Vì vậy, khi ở xa về, nhất là từ các vùng có dịch trở về, bà con tự giác ở tại nhà, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch mà Bộ Y tế đã hướng dẫn, hạn chế tiếp xúc với người trong gia đình cũng như đi ra ngoài trong 14 ngày.
Theo báo cáo nhanh từ Ban chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh, đến 17 giờ ngày 23/3, Phú Yên không có trường hợp bệnh xác định, trường hợp bệnh nghi ngờ và trường hợp tiếp xúc gần. Đã giám sát y tế 2.107 trường hợp (trong đó có 433 người nước ngoài đến từ các quốc gia, lãnh thổ và các vùng có dịch), hiện còn 1.217 người đang trong thời gian giám sát, cụ thể: Cách ly tại cơ sở y tế: 4 người, cách ly tại cơ sở cách ly tập trung: 6 người, cách ly tại nhà/nơi lưu trú: 32 người, đang tự theo dõi sức khỏe hàng ngày: 1.175 người.
Cơ quan chuyên môn đã lấy mẫu làm xét nghiệm 17 trường hợp, kết quả: 15 trường hợp âm tính, 2 trường hợp đang chờ kết quả. |
YÊN LAN