Từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, hoạt động của doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn. Đơn hàng xuất cho các đối tác nước ngoài giảm hẳn, sức tiêu thụ nội địa cũng chững lại, người lao động giảm thời gian làm việc...
Nếu tình hình này kéo dài thì hoạt động của doanh nghiệp sẽ càng thêm khó khăn và có nguy cơ phá sản. Đó là tâm sự của chủ một doanh nghiệp chế biến thủy sản tại Phú Yên.
Rõ ràng, dịch COVID-19 đang làm đảo lộn mọi dự tính của nhiều doanh nghiệp. Theo báo cáo của UBND tỉnh, dịch bệnh diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến kinh tế của tỉnh, nhất là các ngành dịch vụ, hoạt động sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu. Lượt khách du lịch từ đầu năm 2020 đến nay giảm mạnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng thấp; một số sản phẩm sản xuất công nghiệp chủ lực giảm…
Còn theo báo cáo của Bộ Công thương, dịch COVID-19 đã tác động mạnh đến hoạt động sản xuất công nghiệp, nên từ đầu năm 2020 đến nay, chỉ số sản xuất toàn ngành chỉ tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2019, thấp hơn khá nhiều so với mức tăng 13,7% của cùng kỳ năm 2018 và 9,2% của cùng kỳ năm 2019. Ngành chế biến, chế tạo chịu tác động nhiều nhất với tốc độ tăng chỉ 7,4%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 11,4% của cùng kỳ năm 2019. Nếu dịch bệnh còn tiếp diễn thì mức độ ảnh hưởng sẽ trở nên rõ rệt với ngành sản xuất.
Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, xác định “nhiệm vụ kép” là vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ban hành Chỉ thị 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh huy động mạnh mẽ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân cùng “tham chiến”, vượt khó trong đại dịch. Theo đó, các đơn vị, địa phương phải chủ động xây dựng phương án, kịch bản và giải pháp triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao; nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ khởi công và hoàn thành các dự án, nhất là các dự án ngoài ngân sách; tiếp tục tăng cường cải cách hành chính, đẩy nhanh thời gian xử lý thủ tục hành chính.
Bên cạnh nỗ lực vượt khó của bản thân, các doanh nghiệp đang rất cần sự hỗ trợ thị trường tiêu thụ, vốn, lãi suất, thuế... từ phía Nhà nước để đảm bảo “sức khỏe” chống lại đại dịch COVID-19. Đồng hành với doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại trên địa bàn Phú Yên đang cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; đồng thời cho vay mới đối với khách hàng theo quy định để ổn định sản xuất, kinh doanh. Còn ngành Thuế thì xem xét gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp cho người nộp thuế không có khả năng nộp thuế đúng hạn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Bảo hiểm xã hội thì xem xét cho doanh nghiệp chậm nộp tiền bảo hiểm...
Mọi hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp lúc này đều cần thiết hơn bao giờ hết. Với kinh nghiệm ứng phó đại dịch SARS 17 năm trước, cũng như sự cọ xát, hội nhập kinh tế quốc tế trong nhiều năm đã giúp các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp Phú Yên nói riêng sớm nhận diện nguy cơ để chủ động ứng phó linh hoạt. Và với tinh thần “chống dịch như chống giặc” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc truyền đến mọi người dân và cộng đồng doanh nghiệp, tin chắc rằng chúng ta sẽ sớm kiểm soát, phòng ngừa có hiệu quả dịch COVID-19; từng bước khắc phục khó khăn tiếp tục duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh.
“Sức khỏe” của doanh nghiệp có tốt hay không, các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế có đạt mục tiêu kế hoạch đề ra hay không, an sinh xã hội có được đảm bảo hay không..., tất cả phụ thuộc lớn vào tinh thần “chống dịch như chống giặc” của mỗi chúng ta.
NGUYỄN QUANG