Một hành động gian dối khi về từ vùng dịch đã khiến cả hệ thống công quyền phải dồn sức ngay trong đêm xây dựng phương án đối phó, ngăn chặn sự lây lan. Một lời khai báo quanh co, giấu diếm khiến cho hàng chục người lây bệnh, hàng trăm người đi cách ly, nhiều khu vực phải phong tỏa để kiểm soát...
Sự tự giác, tính trung thực luôn cần thiết và càng được đề cao trong bối cảnh cả nước đang đồng tâm "chống giặc" COVID-19 vì đây là yếu tố vô cùng quan trọng để tận dụng “cơ hội vàng” trong công tác kiểm soát dịch bệnh.
Thế giới đang trải qua chuỗi ngày kinh hoàng khi phải đối mặt với một kẻ thù vô hình mang tên SARS-CoV-2. Đặc tính nguy hiểm của loại virus được coi là “giặc” chính là sự lây lan rất nhanh nhưng lại có thời gian ủ bệnh kéo dài tới 14 ngày. Nếu không phát hiện sớm để thực hiện cách ly, người nhiễm không hề biết mình đang mang mầm bệnh, đi khắp nơi, tiếp xúc với nhiều người, khiến hậu quả khôn lường.
Những nghiên cứu cho thấy, phát hiện sớm chính là “cơ hội vàng” để ngăn cản sự lây lan trước khi loại virus chết người này bùng phát trên diện rộng. Việt Nam đã làm tốt công tác này và đang là một trong số ít quốc gia được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá cao khi đã từng duy trì được 22 ngày không ghi nhận thêm trường hợp nhiễm mới, 16 bệnh nhân mắc COVID-19 đã được chữa khỏi.
Tuy nhiên, chuyến bay VN0054 có nhiều hành khách, sau đó được xét nghiệm có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 đã đưa công tác phòng, chống dịch của Việt Nam sang một giai đoạn mới, khó khăn hơn rất nhiều so với trước đó. Kể từ khi phát hiện bệnh nhân số 17, số ca mắc COVID-19 ở nước ta đã tăng lên từng ngày.
Trong cuộc họp gần đây, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, nếu chúng ta chậm trễ sẽ bị dịch bệnh hạ knock-out, vì vậy, phải tìm mọi biện pháp hạn chế tối đa nguồn lây nhiễm. Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường khoanh vùng dịch bệnh, khử trùng đúng quy trình khẩn cấp, kịp thời. Mỗi doanh nghiệp, người dân, khu dân cư phải là pháo đài phòng, chống dịch.
Thông điệp của Thủ tướng cho thấy, dù Chính phủ và cơ quan chức năng có nỗ lực, quyết liệt đến mấy mà không có sự hợp tác của người dân, mọi thành quả của cả hệ thống chính trị đều có thể “đổ xuống biển”. Sự hợp tác đó không phải là hành động đóng góp công sức, tiền của, mà chỉ đơn giản là thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Trong đó, việc quan trọng nhất là trung thực trong khai báo về tình trạng sức khỏe khi đi về từ vùng dịch, hoặc thông báo cho chính quyền biết lịch trình di chuyển, tiếp xúc nếu lỡ bị mắc bệnh để bảo vệ cộng đồng.
Thế nhưng, việc làm tưởng chừng rất đơn giản ấy lại có vẻ khó với một số người chỉ vì tính ích kỷ, tư tưởng hẹp hòi, coi lợi ích của bản thân là trên hết. Giá như bệnh nhân thứ 17 không gian dối khi dùng hai hộ chiếu để qua mặt cơ quan chức năng thì những người xung quanh họ đã không bị lây nhiễm, chính quyền và nhân dân Thủ đô không phải “gồng mình” tìm mọi cách khắc phục. Giá như bệnh nhân thứ 34 trung thực khai báo chi tiết về lịch trình di chuyển khi đã biết mình nhiễm bệnh, lực lượng chức năng sẽ không phải vất vả.
Đáng buồn, hiện số người lây bệnh từ bệnh nhân 34 đã lên tới 10 người. Cả xã hội bất bình lên án những hành động ích kỷ, vô nhân khi biết rõ mình mang bệnh mà vẫn cố tình quanh co, che giấu, làm hại cho cộng đồng. Nhiều người đặt câu hỏi: Bệnh nhân “siêu lây nhiễm” này có cảm thấy ân hận vì đã làm khổ nhiều người, trong đó có những người thân, ruột thịt của mình cũng bị lây bệnh?.
Tục ngữ có câu “khôn ngoan chẳng lọ thật thà” đề cao sự trung thực và nhấn mạnh, trong những hoàn cảnh cụ thể, thật thà sẽ đem lại hiệu quả hơn là việc đối phó bằng sự khôn ngoan, ích kỷ. Người phụ nữ nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Bình Thuận là một doanh nhân thành đạt. Khai báo không trung thực về lịch trình di chuyển và những cuộc tiếp xúc của mình, bà hoàn toàn sai lầm khi đã tự mình đánh mất tất cả từ nhân phẩm, đạo đức đến sức khỏe của người thân...
Xét về mặt pháp luật, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho rằng, các trường hợp khai báo không trung thực để lây lan bệnh đều có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015, với mức hình phạt có thể lên đến 12 năm tù.
Những ca lây bệnh từ hai trường hợp trên, bị tổn hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản và có căn cứ rõ ràng hoàn toàn có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, theo quy định của pháp luật Việt Nam. Theo luật sư, trong tình hình dịch COVID-19 đang phức tạp như hiện nay, chính quyền cần phải làm quyết liệt để răn đe và phòng ngừa chung.
Trước diễn biến mới của dịch COVID-19, nguy cơ lây lan trong cộng đồng, Chính phủ Việt Nam phải thực hiện hàng loạt các biện pháp đồng bộ mà theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, thời điểm này, chúng ta phải tiếp tục kiên trì, ngăn chặn dịch bệnh từ trăm ngả, thay vì một vài ngả như trước đây.
Với những gì Chính phủ đang làm cho thấy, việc mỗi cá nhân thực hiện đúng theo quy định của cơ quan chức năng, trung thực trong khai báo không chỉ thể hiện trách nhiệm bản thân trước cộng đồng mà còn nhằm đảm bảo quyền lợi mà mình đương nhiên được thụ hưởng. Những người đi từ vùng dịch về được tiến hành cách ly, nếu phát hiện bị mắc bệnh sẽ được điều trị hoàn toàn miễn phí theo phương pháp tiên tiến nhất.
Rõ ràng, hành động của Chính phủ Việt Nam đang được cả thế giới nhìn vào và đánh giá rất cao, không có lý do gì để những công dân trở về phải gian dối về tình trạng sức khỏe cũng như lịch trình di chuyển. Bởi, chỉ một lời nói không thật trong thời điểm này cũng sẽ khiến cho cả bộ máy công quyền phải “gồng mình” xử lý hậu quả, tiêu hao nhiều công sức, tiền của mà số người lây nhiễm lại có khả năng tăng lên theo cấp số nhân.
Hơn lúc nào hết, mỗi cá nhân hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy tính tự giác, trung thực trong khai báo để hạn chế đối đa việc lây nhiễm cho cộng đồng, góp phần giúp Chính phủ Việt Nam duy trì “cơ hội vàng” trong kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe cho toàn dân.
Theo TTXVN/Vietnam+